Nhìn lại kỳ án 'phân bón rởm' ở Sóc Trăng: Những 'hạt sạn' trong 3 năm điều tra, truy tố

Như PLVN đã phản ánh, sau hơn ba năm điều tra, nhiều lần trả hồ sơ, xét xử lại, mới đây kỳ án 'phân bón rởm' tại Sóc Trăng được đưa ra xét xử lại và sau 6 ngày xét hỏi tranh luận quyết liệt giữa các bên, tòa tuyên nghị án kéo dài, dự kiến ngày 9/7 tới đây mới tuyên án.

Bị cáo Phương và Thanh luôn kêu oan từ khi bị khởi tố đến khi xét xử

Bị cáo Phương và Thanh luôn kêu oan từ khi bị khởi tố đến khi xét xử

Vụ án thu hút sự chú ý, không chỉ vì có những uẩn khúc trong quá trình điều tra truy tố, mà còn vì liên quan một lĩnh vực từ trước tới nay rất khó phân định là chất lượng phân bón – chủ đề thu hút sự chú ý của nhiều triệu nông dân.

Ba năm điều tra chưa hồi kết

Hai người bị cáo buộc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án là ông Châu Hoài Phương (SN 1978, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT), Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng) và ông Ung Văn Thanh (Kiểm soát viên Đội QLTT số 7).

Ngày 13/4/2016, ông Phương là Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng, ông Thanh là thành viên Đoàn, cùng các thành viên kiểm tra tại Doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên (thị xã Ngã Năm) phát hiện 3 loại phân bón số lượng 198 bao do Tập đoàn Con Cò Vàng (TP HCM) sản xuất nhưng chưa cung cấp được chứng từ về hợp chuẩn nên lấy mẫu đưa đi giám định.

Kết quả 2 lần giám định tại 2 cơ quan khác nhau cho rằng các mẫu phân không đạt chất lượng. Theo cáo trạng, kết quả lần 2 là cơ sở cuối cùng để xử lý Hồ Mỹ Nhiên, nhưng ông Phương và Thanh “lợi dụng chức vụ” đưa mẫu phân bón đi kiểm nghiệm lần thứ 3 dựa vào công văn của nhà sản xuất Con Cò Vàng. Kết quả kiểm nghiệm lần 3 tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (TP HCM) cho thấy các mẫu phân đều đạt chất lượng. Có kết quả kiểm nghiệm này, ông Phương cho tháo niêm phong, trả số phân bón lại Hồ Mỹ Nhiên.

Ông Phương cho biết do có khiếu nại của nhà sản xuất nên phải đưa đi giám định lần 3 để các bên “tâm phục khẩu phục”, tránh khiếu nại khiếu kiện, tránh gây ảnh hưởng uy tín của Chi cục QLTT. Cáo trạng lại cho rằng, hành vi cho đi kiểm nghiệm lần 3 là trái Thông tư 26 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khiến “phân bón giả” lưu thông ra ngoài, gây thất thu ngân sách 120 triệu và thiệt hại phi vật chất cho Chi cục QLTT.

Việc giải phóng phân bón này bị phản ánh đến Sở Công Thương. Sở thành lập tổ xác minh, trong đó có ông Huỳnh Minh Trí (Phó Chánh Thanh tra Sở) là Tổ phó. Tổ xác minh cho rằng số phân bón Đoàn kiểm tra là giả, có dấu hiệu ông Phương phạm tội nên ngày 26/12/2016 chuyển hồ sơ đến Cơ quan ANĐT tỉnh.

Ngày 5/6/2017, Cơ quan ANĐT khởi tố vụ án, khởi tố bắt giam ông Phương và ông Thanh về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 29/12/2017, Cơ quan ANĐT chuyển tội danh sang “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đến ngày 16/1/2018 và 17/1/2018, lần lượt ông Phương và ông Thanh được tại ngoại.

Ngày 22/8/2018, TAND TP Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ thiệt hại vật chất, phi vật chất và nếu nhà sản xuất khiếu nại thì được giải quyết ra sao?

Ngày 29/9/2018, Cơ quan ANĐT ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để “chờ kết quả trưng cầu giám định bổ sung”. Sau đó vụ án được phục hồi.

Đến ngày 28/6/2019, TAND TP Sóc Trăng mở phiên xử sơ thẩm lần 2 và thời gian tuyên án được kéo dài đến ngày 9/7 tới.

Những “hạt sạn”

Trong phiên xử sơ thẩm lần 2 vừa qua, theo dõi diễn biến phiên tòa, có nhiều vấn đề chưa được làm rõ, cơ quan tố tụng có dấu hiệu sai phạm trong điều tra truy tố, các bị cáo có dấu hiệu bị oan sai.

Thứ nhất, thẩm quyền điều tra tội danh của hai bị cáo có thuộc Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng hay không? Căn cứ khoản 2 Điều 17 Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 thì tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281) không thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan ANĐT công an cấp tỉnh.

Điều 17 Luật này cũng quy định Cơ quan ANĐT “tiến hành điều tra vụ án hình sự về tội phạm khác liên quan đến an ninh quốc gia hoặc để đảm bảo khách quan theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an”.

Như vậy, nếu Cơ quan ANĐT muốn điều tra, xử lý tội danh này với hai bị cáo, phải có sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an. Giám đốc Công an tỉnh không có quyền phân công. Báo cáo số 13 của Cơ quan ANĐT Sóc Trăng cũng xác nhận điều này.

Thứ hai, vụ án có dấu hiệu sai sót về giám định tư pháp phân bón thật hay giả, quy trình kiểm nghiệm phân bón, các thiệt hại vật chất, phi vật chất. Đây là những giám định làm cơ sở ban đầu để khởi tố vụ án, khởi tố và bắt giam bị can. Thế nhưng trong vụ án này, cả bốn người thực hiện giám định đều không đúng chuyên môn; các giám định không đúng nơi, không đúng cơ quan. Ví dụ giám định thiệt hại phi vật chất phải có Giám định viên Sở Thông tin và Truyền thông, giám định thiệt hại vật chất phải có Giám định viên Sở Tài chính… nhưng những quy định này đã bị bỏ qua.

Thứ ba, để có cơ sở khởi tố, CQĐT buộc phải thực hiện giám định độc lập mẫu phân bón để kết luận là thật hay giả. Điều này đã không được thực hiện. Đến nay, hai bao phân bón được kết luận là tang vật vụ án bị VKS bác bỏ. Nói cách khác, vụ án không có vật chứng.

Thứ tư, trong vụ án này ngoài việc trái công vụ, vì động cơ cá nhân, thì vấn đề thiệt hại là một căn cứ bắt buộc phải có để buộc tội. Ban đầu, Cơ quan ANĐT và VKS đều quy kết phân bón giả; và giám định viên cho rằng thiệt hại 1,8 tỷ. Sau đó lại giảm xuống còn 1,2 tỷ. Và đến cáo trạng mới nhất, VKS cho rằng thiệt hại là “thất thu ngân sách 120 triệu”.

Khi tranh luận, VKS lại nói rằng không đề cập đến phân bón là giả hay thật vì không truy tố các bị cáo về tội: “Buôn bán, sản xuất phân bón giả”. Luật sư cho rằng quan điểm của VKS như thế là hoàn toàn trái luật. Bởi nếu không phải phân bón giả thì không gây ra thiệt hại. Mà không có thiệt hại thì không cấu thành tội phạm tội danh các bị cáo đang bị truy tố.

Thứ năm, là điều khuất tất trong các công văn Cơ quan ANĐT đề nghị giám định viên “sớm có kết luận giám định để có căn cứ báo cáo xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương”. Trong hồ sơ không có văn bản xin ý kiến liên ngành tư pháp Trung ương và trả lời của các cơ quan này. Lý giải việc này, VKS nói Cơ quan ANĐT viện lý do để “đốc thúc” giám định viên chứ có xin ý kiến hay không thì VKS không được báo cáo, không được biết. Luật sư nghi ngờ văn bản xin ý kiến và trả lời của liên ngành tư pháp Trung ương bị thất lạc hoặc có dấu hiệu sai lệch hồ sơ vụ án.

Thứ sáu, vụ án có dấu hiệu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ở Sở Công Thương Sóc Trăng. Theo đó, Sở Công Thương là người thụ lý tố cáo đối với ông Phương, vừa là cơ quan đưa ra kết luận và là cơ quan tố cáo ông Phương đến ANĐT. Nhưng chính ông Huỳnh Minh Trí (Phó Chánh Thanh tra Sở; Tổ phó xử lý tố cáo) lại trở thành Giám định viên trong vụ án.

Thứ bảy, về thiệt hại cho người sử dụng, thời điểm giải phóng phân bón là giữa năm 2016 nhưng không có bất cứ nông dân nào khiếu nại hoặc phản ánh bị thiệt hại.

Dù còn những “hạt sạn” như trên, cáo trạng vẫn quy kết hành vi của ông Phương và ông Thanh “gây thiệt hại đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây ra dư luận phức tạp trên báo chí; làm cho nhân dân nghi ngờ chất lượng phân bón trên thị trường… làm thất thu ngân sách nhà nước và gây thiệt hại cho người tiêu dùng về tài chính vì sử dụng phân bón không đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng”.

Còn một vấn đề bao trùm, quyết định trong vụ án này mà cơ quan tố tụng Sóc Trăng đang dựa vào để cáo buộc các bị cáo. Đó là việc đưa đi kiểm nghiệm lần 3 có đúng luật hay không? Hồ sơ cho thấy, văn bản trả lời của các bộ, ngành còn “vênh” nhau, chưa thống nhất, tuy nhiên cơ quan tố tụng tỉnh đã vội khởi tố, truy tố các bị cáo.

Báo PLVN sẽ thông tin, phân tích sự “vênh” nhau này trong các số báo tiếp theo; cùng những dấu hiệu sai phạm khác trong quá trình điều tra truy tố vụ án.

Bùi Yên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/nhin-lai-ky-an-phan-bon-rom-o-soc-trang-nhung-hat-san-trong-3-nam-dieu-tra-truy-to-459841.html