Nhìn lại thế giới năm 2022

Thế giới luôn vận động và đầy những đổi thay, tuy nhiên năm 2022 vừa qua có những sự kiện mà tầm ảnh hưởng của chúng có lẽ sẽ kéo dài ra hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nữa, gây ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều thế hệ, làm rung chuyển những nền tảng tưởng chừng rất vững chắc của thế giới hiện nay.

Rất khó chọn ra những sự kiện tiêu biểu nhất vì dường như có quá nhiều biến cố tác động lên bộ não chúng ta, nhiều sự kiện gây choáng ngợp lúc ban đầu lại nhanh chóng nhạt nhòa dưới ánh sáng chói gắt của những sự kiện vừa mới xảy ra; và trong khuôn khổ tổng kết ngắn này, bài viết chỉ mong ghi nhận lại những sự kiện mà theo quan điểm riêng của tác giả thì sẽ có ảnh hưởng không chỉ mạnh mẽ mà còn lâu dài nhất.

--------------

Ngày 24/2, sau nhiều đợt điều chuyển, Nga bất ngờ đưa quân vào Ukraine, một nước láng giềng lớn và cũng là thành viên Liên bang Xô viết cũ. Nga cho rằng Ukraine không tuân thủ Thỏa thuận Minsk II, nuôi ý định gia nhập NATO, đàn áp tiếng Nga và tấn công người nói tiếng Nga tại các vùng đất lịch sử của Nga như Donbass, Kharkov, Odessa,… và họ buộc phải đứng lên bảo vệ người dân và văn hóa của mình. Quan điểm của Ukraine và các nước phương Tây thì cho rằng Nga tấn công một nước có chủ quyền.

Sau nhiều tháng xung đột, 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã trưng cầu ý dân và sáp nhập với Nga. Sự kiện này không được nhiều nước công nhận, dù trên thực tế, đã có một tiền lệ lịch sử là Kosovo được nhiều nước phương Tây công nhận.

Cuộc xung đột này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, và thực tế nó không chỉ còn là xung đột Nga - Ukraine mà là cuộc đối đầu giữa một bên là khối phương Tây do Mỹ đứng đầu và một bên là Nga cùng số đồng minh ít ỏi. Trước cuộc xung đột này, nhiều nước nhỏ khác khó chọn bên, nhưng thực tế thì không ít quốc gia ngấm ngầm và công khai ủng hộ Nga. Vai trò của Trung Quốc, một trong những cường quốc kinh tế là khá trung dung. Họ dĩ nhiên không ủng hộ vai trò này của Mỹ trên trường quốc tế, nhưng cũng chưa hẳn đã hoàn toàn đồng ý với Nga, mặc dù họ luôn quan sát diễn biến chung quanh sự kiện này như một kinh nghiệm cho việc xử lý vấn đề Đài Loan trong tương lai.

Thực tế, cuộc xung đột đẫm máu này đã gây những thiệt hại khủng khiếp lên nền kinh tế toàn cầu. Hàng triệu người di cư từ Ukraine tạo sức ép khổng lồ lên hệ thống an sinh xã hội châu Âu. Những chính sách cấm vận, trừng phạt của Mỹ và phương Tây không gây ảnh hưởng lớn như họ mong muốn lên nước Nga, GDP Nga chỉ giảm khoảng 2% năm nay, trong khi các nước khác còn suy giảm mạnh hơn. Mặt khác, trên thực tế thì đồng đô la và uy tín của các định chế phương Tây đang suy giảm mạnh. Nhiều nước bắt đầu tránh sử dụng đồng đô la trong giao dịch thương mại song phương. Châu Âu đã mất hàng ngàn tỷ đô la vì giá năng lượng tăng cao. Nhiều người dân bắt đầu không bằng lòng với chính phủ và tạo điều kiện cho các đảng phái cực hữu và cực tả lên ngôi.

EU chưa đồng thuận về gói trừng phạt thứ 9 chống Nga

Chưa rõ cuộc xung đột này sẽ đi về đâu nhưng nhiều khả năng nó còn kéo dài. Là một cường quốc giàu có vô biên và sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Nga dĩ nhiên không chịu mất mặt và bỏ mặc những vùng đất mới sáp nhập. Phương Tây cũng không dễ dàng từ bỏ vị thế thống trị của mình trong nhiều lĩnh vực. Họ thừa biết rằng nếu Ukraine bại trận và bị xé nhỏ thành nhiều vùng thuộc các nước khác nhau chứ không chỉ một mình Nga, thì an ninh chung của châu Âu cũng như các giá trị mà họ theo đuổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và vĩnh viễn.

Chỉ có thể hy vọng Mỹ, Nga và Trung Quốc sớm tìm được một giải pháp có lợi cho cả 3 bên và hòa bình về lại với châu Âu, cuộc sống bình thường quay lại với người dân Ukraine.

Từ ngày 30/10 đến 1/11/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp và chúc mừng ban lãnh đạo mới của nước này sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì lễ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với 21 phát đại bác chào mừng và nghi lễ cấp cao nhất.

Hai bên cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp hòa bình và phát triển của nhân loại.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ song phương trên mọi lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối giữa khuôn khổ kinh tế song phương "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Nếu như năm 2021 là năm bùng nổ đại dịch Covid 19, thì năm 2022 là năm dịch bệnh này tạm lắng xuống tại Việt Nam và trên toàn thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, nơi vẫn giữ chính sách zero Covid đến tận cuối năm.

Nếu như sự bắt đầu của đại dịch này vẫn còn là một câu hỏi không có và có thể là không bao giờ có lời giải đáp, thì sự chấm dứt của nó tương đối dễ hiểu: Sau khi lây lan đến một tỷ lệ nhất định thì các cộng đồng tự có khả năng miễn dịch chung và con virus quái ác này dần dần mất khả năng lây lan nên tự diệt.

Mặc dù vai trò của các loại vắc-xin khác nhau trong đại dịch này vẫn còn bị nghi ngờ rất nhiều vì ngay tại Mỹ, quê hương của nhiều loại vắc-xin phổ biến, số ca tử vong vẫn lên đến trên 1 triệu người, nhưng không thể phủ nhận rằng chúng cũng cứu được nhiều người khỏi tử thần, giúp bệnh nhân chống đỡ được với virus và nhờ đó mà sớm chấm dứt đại dịch.

Mọi người dường như đã kịp quên những tháng ngày phong tỏa, những hàng người dài vô tận chờ xét nghiệm và chờ tiêm vắc-xin. Kinh tế đất nước đã hồi phục và có những thành tựu vươn đến các tầm cao mới, nhưng chúng ta không quên những người đã mất, những nhân viên y tế đã đánh cược mạng sống của mình để cứu người.

Mong những tháng ngày đại dịch ấy không bao giờ còn lặp lại, hoặc ít nhất thì cũng sau một thế kỷ nữa, vì ký ức ấy quá đáng sợ. Những tổn thất do đại dịch gây ra sẽ còn ảnh hưởng dài lâu và rộng khắp đến mức chúng ta có thể còn chưa hình dung hết.

Theo WHO, đến 23/12/2022, đã có 651,918,402 ca lây nhiễm Covid 19 và 6,656,601 trường hợp tử vong do căn bệnh này.

WHO: Hơn 600 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới

Những năm dịch bệnh lan tràn cũng là những năm nền kinh tế toàn cầu đình trệ, nhưng sau khi mở cửa và do tác động từ cuộc xung đột Ukraine, lạm phát đã tăng mạnh trên toàn thế giới. Ngày 14-12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất chuẩn lên mức cao nhất trong 15 năm, cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc.

FED tăng lãi suất lên mức cao nhất 15 năm

Đúng với kỳ vọng, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) đã tăng lãi suất tham chiếu thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất hiện nay lên khoảng 4,25-4,5%.

Dù thấp hơn 4 lần nâng 75 điểm cơ bản gần đây, động thái trên vẫn là một phần chính sách kiểm soát lạm phát mạnh tay nhất của Mỹ kể từ đầu những năm 1980.

Lạm phát và chính sách của FED cũng tác động mạnh đến Việt Nam. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng mạnh từ mức khoảng 3% lên đến 6% cho kỳ hạn một tháng.

Sự đối đầu giữa hai siêu cường này vẫn không hề suy giảm mà còn gia tăng mạnh mẽ trong năm vừa qua. Trung Quốc liên tục tuyên bố Đài Loan là lằn ranh đỏ và sẽ thu hồi vùng lãnh thổ ly khai này vào thời điểm thích hợp.

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, khi phái đoàn Mỹ do bà Nancy Pelosi dẫn đầu hạ cánh xuống Đài Loan vào ngày 2 tháng 8, Trung Quốc đưa ra chỉ trích ngay. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nói rằng chuyến thăm đã gửi tín hiệu sai cho "lực lượng ly khai" của Đài Loan, và quân đội Trung Quốc thông báo sẽ tiến hành các cuộc tập trận tại 6 khu vực mà trên thực tế là bao vây Đài Loan.

Hiếm có chuyến bay nào được cả thế giới theo dõi như chuyến bay của bà Nancy Pelosi qua Đài Loan.

Tuy nhiên, vào cuối năm, bà Thái Anh Văn, nhà lãnh đạo Đài Loan, đã phải từ chức lãnh đạo đảng và nhận trách nhiệm về sự thể hiện kém cỏi của Đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) trong cuộc bầu cử địa phương.

Mỹ không dễ dàng từ bỏ vị thế số 1 của mình về kinh tế, quân sự, nên cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ còn căng thẳng trong nhiều năm nữa. Thực tế thì GDP tính theo sức mua tương đương của Trung Quốc đã vượt xa Mỹ, nhưng để đạt được tầm ảnh hưởng toàn cầu hơn Mỹ thì Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm.

Ngày 15/11, thế giới đón công dân thứ 8 tỷ - một bé gái người Philippines chào đời lúc 1h29 theo giờ địa phương tại Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở Manila. Dĩ nhiên rất khó tìm ra chính xác công dân thứ 8 tỷ, bé gái này được chọn như một biểu tượng mà thôi.

Dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ người

Mất 11 năm để dân số thế giới tăng thêm 1 tỷ người, và để đạt mốc 9 tỷ người thì theo các nhà khoa học dự đoán sẽ cần 15 năm nữa.

Mặc dù mọi nghi ngờ về khả năng tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới của Qatar, giải đấu này đã thành công rực rỡ với những trận cầu vô cùng hấp dẫn và kịch tính.

Trận chung kết giữa Pháp và Argentina là một sự hoàn hảo gần như phi thường: Pháp là đội đang giữ cúp vàng, là đại diện châu Âu; Argentina là đại diện châu Mỹ, với Messi — cầu thủ được coi như xuất sắc nhất hiện nay, với mọi thành tích đỉnh cao chỉ còn thiếu cúp vàng vô địch thế giới. Trận chung kết cũng diễn ra vô cùng kịch tính, vượt qua mọi sáng tạo của các đạo diễn điện ảnh, khi Argentina dẫn trước 2-0, để Pháp gỡ hòa 2-2, rồi Argentina lại dẫn trước 3-2 ở hiệp phụ và để Pháp gỡ hòa. Chỉ có vòng đá phạt đền luân lưu mới quyết định được người chiến thắng là Argentina.

Một lần nữa bóng đá cho thấy khả năng gắn kết con người bất kể màu da và tổ quốc khi hàng tỷ người cùng chăm chú theo dõi một trận chung kết. Nếu thể thao thật sự phi chính trị thì nó sẽ giúp thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.

Cách đây vài tháng có lẽ không ai hình dung được viễn cảnh Châu Âu rơi vào khủng hoảng năng lượng, người dân phải tắt bớt điện, nước vì giá lên quá cao, thậm chí chính phủ khuyên người dân nên tắm ít đi để tiết kiệm năng lượng!

Nhiều người Việt Nam đi Châu Âu đã phải ngạc nhiên với cảnh bạn bè Châu Âu phải tiết kiệm điện, hạn chế dùng điều hòa và nước nóng. Đây là điều tưởng như chỉ có ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ trước!

EU có thể thiếu khí đốt vào mùa đông năm sau

Theo dữ liệu của Bloomberg, châu Âu đã phải chi thêm 1.000 tỷ USD cho năng lượng, do giá cả leo thang từ khi xung đột Ukraine bùng phát.

Châu Âu từng chi mỗi ngày khoảng 266 triệu đô la Mỹ để mua năng lượng hóa thạch Nga, chủ yếu là dầu. Hồi tháng 4, con số này lên tới 1,02 tỷ USD.

Sau khi EU tuyên bố áp trần giá dầu, Nga cảnh báo sẽ dừng cung cấp dầu thô cho các quốc gia tham gia động thái này. Nếu dầu Nga thực sự bị cắt khỏi thị trường của nhiều nước, giá sẽ tăng khá nhiều. Vì đơn giản là không có nguồn cung nào khác có thể thay thế hoàn toàn lượng xuất khẩu của Nga cho thế giới.

Vả lại, câu chuyện áp giá trần với dầu khí của Nga có gì đó khôi hài như chuyện “đồng nào mua mắm đồng nào mua tương”. Các nước khác có thể mua dầu Nga để dùng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu dầu của họ cho Châu Âu. Đó là một trong vô vàn cách lách cấm vận.

Vả lại, nền công nghiệp Châu Âu vốn dựa trên năng lượng giá rẻ của Nga, nay nguồn năng lượng đó chuyển hướng qua Trung Quốc thì chính Châu Âu sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Dĩ nhiên có thể hiểu những toan tính của Châu Âu khi áp dụng các biện pháp cực đoan với dầu khí từ Nga — họ hy vọng nhờ vậy mà cắt bớt nguồn tiền của chính phủ Nga dành cho quân đội của mình. Nhưng Nga là một đất nước rất giàu tài nguyên khoáng sản và lại nằm ngay cạnh Trung Quốc, một nền kinh tế đang khát năng lượng, vậy nên những tính toán của Châu Âu có thể chưa thấu đáo, chưa xem xét hết các yếu tố vĩ mô và rốt cuộc chỉ có lợi cho Mỹ, Trung Quốc và chính Nga.

Cả thế giới trông chờ Trung Quốc làm điều này vì với vị thế nền kinh tế lớn nhất hành tinh tính theo sức mua tương đương, Trung Quốc chính là một trong những đầu tàu tăng trưởng của thế giới. Sau nhiều năm duy trì chính sách zero Covid và bảo vệ người dân khỏi đại dịch hoành hành khắp thế giới, lấy đi mạng sống của hàng triệu người, cuối cùng Trung Quốc cũng mở cửa nền kinh tế của mình.

Có thể nói Trung Quốc đã hưởng lợi khá nhiều từ đại dịch, khi tổn thất nhân mạng của họ cực kỳ ít, mà nền kinh tế của họ lại tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giữ được một ốc đảo sản xuất bình yên giữa thế giới bị phong tỏa. Tuy nhiên khi thế giới đã mở cửa lại, thì sự đóng cửa của Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu đến hầu hết các quốc gia. Vấn đề không chỉ ở các chỉ số xuất nhập khẩu, người ta còn lo lắng vì sau khi Trung Quốc mở cửa, có thể sẽ có những biến chủng mới của con virus tàn độc này.

Nhiều người lo lắng với sự mở cửa của Trung Quốc, lo lắng với sự bùng nổ bệnh dịch tại đây. Nhưng sau những tuần đầu, khi số ca lây nhiễm tại Trung Quốc lên đến hàng triệu người mỗi ngày, thì tin tốt lành là số ca nặng rất ít, gần như không có người tử vong.

Covid-19 được phát hiện ra đầu tiên là ở Trung Quốc, và hy vọng rằng đại dịch sẽ thật sự kết thúc sau khi đất nước này mở cửa.

Chính sách zero Covid của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến chính họ mà còn làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu, cắt đứt dòng chảy du lịch, làm tăng giá và gây lạm phát toàn cầu.

Nay Trung Quốc đã mở cửa, nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi, nhưng giá năng lượng có thể tăng vọt do sự gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng của họ.

Sự cân bằng mới sẽ được thiết lập, nhưng sẽ còn nhiều thăng trầm cho đến khi thế giới đạt được sự cân bằng tạm thời ấy.

Năm cũ đang qua, năm mới đang tới, mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mỗi chúng ta, và sau 365 ngày nữa, khi nhìn lại sẽ thấy nhiều niềm vui hơn, sẽ thấy thế giới đáng sống hơn và nhiều tình yêu hơn - một thế giới nơi mà “mỗi láng giềng đều là một người bạn” như lời bài hát nổi tiếng mỗi dịp năm mới của ban nhạc ABBA.

Tác giả: Thiên Lương

Đồ họa: Thanh Nga - Thảo Vi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/nhin-lai-the-gioi-nam-2022-149070.htm