Nhìn lại quá trình Bộ Y tế vượt khó tháo gỡ cơ chế mua sắm, đảm bảo vaccine tiêm chủng mở rộng

Để đảm bảo nguồn cung vaccine tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã nỗ lực cùng Bộ Tài chính và các địa phương báo cáo Chính phủ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ.

Nguồn ngân sách thay đổi

Giai đoạn 2016-2020, thực hiện Quyết định số 1125 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế, dân số 2016-2020, Bộ Y tế được bố trí kinh phí ngân sách trung ương để mua sắm tập trung vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV, vitamin A. Ký hợp đồng với nhà cung ứng, cấp phát cho các địa phương thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đối với các vaccine sản xuất trong nước gồm 9 loại. Các vaccine này chỉ có một nhà sản xuất trong nước. Đây là những đơn vị trực thuộc Bộ Y tế nên Bộ đã thực hiện cơ chế đặt hàng đối với tất cả các loại vaccine sản xuất trong nước theo đúng quy định.

Luôn nỗ lực để đủ vaccine cho chương trình tiêm chủng mở rộng

Đối với các vaccine nhập khẩu, Bộ Y tế thực hiện cơ chế mua sắm thông qua tổ chức UNICEF theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, hoặc thực hiện đấu thầu tập trung đối với các loại vaccine đủ điều kiện có 3 đăng ký trở lên.

Giai đoạn 2021-2022, do chương trình Mục tiêu y tế, dân số theo Quyết định 1125 chỉ được thực hiện hết năm 2020. Đồng thời, theo Luật Đầu tư công sửa đổi 2019 không còn chương trình mục tiêu y tế, dân số mà chỉ còn một số hoạt động lồng ghép vào nội dung chi của 3 chương trình mục tiêu quốc gia 2021-2025 và không có nội dung mua vaccine, các nội dung còn lại chuyển thành các nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, các cơ quan trung ương, các địa phương.

Vì vậy, để có lộ trình phù hợp khi chuyển đổi cơ chế từ mua sắm bằng ngân sách Trung ương chuyển giao cho các địa phương triển khai thực hiện, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 129 năm 2020 về phân bổ ngân sách Trung ương 2021.

Bộ Y tế được giao nguồn dự toán từ ngân sách Trung ương thực hiện mua sắm để cung ứng vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo cho năm 2021-2022. Năm 2022 dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến một số nội dung của Chương trình ở nhiều địa phương, Bộ Y tế đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường tiêm thường xuyên vào các tháng cuối năm và rà soát các đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung, tiêm bù cho trẻ em, phụ nữ trên toàn quốc.

Bố trí kinh phí mua vaccine năm 2023 thế nào?

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1621/VPCP-KGVX ngày 13/3/2021 của Văn phòng Chính phủ: "Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, chuyển nội dung nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020 thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương", Bộ Y tế đã ban hành các văn bản gửi UBND tỉnh, thành phố, đơn vị liên quan triển khai các giải pháp để duy trì và nâng cao các kết quả đã đạt được và hướng dẫn định mức chi các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên.

Ngày 7/7/2022, Bộ Y tế gửi công văn số 3593/BYT-KHTC đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn định mức chi các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên;

Ngày 8/8/2022 Bộ Tài chính gửi văn bản 7852/BTC-HCSN hướng dẫn Bộ Y tế và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nội dung trên, trong đó nêu rõ tại điểm b, khoản 2: "đối với với các nhiệm vụ chi của Chương trình mục tiêu y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách địa phương.

Ngày 12/8/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 4330/BYT-KHTC ngày 12/8/2022 gửi Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, trong đó có đề nghị bố trí 485 tỷ cho các nhiệm vụ chuyển từ CTMT YT-DS về nhiệm vụ thường xuyên để mua vaccine tiêm chủng mở rộng, với mong muốn tiếp tục thực hiện việc mua vaccine tiêm chủng mở rộng, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV (ARV) và Vitamin A như các năm trước.

Ngày 12/08/2022, Bộ Tài chính gửi Công văn số 8028/BTC-HCSN về việc rà soát các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên năm 2023.

Ngày 07/9/2022, theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Bộ Y tế gửi Công văn số 4856/BYT-KH-TC, trong đó Bộ Y tế đề nghị tiếp tục bảo đảm kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện nhiệm vụ chi mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng.

Ngày 04/10/2022, Bộ Tài chính tiếp tục gửi công văn số 10095/BTC-HCSN về việc rà soát các nhiệm vụ thuộc CTMT YT-DS chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Theo đó, Bộ Tài chính có ý kiến: "Nghị quyết 104/NQ-CP chưa quy định rõ trách nhiệm của ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương trong việc đảm bảo kinh phí mua vaccine", "tại Điều 21 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND tỉnh là đảm bảo nguồn lực và ngân sách địa phương cho hoạt động tiêm chủng trên địa bàn", "đề nghị Bộ Y tế xây dựng các dự toán các nội dung, nhiệm vụ do Bộ Y tế thực hiện theo quy định và có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương", "trường hợp cần bố trí ngân sách trung ương mua một số loại vaccine, đề nghị Bộ Y tế trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có cơ sở bố trí kinh phí từ ngân sách trung ương".

Tuy nhiên, đến nay Bộ Y tế không được bố trí kinh phí mua vaccine năm 2023, việc bố trí ngân sách trung ương để Bộ Y tế mua vaccine đến thời điểm này là không khả thi; các địa phương phải triển khai thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương là phù hợp khi không còn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số.

Đề xuất gì cho cơ chế mua sắm vaccine?

Đề xuất cơ chế đặt hàng với vaccine sản xuất trong nước, đàm phán giá với vaccine nhập khẩu

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan để bảo đảm vaccine năm 2023, Bộ Y tế đã làm việc, lắng nghe, trao đổi với các địa phương và đã trình Chính phủ Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về nội dung này. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính để bố trí kinh phí, ngân sách Trung ương năm 2023 để Bộ Y tế mua sắm như những năm trước đây.

Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi 63 tỉnh, thành phố, đến nay cũng đã tổng hợp đủ nhu cầu của 63 tỉnh, thành phố về mua vaccine. Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng vaccine sẵn sàng các công việc theo quy định.

Đồng thời, để có căn cứ pháp lý, Đoàn Giám sát của Quốc hội, Chính phủ đồng ý trình Quốc hội tiếp tục thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng. Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung bố trí nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình mở rộng, trong khi chương trình mục tiêu y tế, dân số kết thúc. Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong các ĐBQH ủng hộ nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Về phía Bộ Y tế, trong thông tin gửi báo chí mới đây, Bộ Y tế nêu rõ, do không thể thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu tập trung cấp quốc gia hoặc mua sắm trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 của Luật đấu thầu đối với các vaccin tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước (do các đơn vị sản xuất trong nước là doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và không thể mua sắm theo quy định từ điều 21 đến điều 25 Luật Đấu thầu), để đáp ứng yêu cầu vaccine cấp bách hiện nay, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ:

Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện cơ chế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương với nội dung chính như sau:

Đối với 10 loại vaccine (Bạch hầu, Ho gà, uốn ván (DPT); vaccine uốn ván hấp phụ (TT); vaccine phòng lao đông khô (BCG); vaccine uốn ván, bạch hầu hấp phụ (Td); Viêm não Nhật Bản; Viêm gan B; Sởi; Sởi - Rubella (MRVAC); Bại liệt (bOPV)) và Rota sản xuất trong nước: Giao cho Bộ Y tổng hợp nhu cầu của các địa phương, thực hiện đặt hàng, tổng hợp phương án của các nhà sản xuất vaccine gửi Bộ Tài chính; các tỉnh, thành phố ủy quyền cho Bộ Y tế đặt hàng các đơn vị sản xuất trong nước; Bộ Tài chính thẩm định, phê duyệt giá làm cơ sở để các địa phương ký hợp đồng đặt hàng và thanh toán trực tiếp với đơn vị cung ứng.

Đối với vaccine nhập khẩu, hiện có 3 loại là vaccine bại liệt, virus Rota và vaccine5 trong 1. Bộ Y tế đề xuất phương án mua vaccine theo hình thức đàm phán giá sau khi thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu.

Giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý thực hiện mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 2024.

Liên quan đến vấn đề kinh phí cho mua sắm vaccine của Chương trình tiêm chủng mở rộng, tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả KT-XH trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ thêm một số vấn đề ĐBQH quan tâm, trong đó Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kinh phí tiêm chủng hiện nay được bố trí trong chi thường xuyên.

Trong năm 2021 bố trí được 134 tỷ cho tiêm chủng mở rộng; năm 2022 là 178 tỷ. Kinh phí cho năm 2023 hiện Bộ Tài chính đã đang phối hợp với Bộ Y tế để bố trí kinh phí mua vaccine và việc này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã rà soát nguồn vaccine gối đầu từ năm 2022 chuyển sang đến nay, đối với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã cung ứng đủ số lượng vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023.

Riêng vaccine viêm gan B, vaccine phòng lao sử dụng đến tháng 8/2023, các vacine viêm não Nhật Bản, vaccine sởi, rubela… dùng đến quý III và quý IV/2023, vaccine uốn ván và bại liệt tiêm thực hiện ở các tuyến đủ đáp ứng đến hết năm 2023.

Hiện nay, Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn tiếp tục triển khai tiêm các vaccine sẵn có tại các điểm tiêm chủng của xã, phường.

Đối với các thuốc lao, ARV, Vitamin A liều cao, Bộ Y tế tích cực làm việc với các nhà tài trợ và sử dụng nguồn thuốc sẵn có để đảm bảo cung ứng cho các địa phương.

Đến nay, Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ em trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi, 1/6. Hiện các địa phương đang tích cực để triển khai nhiệm vụ này.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhin-lai-qua-trinh-bo-y-te-vuot-kho-thao-go-co-che-mua-sam-dam-bao-vaccine-tiem-chung-mo-rong-169230603115007913.htm