Nhìn lại 'quan hệ' đầy biến động của Tổng thống Trump với TPP

Ông Trump từ lâu phản đối TPP. 'Mối quan hệ' giữa ông và hiệp định này trong 3 năm qua có nhiều biến động, trong đó có cả những bất ngờ.

Liệu Tổng thống Trump có quay lại TPP không vẫn là câu hỏi lớn.

Tổng thống Trump mới đây chỉ thị cho các quan chức cao cấp chính phủ xem xét việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - thỏa thuận mà ông đã tuyên bố rút khỏi chỉ vài ngày sau khi nhậm chức hồi năm ngoái.

Được biết đến với tên gọi TPP, thỏa thuận thương mại này là chính sách chủ chốt của chính quyền Obama. TPP hướng đến xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trước thời điểm Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi hiệp định, nước này từng là một thành viên của Hiệp định cùng với 11 quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam.

Ông Trump từ lâu phản đối TPP. Mối quan hệ giữa ông và hiệp định này trong 3 năm qua có nhiều biến động, trong đó có cả những bất ngờ. Cùng BizLIVE nhìn lại những sự kiện chính liên quan đến ông Trump và TPP.

22/4/2015

Mặc dù các cuộc thảo luận xung quanh TPP đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng ông Trump không hề công khai đề cập tới thỏa thuận thương mại này, cho tới thời điểm tháng 4 năm 2015 - gần như chính xác là 3 năm trước.

Trong loạt bài tweet trên trang cá nhân của mình, ông Trump đưa ra những bình luận mà giờ đây đã khá quen thuộc về TPP, nhấn mạnh rằng thỏa thuận này gây tổn hại cho công nhân Mỹ và TPP tạo điều kiện cho các quốc gia khác lợi dụng nước Mỹ để tăng trưởng.

06/5/2015

Ông Trump xuất hiện trong quảng cáo trên đài phát thanh, lên tiếng chỉ trích kế hoạch đẩy nhanh đàm phán TPP của Quốc hội.

“Tôi đã học được một điều từ rất lâu rồi, đó là một thỏa thuận tồi còn tệ hơn việc không có thỏa thuận nào cả. Hiệp định TPP của ông Obama và quyền đàm phán nhanh là thỏa thuận là tệ hại, gây tổn hại cho doanh nghiệp Mỹ, cho công nhân và người nộp thuế. “Tập tài liệu” lớn đấy chỉ dành cho một vài người trong cuộc, những người thậm chí không quan tâm tới nước Mỹ vĩ đại của chúng ta”. Ông Trump đã nói như vậy trong đoạn quảng cáo do nhóm ALG (Americans for Limited Government) sản xuất.

Trong một tuyên bố được đưa ra cùng thời điểm đó, ông Trump gửi thông điệp tới toàn thế giới, rằng “sẽ có hậu quả cho hành vi gian lận với nước Mỹ. Đã đến lúc phải hành động. Đã đến lúc khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại!”

03/6/2015

Ông Trump tiếp tục chỉ trích TPP trên trang Twitter cá nhân.

16/6/2015

Ông Trump tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ.

07/10/2015

Ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã nói trong cuộc trả lời phỏng vấn mạng lưới truyền hình PBS rằng bà không ủng hộ TPP, dựa trên những gì bà biết về thỏa thuận này.

Động thái này dường như là một sự thay đổi của bà Clinton. Khi còn là Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, bà Clinton đã có nhiều hoạt động thúc đẩy thỏa thuận này, thậm chí còn gọi TPP là “tiêu chuẩn vàng” của các hiệp ước thương mại.

11/11/2015

Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên tranh cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa, ông Trump đã một lần nữa đề cập tới TPP. Tuy nhiên, ý kiến của ông có vẻ như cho rằng Trung Quốc là một thành viên của TPP.

Ông Trump chỉ trích: “Nếu nhìn vào cách Trung Quốc và Ấn Độ và phần lớn các quốc gia khác lợi dụng nước Mỹ - cụ thể là Trung Quốc, bởi vì họ giỏi việc này, họ là số 1 trong việc lạm dụng nước Mỹ. Nếu các bạn nhìn vào cách mà họ giành ưu thế trước Mỹ, thì thấy họ dùng cách thao túng tiền tệ. Điều này thậm chí còn không được nói tới trong 6.000 trang của thỏa thuận [TPP]”.

Một ứng viên khác, Rand Paul, đã phản đối. Ông Paul nói với người điều hành cuộc tranh luận Gerard Baker đến từ Nhật báo phố Wall: “Này Gerard, chúng ta có lẽ nên chỉ rõ rằng Trung Quốc không phải là thành viên của thỏa thuận này”.

Sau đó, ông Trump viết trên trang Twitter của mình rằng: “Tôi chưa từng nói Trung Quốc là một phần của thỏa thuận thương mại TPP tồi tệ đó, nhưng Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ “bước vào từ cửa sau”.

04/02/2016

12 nước, trong đó có Mỹ, ký thỏa thuận TPP tại Auckland, New Zealand. Các nước thành viên có 2 năm để phê chuẩn hoặc từ chối thỏa thuận.

14/3/2016

Ông Trump lấy TPP để chỉ trích các đối thủ của đảng Cộng hòa, như Thống đốc bang Ohio John Kasich, trên Twitter. Ông viết: “Thống đốc Kasich đã bỏ phiếu cho NAFTA, điều này đã hủy hoại bang Ohio, và giờ đây ông ta thúc đẩy mạnh mẽ TPP, thật tệ cho chính công nhân Mỹ”.

06/6/2016

Trong cuộc vận động tranh cử tại bang Ohio, ông Trump, lúc này là ứng cử viên của đảng Cộng hòa, đã đưa ra lời chỉ trích nặng nề nhất từng có của mình về TPP. Ông gọi thỏa thuận đó là một sự “cưỡng đoạt” (rape) nước Mỹ.

“Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một thảm họa được tạo ra và thúc đẩy bởi nhóm lợi ích đặc biệt - những người muốn “cưỡng đoạt” đất nước của chúng ta”. Ông Trump nhấn mạnh nhiều lần, rằng “đó là sự thật, nói một cách lỗ mãng thì đó là một sự “cưỡng bức” đất nước này.”

19/7/2016

Đảng Cộng hòa chính thức đề cử ông Donald Trump cho vị trí Tổng thống Mỹ.

26/7/2016

Trước cuộc bầu cử, ông Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc bà Clinton dự định tiếp tục tham gia TPP nếu được bầu, bất chấp những chỉ trích gần đó của bà đối với thỏa thuận này.

08/11/2016

Ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

22/11/2016

Ông Trump tuyên bố rút khỏi TPP sẽ là một trong những lệnh đầu tiên ông đưa ra ngay trong “ngày đầu” nhậm chức Tổng thống.

“Trong lĩnh vực thương mại, tôi sẽ đưa ra tuyên bố về ý định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”, ông Trump đã nói như vậy trong một đoạn video, tiếp tục gọi TPP là thảm họa tiềm tàng của nước Mỹ.

23/01/2017

Trong ngày thứ ba trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình, ông Trump ký lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.

“Tất cả mọi người đều biết điều này có nghĩa là gì phải không? Chúng ta đã nói về điều này trong một khoảng thời gian dài. Điều chúng ta vừa mới làm là điều tuyệt vời đối với những người công nhân Mỹ”, Tổng thống Trump vừa ký lệnh vừa nói.

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP ngày 23/1/2017. Ảnh: Saul Loeb/AFP/Getty Images

14/7/2017

Sau cuộc họp tại Hakone, Japan, 11 thành viên còn lại của TPP đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hiệp định mà không có sự tham gia của Mỹ.

25/01/2018

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, Tổng thống Trump để ngỏ khả năng Mỹ quay lại TPP nếu như có thể đàm phán lại bằng cách nào đó.

Trả lời phỏng vấn kênh CNBC, ông Trump cho hay: “Mỹ sẽ trở lại TPP nếu như chúng ta có thể có được thỏa thuận tốt hơn đáng kể. Thỏa thuận cũ quá kinh khủng, cách mà nó được xây dựng quá tệ. Nếu như có thể đạt được một thỏa thuận tốt hơn rõ rệt, tôi sẽ mở cánh cửa cho TPP”.

08/3/2018

11 nước thành viên chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do với tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile. Thỏa thuận cũng được biết đến với cái tên TPP-11.

12/4/2018

Ông Trump đã chỉ thị cho cố vấn cấp cao xem xét việc tái gia nhập TPP. Động thái này diễn ra sau tuyên bố trước về một loạt thuế quan mới và lo ngại chung về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Viết trên trang Twitter của mình tối muộn thứ Năm vừa rồi, ông Trump nỗ lực làm rõ quan điểm, rằng ông mong muốn thay đổi thỏa thuận ban đầu theo hướng có lợi hơn cho nước Mỹ.

13/4/2018

Quan chức các nước hoan nghênh sự xem xét của Tổng thống Trump đối với TPP.

Theo hãng tin Kyodo, phát biểu với báo giới sau cuộc họp nội các, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi, cho biết: “Nếu động thái này đồng nghĩa với việc Tổng thống Trump đang đánh giá đúng đắn tầm quan trọng và mức độ ảnh hưởng của CPTPP, thì đó là điều chúng tôi hoan nghênh”.

Tuy nhiên, ông Motegi cũng cho rằng, “11 quốc gia thành viên CPTPP cùng chia sẻ quan điểm rằng sẽ rất khó để xóa bỏ các điều khoản TPP (tiền thân của CPTPP), và đàm phán lại hoặc điều chỉnh nó”.

XUÂN QUỲNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/nhin-lai-quan-he-day-bien-dong-cua-tong-thong-trump-voi-tpp-3444918.html