Nhìn lại năm 2018 của ngành than: Vui nhiều buồn cũng lắm!

Vui vì đây là năm 'thuận buồm xuôi gió' trong hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Nhưng buồn vì 2018 cũng là năm ngành than có quá nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng

TKV đạt mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt được nhiều kết quả tích cực.

TKV điều chỉnh sản lượng tiêu thụ than cao nhất từ trước đến nay

Báo cáo của TKV cho biết, 9 tháng đầu năm 2018, than nguyên khai sản xuất được hơn 27,8 triệu tấn, đạt 78,8% kế hoạch năm. Than sạch thành phẩm gần 26,6 triệu tấn, đạt 80,9% kế hoạch. Bốc xúc đất đá đạt 101 triệu m3, bằng 74,3% kế hoạch năm. Đào tổng số 172.900m lò, bằng 76,4% kế hoạch. Đặc biệt, than tiêu thụ của toàn Tập đoàn đạt được hơn 31 triệu tấn, đạt 86,3% kế hoạch.

Hiện toàn ngành có 99.397 cán bộ công nhân lao động. Thực hiện tái cơ cấu tổ chức, từ năm 2013 đến nay, TKV đã giảm gần 26.000 lao động, đáng chú ý, năng suất lao động tăng bình quân 13%/năm.

Tại cuộc họp mới đây, lãnh đạo TKV cho biết, dự kiến tổng doanh thu năm 2018 của toàn Tập đoàn đạt trên 117.000 tỷ đồng, tăng 3% so với kế hoạch và tăng 9,5% so với năm 2017; nộp ngân sách nhà nước 15.000 tỷ đồng, tăng 10,4%; trong đó, các đơn vị tại Quảng Ninh nộp trên 12.000 tỷ đồng.

Trong đó, năng suất lao động trực tiếp khai thác than lò chợ tăng bình quân 10%/năm. Tiền lương bình quân năm 2018 dự kiến đạt 10,46 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,1% so với kế hoạch và tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó tiền lương bình quân khối sản xuất than đạt 11,082 triệu đồng/tháng, tăng 6,4% so với kế hoạch và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

2018 được đánh giá là một năm “hoàng kim” của ngành than trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xua tan đám mây u ám, khó khăn của nhiều năm trước khi mà than tồn chất đống thành núi, công nhân ít việc phải nghỉ luân phiên. Nắm bắt thời cơ này, TKV quyết định mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch tăng số tiêu thụ từ 36 triệu lên 40 triệu tấn than trong năm nay.

Để thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn sẽ rà soát, cân đối tổng thể năng lực sản xuất của các đơn vị theo khả năng tối đa có thể thực hiện được, trên cơ sở xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2019 và các năm tiếp theo; cân đối sản lượng khai thác giữa các đơn vị sản xuất lộ thiên và hầm lò, giữa sản lượng khai thác với sản lượng nhập khẩu, giữa năng lực khai thác với nguồn lực lao động nhằm xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản, kế hoạch phù hợp.

Tai nạn lao động nhiều, khó giữ chân thợ mỏ

Trong niềm vui than tiêu thụ tốt, năng suất cao thì có lẽ cũng chưa năm nào ngành than lại đón nhận tin buồn dồn dập đến thế. Từ đầu năm đến giờ là tháng 11, gần như tháng nào cũng có công nhân tử vong do tai nạn lao động. Không tính số người bị thương, theo thống kê của Phóng viên, 9 công nhân đã tử vong do tai nạn lao động xảy ra tại các đơn vị như: Công ty than Nam Mẫu; Công ty than Dương Huy; Công ty than Hạ Long; Công ty than Mông Dương; Công ty than Thống Nhất; Công ty Xây lắp Mỏ; Công ty than Hòn Gai; Công ty than Uông Bí, Công ty than Quang Hanh.

Những vụ tai nạn xảy ra liên tiếp là hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn lao động tại các đơn vị khai thác than hầm lò trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý công nhân cũng như của học sinh đang theo học nghề mỏ

Qua đánh giá xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động của ngành Than trong thời gian qua, một phần do nhận thức của người lao động về an toàn lao động còn chưa cao, tác phong công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, nhiều chỉ huy sản xuất phân xưởng chưa sâu sát với công việc, không lường trước những nguy cơ mất an toàn lao động tại những vị trí làm việc.

Nghề mỏ vất vả, nguy hiểm, độc hại nhưng thu nhập chưa được tương xứng khiến người lao động không khỏi chán nản, dẫn đến nhiều người bỏ nghề.

Để giữ chân người lao động, thu hút được công nhân không là câu chuyện riêng của mỗi mỏ mà là vấn đề chung của cả Tập đoàn. Ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc TKV, thẳng thắn chỉ ra: Việc tuyển thợ lò bây giờ hết sức khó khăn vì các ngành nghề bây giờ rất đa dạng. Các nhà máy, ngành nghề khác cũng đang thu hút rất nhiều lao động, gây ra khó khăn cho TKV. Theo ông Cơ, đúng là điều kiện làm việc của thợ lò có vất vả, khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nên nhiều lao động e ngại, họ chọn nghề khác thay vì làm nghề mỏ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cơ, trong cuộc cạnh tranh này, TKV sẽ đổi mới để người thợ lò thay đổi nhận thức, người thợ và cả những người sắp lựa chọn là công nhân mỏ hiểu hơn ngành Than, cảm nhận được tình cảm ấm cúng hơn. Từ đó, TKV sẽ giữ chân được thợ lò. TKV thực hiện nhiều giải pháp căn cơ cải thiện điều kiện làm việc ngày một tốt hơn, mức thu nhập tiền lương phải luôn được cải thiện và điều kiện ăn, ở, văn hóa tinh thần phải được đáp ứng đầy đủ. Khi thực hiện tốt và đồng bộ cả 3 nhóm giải pháp trên thì thợ lò sẽ bám trụ với ngành than.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/nhin-lai-nam-2018-cua-nganh-than-vui-nhieu-buon-cung-lam-d136459.html