Nhìn lại kinh tế thế giới 2019: Thương chiến và công nghệ

Những thay đổi về công nghệ và chính trị đã khiến nền kinh tế thế giới có nhiều biến động trong năm 2019

Từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2019 chắc chắn là thương mại, chính xác hơn là “thương chiến”. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự đổi mới công nghệ và trên hết là chủ nghĩa bảo hộ của tổng thống Mỹ, Donald Trump, đã khiến các công ty phải xem xét lại về chuỗi cung ứng, đặc biệt là trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) liên quan đến mối quan hệ giao thương giữa 3 quốc gia Mỹ, Canada và Mexico trong suốt ¼ thế kỷ.

Trước thời điểm năm 2019 kết thúc, chính quyền Trump đã đàm phán thay thế NAFTA bằng Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), cùng thời điểm mà Hạ Viện thông qua việc luận tội Tổng thống. Năm 2019 kết thúc bằng việc hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ phải chịu thuế cao hơn, và nền kinh tế số 2 thế giới phải tìm điểm đến mới cho hàng xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, khi mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ đang nỗ lực làm theo quy trình một cách cẩn thận, thì Tổng thống Trump lại thích “ném gạch đá” trên mạng xã hội bằng cách thông báo các chính sách thuế bất ngờ qua những dòng tweet trên Twitter. Chính sự khó lường trên đã ảnh hưởng đến việc đầu tư và nền kinh tế toàn cầu.

Mỹ thay thế NAFTA bằng USMCA trong năm 2019

Hệ thống thương mại toàn cầu dựa trên các quy tắc đã bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn được Mỹ xem là nguồn cội của sự thiên vị và lừa đối, đã phải kết thúc năm 2019 mà không có Cơ quan Phúc thẩm (SAB) hoạt động vì chính quyền Trump đã cản trở việc bổ nhiệm các thành viên mới vào SAB. Như vậy, những tranh chấp trong tương lai giữa các nước sẽ phải trải qua các phiên điều trần sơ thẩm, và sau đó các nước sẽ trở lại chủ nghĩa song phương. Không có gì sẽ sụp đổ ngay lập tức, nhưng việc mất đi một trọng tài độc lập như WTO thực sự đã giáng một đòn vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại đã khiến thị trường toàn cầu trở nên bấp bênh. Năm nay được bắt đầu với những kỳ vọng mới về việc chính quyền Trump sẽ hòa giải với Trung Quốc, từ đó khiến thị trường tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, những kỳ vọng trên có vẻ hơi vội vàng khi mà các nhà đầu tư bắt đầu thêm phần lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và đổ xô đến trái phiếu để trú ẩn. Thế nhưng vào cuối năm nay, sản xuất toàn cầu đã có những dấu hiệu ổn định trở lại, các nhà đầu tư đã bắt đầu chấp nhận rủi ro, quay trở lại đầu tư vào các loại hàng hóa và đồng tiền ở các thị trường mới nổi.

Khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Nền kinh tế của Mỹ đang chống chọi lại với nguy cơ sự suy thoái và chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp các thị trường mới nổi bắt đầu phục hồi sau quãng thời gian khó khăn. Mặc dù tăng trưởng chậm lại nhưng Trung Quốc cũng đã thành công trong việc ngăn chặn suy thoái nhờ vào việc cắt giảm thuế. Ở châu Âu, việc bà Christine Lagarde thay thế ông Mario Draghi trở thành người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu, nơi mà bà sẽ tiếp tục việc nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế ảm đạm của cả khu vực. Ngành sản xuất của Đức bắt đầu năm 2019 trong tình trạng tồi tệ và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục.

Trong suốt năm nay, cuộc đua tranh giữa các ngân hàng và fintech tiếp tục thêm phần khốc liệt. Các công ty khởi nghiệp nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần của những ngân hàng truyền thống trong việc luân chuyển dòng tiền xuyên biên giới. Nhờ có sự hỗ trợ của thương mại điện tử và sự phổ biến của thanh toán trực tuyến, những ông lớn này liên tục sáp nhập và phát triển, đặt ra câu hỏi về sự sẵn sàng của xã hội hiện đại cho một tương lai không có tiền mặt ở quy mô rộng lớn.

Bên cạnh đó, những “gã khổng lồ” đang “chi phối” điện thoại thông minh như Google, Apple, Facebook và Amazon, cũng đang cố gắng tham gia vào dịch vụ tài chính và rất có thể sẽ đánh bại những “ông hoàng, bà hậu” truyền thống.

Nguồn The Economist

An Lê

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/the-gioi/nhin-lai-kinh-te-the-gioi-2019-thuong-chien-va-cong-nghe-3332129/