Nhìn nhận các nỗ lực chống tham nhũng của Indonesia

Những nỗ lực chống tham nhũng của Indonesia được đánh giá qua 3 câu hỏi: Hệ thống pháp luật của Indonesia đã đầy đủ để chống tham nhũng hay chưa? Ủy ban Chống tham nhũng (KPK) có đủ thẩm quyền và nguồn lực để thực hiện công việc của mình không? Và, người dân đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình trong việc tham gia vào thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong Chính phủ?

KPK cần có đủ thẩm quyền và nguồn lực để cuộc chiến chống tham nhũng của Indonesia đi đến thành công. Ảnh: Al Jazeera

Tham nhũng đáng lo ngại

Theo đánh giá của các chuyên gia, cuộc chiến chống tham nhũng ở Indonesia đang cấp bách hơn bao giờ hết. Dù Chính phủ nước này đã có rất nhiều nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng tham nhũng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.

Năm 2017, Indonesia đã giảm 6 điểm, xếp thứ 96/180 quốc gia theo đánh giá Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Báo cáo mới đây của Tổ chức Giám sát tham nhũng của Indonesia (ICW) cũng chỉ ra, nửa đầu năm 2018, có 139 vụ tham nhũng, trong đó, nhiều vụ liên quan đến các đảng chính trị, chính trị gia và nhiều quan chức các cấp của Chính phủ. Theo ước tính của ICW, trong giai đoạn này, Chính phủ Indonesia đã mất 1,09 nghìn tỷ rupiah (75 triệu USD) vì tham nhũng và 42,1 tỷ rupiah đã được sử dụng trong các vụ hối lộ.

Tham nhũng trong khu vực công ở Indonesia đã trở thành mối quan tâm thực sự đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc các công ty chi tiền hối lộ để xúc tiến các dịch vụ công hoặc để bảo vệ lợi ích kinh doanh của mình đã trở nên phổ biến. Điều này đã làm chậm sự tăng trưởng của khu vực đầu tư nước ngoài - một khu vực rất quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển.

Cần luật pháp mạnh mẽ hơn, cơ quan thực thi mạnh mẽ hơn

Chính phủ Indonesia đã cam kết chống tham nhũng trong dài hạn. Cách đây gần 20 năm, Hội đồng Đại diện Nhân dân (DPR, hay còn gọi là Hạ viện) đã ban hành Luật Chống tham nhũng (UU Tipikor). Tiếp đó, Indonesia cũng đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Tuy nhiên, trên thực tế, các tổ chức thực thi pháp luật vẫn chưa thực thi có hiệu quả các quy định, đạo luật về chống tham nhũng.

Trong khi đó, để đạt được mục tiêu xóa bỏ tham nhũng trong tương lai, Indonesia cần phải có luật pháp mạnh mẽ hơn và cơ quan thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, Indonesia vẫn chưa áp dụng đầy đủ các quy định của UNCAC trong luật pháp quốc gia. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác xử lý các vụ việc phức tạp, đặc biệt là các vụ liên quan đến tham nhũng trong khu vực tư, kinh doanh, làm giàu bất hợp pháp, hối lộ quan chức của các tổ chức quốc tế và thu hồi tài sản.

Ngày 27/11 vừa qua, KPK đã phối hợp với Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức đánh giá công khai về tình trạng thực hiện các khuyến nghị trước đó trong thực thi UNCAC. Theo đó, Indonesia còn cần thực hiện 24 trong tổng số 32 khuyến nghị. Năm nay, Indonesia tập trung vào 3 trong số các khuyến nghị đó.

Tham nhũng hiện đang là vấn đề đặc hữu ở các cấp trong xã hội Indonesia, bởi vậy, điều quan trọng là phải tăng cường và mở rộng thẩm quyền của KPK. Người đứng đầu KPK, ông Agus Raharjo, đã kiến nghị, Ủy ban này cần được công nhận hợp pháp là một tổ chức Chính phủ thường trực với đầy đủ nguồn lực và quyền hạn được xác định rõ ràng.

Quan tâm đến chống tham nhũng khu vực tư

Chủ tịch KPK Agus Raharjo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Chống tham nhũng UU Tipikor để chống tham nhũng trong khu vực tư.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas), Bambang Brodjonegoro, trong khi tham nhũng khu vực công là mối quan tâm lớn, thì thực tế, khoảng 80% số vụ tham nhũng ở Indonesia có liên quan đến các lĩnh vực tư nhân.

Tham nhũng được xem là một loại tội phạm đặc biệt. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi xem xét cấu trúc phức tạp của nó và các công cụ đặc biệt cần thiết để loại bỏ nó.

Để đạt được mục tiêu xóa bỏ tham nhũng, Chính phủ Indonesia phải đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Chống tham nhũng trong sự kết hợp các điều khoản hoàn chỉnh của UNCAC. Chính phủ cũng cần phải tăng cường sức mạnh cho KPK bằng cách biến KPK trở thành một tổ chức thường trực.

Thông qua việc chú trọng chống tham nhũng trong khu vực tư nhân và doanh nghiệp, Chính phủ Indonesia cũng có thể xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy, lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài tới Indonesia. Bên cạnh đó, giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực chính trị cũng sẽ củng cố nền dân chủ của Indonesia.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/nhin-nhan-cac-no-luc-chong-tham-nhung-cua-indonesia_t114c52n142494