Nhìn lại cuộc đời truân chuyên của cố NSƯT Thanh Nga sau vụ ám sát kinh hoàng cách đây 40 năm

Tròn 40 năm kể từ khi rời xa cõi tạm vì một vụ ám sát kinh hoàng, hình ảnh của cố NSƯT Thanh Nga vẫn còn lại mãi trong lòng người hâm mộ.

NSƯT Thanh Nga sinh ngày 31-7-1942 tại Tây Ninh, tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga. Mẹ của bà chính là bà Nguyễn Thị Thơ (còn gọi là "bầu Thơ") từng làm Trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nức tiếng một thời.

NSƯT Thanh Nga sinh ngày 31-7-1942 tại Tây Ninh, tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga. Mẹ của bà chính là bà Nguyễn Thị Thơ (còn gọi là "bầu Thơ") từng làm Trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nức tiếng một thời.

Lúc sinh thời, cố NSƯT Thanh Nga theo đạo Phật, là một Phật tử có pháp danh Diệu Minh.

Cố NSƯT Thanh Nga bước lên sân khấu từ năm còn là đứa bé 8 tuổi qua vai diễn Nghi Xuân trong vở cải lương "Phạm Công Cúc Hoa" và sau đó là hàng loạt vai "đào con" khác. Lúc bấy giờ, bà đã được khán giả yêu mến đặt cho biệt danh "thần đồng cải lương". Năm 16 tuổi, với vai nữ chính đầu tiên trong vở cải lương "Người vợ không bao giờ cưới", bà đã giành chiếc Huy chương Vàng của giải Thanh Tâm 1958.

Những năm 1960 - 1970, cố NSƯT Thanh Nga được xem là "nữ hoàng" trên sân khấu cải lương miền Nam. Trong suốt hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi của bà gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Thái hậu Dương Vân Nga... Ngoài cải lương, bà cũng góp mặt trong nhiều phim điện ảnh như: Loan mắt nhung, Xa lộ không đèn, Sau giờ giới nghiêm, Lan và Điệp...

Nhan sắc xinh đẹp đài các của cố NSƯT Thanh Nga.

Trải qua những sóng gió trong đời sống riêng, năm 1969 cố NSƯT Thanh Nga sang Pháp biểu diễn. Chuyến đi do ông Phạm Duy Lân (Đổng lý văn phòng Bộ Thông) làm trưởng đoàn. Trong suốt thời gian ở Pháp, ông Lân rất yêu quý và dành sự quan tâm rất đặc biệt đến nữ nghệ sĩ xinh đẹp và tài hoa này. Sau khi về Việt Nam, cả hai quyết định kết hôn.

Tổ ấm của cả hai càng thêm rộn rã và hạnh phúc khi đón chào cậu con trai đầu lòng - bé Phạm Duy Hà Linh chào đời (nay là nghệ sĩ Hà Linh). Khi đó, dù trong nhà có người giúp việc song cố NSƯT Thanh Nga luôn muốn tự tay mình chăm sóc con, từ việc pha sữa cho con ăn, cạo gió cho con bằng bông gòn...và đêm nào đi diễn, bà cũng mang theo con trai cùng đi.

Ngày 26-11-1978, khi vừa bước qua tuổi 36 tuổi, đang lúc thời kỳ hoàng kim của nghề diễn, vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn chết ngay trước cửa nhà ở đường Ngô Tùng Châu (nay là Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Vụ án gây chấn động dư luận bấy giờ.

Vụ ám sát sau đó đã được Công an TP.HCM điều tra ra và tóm gọn hung thủ gây án. Theo đó, các đối tượng gây án khai định thực hiện việc bắt cóc con trai của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga để tống tiền, việc nổ súng bắn khiến cả hai vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga qua đời không phải mục đích ban đầu của chúng.

Hàng vạn khán giả Sài thành và các tỉnh trong cả nước đã đổ về nhà riêng để thắp hương tiễn biệt nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng bà.

Năm 1984, Thanh Nga được truy tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2015, tên bà được đặt cho một con đường tại khu dân cư Gia Hòa (Q.9, TP.HCM).

Sau khi Thanh Nga mất đi, thì những câu chuyện liên quan đến bà lúc sinh thời bỗng nhiên trở nên vô cùng đặc biệt, có những câu chuyện trở nên huyền thoại.

Sự qua đời đột ngột của NSƯT Thanh Nga để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người hâm mộ.

Sau này người nhà kể lại, Thanh Nga từ nhỏ rất sợ gián, mỗi khi ai muốn dọa bà thì chỉ cần đem gián ra, chắc chắn sẽ làm bà sợ chết khiếp.

Lúc sinh thời, Thanh Nga thích mặc áo dài, áo bà ba, thích màu vàng. Thanh Nga có thói quen hễ thích bộ trang phục nào thì cứ mặc đi mặc lại một kiểu. Mặc rồi giặt, giặt xong lại mặc tiếp.

Bà cũng là người rất chăm chút đến mái tóc nên rất cầu kỳ khâu bới tóc mỗi khi lên sân khấu, đóng phim hoặc chụp ảnh.

Cố NSƯT Thanh Nga từng tâm sự, bà đóng phim chỉ là vì đam mê muốn thử sức mình trong lĩnh vực mới, còn thật ra thu nhập trong nghề diễn viên không thể sống nổi. Tất cả diễn viên đều phải có nghề khác để sống và nghề nuôi sống bà chính là sân khấu.

Hình ảnh cố NSƯT Thanh Nga diễn xuất trên sân khấu đã trở thành huyền thoại cải lương.

Cố NSƯT Thanh Nga còn từng bày tỏ mơ ước khi nào nghề điện ảnh Việt Nam mạnh, cô sẽ đứng ra thành lập hãng phim riêng của mình để sản xuất những bộ phim theo ý của cô.

Khi còn sống, NSƯT Thanh Nga có sở thích sưu tầm búp bê. Trong nhà của bà có rất nhiều búp bê mà bà đã bỏ công sưu tầm sau những chuyến lưu diễn, những chuyến xuất ngoại và của những khán giả ái mộ tặng.

Như Ý

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/nhin-lai-cuoc-doi-truan-chuyen-cua-co-nsut-thanh-nga-sau-vu-am-sat-kinh-hoang-cach-day-40-nam/791220.antd