Nhìn ra thế giới: Báo động tình trạng nước biển dâng

Hình thành từ hàng triệu năm trước, biển và đại dương đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người. Bao phủ 72% bề mặt Trái đất, biển tạo ra hơn một nửa nguồn oxy mà chúng ta thở hàng ngày, cung cấp một nguồn hải sản đa dạng, giúp vận chuyển 3/4 hàng hóa, và chứa đựng trong lòng nó các nguồn tài nguyên thiết yếu như dầu mỏ.

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng mực nước biển sẽ dâng cao dần trong thế kỷ 21, nguyên nhân chủ yếu là do biến đổi khí hậu. Những thay đổi dù nhỏ của mực nước biển sẽ có tác động mạnh mẽ đối với nhiều hệ sinh thái, đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều mặt trong đời sống xã hội của con người trên quy mô toàn cầu.

Nước biển dâng làm úng ngập các đồng bằng, các khu dân cư ven biển và xóa sổ nhiều vùng đất ngập nước. Nước biển dâng làm tăng nguy cơ tác động của các cơn bão và của triều cường, khi nước biển dễ dàng xâm nhập vào đất liền.

BÁO ĐỘNG TÌNH TRẠNG NƯỚC BIỂN DÂNG - THẾ GIỚI CẦN TÌM GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN VÀ THÍCH ỨNG

Khi nước biển cuốn trôi nhà của Mureni Sanni Alakija hồi năm 2011, ông đã vay mượn để xây một ngôi nhà ở xa biển hơn. Nhưng ngôi nhà mới giờ cũng không còn an toàn nữa, khi nước biển bắt đầu dâng cao hơn, len lỏi vào đất liền ở khu phố Okun Alfa, trung tâm thủ đô Lagos của Nigeria nơi ông sống.

Ông MURENI SANNI ALAKIJA, Người dân Nigeria:“Chúng tôi thể ngủ được cả đêm. 2 giờ sáng chúng tôi dậy kiểm tra, rồi 3h sáng lại quay lại kiểm tra tiếp, bởi không ai biết được lúc nào nước biển sẽ dâng đến nơi và cuốn đi mọi thứ.”

Không chỉ ông Mureni, hàng trăm cư dân khác trong vùng đã bất lực nhìn những con sóng thủy triều nuốt chửng ngôi nhà của họ. Các chuyên gia cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa đây chính là hậu quả của tình trạng nước biển dâng cao có liên quan đến biến đổi khí hậu. Châu Phi là khu vực ít phát thải khí nhà kính khiến khí hậu nóng lên nhất, những người dân châu lục này lại là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông MURENI SANNI ALAKIJA, Người dân Nigeria: “Nước cuốn trôi nơi chúng tôi từng ở trước đây nên chúng tôi mới chuyển đến đây và đặt tất cả những chướng ngại vật để ngăn dòng nước. Nhưng nước vẫn vào được nhà và phá hỏng nhiều đồ đạc. Nước biển dâng còn làm chúng tôi mất việc, không có việc gì để làm, không thể trồng cây, cũng không thể đánh cá.”

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, có diện tích trải dài từ rìa phía nam của sa mạc Sahara đến Vịnh Guinea, phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Ở phía Bắc, hiện tượng sa mạc hóa đã lấn dần các đồng cỏ, trong khi lượng mưa lớn ở phía đông làm xói mòn đất nông nghiệp, và nước biển dâng nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở bờ biển phía nam đất nước. Cơ quan Dịch vụ Thủy văn Nigeria cho biết thủ đô Lagos, nằm gần biển, cùng với các bang Bayelsa và Delta, đối mặt với nguy cơ bị lũ lụt cao nhất, đe dọa cuộc sống của hơn 20 triệu người.

Mặc dù ông Mureni đã đưa vợ con tới nơi ở an toàn hơn, nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng rời khỏi Lagos quê hương của mình, dù biết rằng việc đại dương nhân chìm ngôi nhà của mình chỉ còn là vấn đề thời gian. Một số ngôi nhà gần đó đã không còn đứng vững, biển đã nuốt chửng tất cả.

Mực nước biển của Trái đất không phẳng lặng mà luôn có sự lên xuống hàng ngày và hàng giờ tác động đồng thời của nhiều yếu tố, bao gồm thủy triều, ảnh hưởng của gió và bão, và tác động của khí hậu. Trong khi thủy triều hay nước dâng do gió và bão dễ nhận quan sát được bằng mắt thường do có biên độ lớn, thì sự thay đổi mực nước do tác động của khí hậu tương đối khó nhận biết.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu diễn ra âm thầm. Sự dâng lên này thường rất nhỏ, chỉ vài milimet mỗi năm. Thế nhưng, lượng tăng sẽ trở nên rất đáng kể trong dài hạn vài chục năm. Tầm quan trọng của nước biển dâng ở chỗ: không giống như thủy triều hay nước dâng do bão hết lên rồi lại xuống, lượng tăng lên này là vĩnh viễn và không đảo ngược được.

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - NGUYÊN NHÂN KHIẾN NƯỚC BIỂN DÂNG

Nước biển dâng có liên quan đến biến đổi khí hậu. Trước hết, do nhiệt độ tăng cao, các khối băng, tuyết từ Bắc Cực, Nam Cực và các đỉnh núi cao tan ra chảy ra biển. Dù lượng băng này sẽ tan ra vào mùa hè và được bổ sung vào mùa đông, khí hậu ấm khiến lượng tan nhanh hơn và lượng đóng băng giảm đi. Bên cạnh đó, nước dâng do hiện tượng giãn nở nhiệt của nước biển. Khi nước biển ấm hơn, thể tích sẽ tăng lên, dẫn tới việc mực nước biển sẽ dâng cao hơn.

Sự ra đời của các cuộc cách mạng công nghiệp đã khiến cho Trái đất ấm dần lên. Kéo theo đó là mực nước biển toàn cầu bắt đầu tăng với tốc độ ngày càng nhanh hơn do nhiều nguyên nhân khác nhau: băng tan, giãn nở của nước và các thay đổi trong hệ thống khí hậu Trái đất. Các đo đạc khoa học từ các trạm thủy triều và ảnh vệ tinh đã chỉ ra tốc độ dâng của nước biển do biến đổi khí hậu chừng 3 milimet một năm với gia tốc dương. Dự kiến vào cuối thế kỷ tới, mực nước biển sẽ tăng lên trong khoảng 35-85 cm, gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỷ USD với nhiều hệ lụy về phát triển.

Tổng thư ký Liên hợp quốc ANTONIO GUTERRES: “Con người đã thất bại trong việc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng, sức nóng của đại dương, nồng độ khí nhà kính và tình trạng axit hóa đại dương đều đang thiết lập những kỷ lục mới đáng báo động trong năm 2021… Mực nước biển trung bình toàn cầu tăng hơn gấp đôi so với tốc độ trước đây, chủ yếu là do băng tan ngày càng nhanh. Hiện tượng ấm lên của đại dương cũng tăng mạnh trong hai thập kỷ qua. Phần lớn đại dương đã trải qua ít nhất một đợt ấm lên mạnh vào một thời điểm nào đó vào năm 2021.”

Tìm cách thích ứng một cách hiệu quả là một trong những bài toán khó nhất mà loài người chúng ta cần hợp tác phải quyết trong thế kỷ này. Trong tương lai, nhiệt độ tăng lên bao nhiêu phụ thuộc vào cách hành xử và lối sống của chúng ta. Liệu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục chạy xe xăng, đốt thêm than, tiêu thụ nhiều sản phẩm công nghiệp, chặt phá rừng,.. hay chúng ta sẽ đổi phát triển năng lượng sạch, sống xanh và bền vững hơn?

NĂM 2021: MỰC NƯỚC BIỂN DÂNG CAO NHẤT TRONG LỊCH SỬ

Theo báo cáo mới nhất về “Trạng thái Khí hậu toàn cầu năm 2021”, mực nước biển toàn cầu đã chạm mức kỷ lục mới, đi kèm với sự gia tăng của tình trạng ấm nóng và axít hóa ở đại dương.

Các nhà khoa học cảnh báo Greenland và Nam Cực đang chứng kiến tốc độ băng tan cao gấp 6 lần so với những năm 90 của thế kỷ 20. Trước hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, các khối băng dày hàng km trên Trái Đất đã sụt giảm tới 6.400 tỷ tấn trong giai đoạn 1992-2017. Tình trạng tan băng đã khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao gần 2 cm. Nắng nóng tại Nam Cực mùa Hè năm ngoái gần chạm mức cao đỉnh điểm hồi năm 2011 đã làm giảm tới 552 tỷ tấn băng ở vùng cực này, tương ứng với việc cứ mỗi giây lại có khoảng 8 bể bơi chuẩn Olympic tan chảy vào các đại dương.

Dù khó có thể nhận thấy rõ dấu hiệu nước biển dâng bằng mắt thường so với việc sự gia tăng cường độ của các cơn bão, nhưng gần đây hiện tượng này đã cho thấy sức tàn phá nghiêm trọng nhất trong số các tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Các chuyên gia phân tích rằng hiện tượng này làm tăng thêm mực nước biển - thậm chí có thể lên tới hàng mét vào thế kỷ 22 - khiến sức tàn phá của các cơn bão hình thành từ các trận lốc xoáy nhiệt đới ngày càng khốc liệt. Cứ mỗi cm nước biển dâng sẽ gây lũ lụt và xói mòn các khu vực ven biển, tác động không nhỏ tới đời sống của người dân trên khắp hành tinh.

Ông PETTERI TAALAS, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới: “Chúng ta tiếp tục chứng kiến hiện tượng băng tan, khiến mực nước biển ngày một dâng cao, đặc biệt là các sông băng ở Greenland và Nam Cực đang có tác động lớn đến mực nước biển dâng. Một số dòng sông băng đã đạt đến ngưỡng không thể quay trở lại như trước đây và điều này sẽ gây ra hậu quả lâu dài trong một thế giới mà hơn 2 tỷ người phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước.”

LHQ ước tính, khoảng 40% dân số thế giới cư ngụ gần biển, với 600 triệu người sinh sống trong khu vực cao hơn mực nước biển từ 10 mét trở xuống. Nước biển dâng sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của các nước đang phát triển ở ven biển. Các quốc đảo nhỏ rất dễ bị ảnh hưởng và sức ép về tài nguyên thiên nhiên và môi trường đối với nước này là rất lớn.

Bà SVETLANA JEVREJEVA, Trung tâm Hải dương học quốc gia Anh: “Hiện nay, có hơn 600 triệu người sinh sống ở những vùng ven biển cao hơn mực nước biển chưa tới 10m. Khi khí hậu Trái đất ấm dần lên, mực nước biển toàn cầu sẽ tăng do các sông băng, núi băng tan chảy và sức nóng lan rộng của các đại dương, gây lũ lụt tại nhiều khu vực trên thế giới. Do đó, nước biển dâng là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với con người.”

Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu cảnh báo nếu nhân loại không gìn giữ các thành quả đạt được trong việc hạn chế khí thải carbon thì ngay giữa thế kỷ 21 này, ước tính mực nước biển sẽ dâng lên khoảng 43 cm. Ở viễn cảnh bi quan nhất với việc khí thải carbon không ngừng tăng hoặc chính Trái Đất bắt đầu tăng tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính, mực nước biển thậm chí có thể dâng lên tới 84 cm.

Trong thập kỷ qua, mực nước biển dâng khoảng 4mm mỗi năm. Tuy nhiên, tới thế kỷ 22, mức tăng này có thể tăng nhanh gấp 10 lần, cho dù theo kịch bản phát thải khí ở mức lạc quan nhất.

Bất kể những nỗ lực hiện tại và trong thời gian tới của toàn thế giới nhằm cắt giảm khí thải nhà kính, cũng không thể ngăn chặn ngay được những tác động tiêu cực do mực nước biển dâng cao. Bởi vậy, thích ứng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra trong bối cảnh hiện tại, là một việc quan trọng để giảm thiểu tính dễ tổn thương, hạn chế các rủi ro mà nước biển dâng mang lại.

THÍCH ỨNG VỚI NƯỚC BIỂN DÂNG

Để ứng phó, thích ứng với việc nước biển dâng cao, tại nhiều quốc gia, nhiều giải pháp thích ứng đã được nghiên cứu, triển khai, trong đó chú trọng các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái, có thể kể đến các biện pháp bảo vệ như tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, đầu tư vào đất ngập nước, bổ sung đất cho các bãi biển, cải tạo các cồn cát ven biển, trồng rừng ngập mặn...

Rừng ngập mặn chủ yếu phát triển ở vùng triều nhiệt đới và cận nhiệt đới, được coi là một phần điển hình của hệ sinh thái biển quan trọng như các rạn san hô. Vì những vai trò quan trọng của chúng trong các khía cạnh khác nhau của bảo tồn hệ sinh thái biển, chẳng hạn như lọc nước biển, ngăn chặn gió và sóng, hấp thụ và lưu trữ carbon, cũng như duy trì đa dạng sinh học, rừng ngập mặn được ca tụng là "lực lượng bảo vệ bờ biển" và "lá phổi xanh của đại dương”.

Tại Trung Quốc, nước này đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có diện tích rừng ngập mặn tăng hàng năm.

Theo kế hoạch hành động do Bộ Tài nguyên và Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc ban hành vào năm 2020, nước này có kế hoạch tái tạo và phục hồi 18.800 ha rừng ngập mặn vào năm 2025. Kế hoạch hành động sẽ đảm bảo bảo vệ các khu rừng ngập mặn hiện có và các biện pháp khoa học để phục hồi sinh thái rừng ngập mặn, nhằm mở rộng độ che phủ của rừng ngập mặn, tăng đa dạng sinh học và cải thiện toàn diện hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Ông PHÙNG NHĨ HUY, Cục Quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Quốc gia Cảng Đông Trại: “Chúng tôi gọi rừng ngập mặn là “lực lượng bảo vệ bờ biển”, “bức tường lớn dọc bờ biển” bởi vai trò của chúng trong việc làm giảm cường độ gió và sóng, đặc biệt là khi có bão và sóng to ập vào các khu vực ven biển.”

Cảng Dongzhai là một trong những khu vực rừng ngập mặn quan trọng nhất của Trung Quốc ở thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, đã được phê duyệt là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập mặn quốc gia đầu tiên vào năm 1986. Với 36 loại thực vật ngập mặn phân bố dọc theo bờ biển kéo dài 136 km ở Hải Khẩu, rừng ngập mặn trở thành nơi trú ẩn cho cá, tôm, cua, sò ốc trú ngụ và sinh sản. Sau khi thủy triều rút, chúng sẽ trở thành “thiên đường” cho các loài chim, trong đó có một số loài quý hiếm.

Cùng với công tác bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các nỗ lực bảo vệ các bờ biển, phục hồi các rạn san hô.

Ông VƯƠNG HOA, Cục trưởng Cục Giám sát và Cảnh báo sớm, Bộ Tài nguyên Trung Quốc: “Chúng tôi đã thiết lập và cải tiến một hệ thống giám sát và cảnh báo sớm sinh thái tập trung vào vùng nước ven biển và bao phủ đất liền, để phát hiện các vấn đề lớn kịp thời trong nố lực duy trì an ninh sinh thái biển.”

Bên cạnh các biện pháp bảo vệ thì giải pháp tiếp theo là các biện pháp thích nghi, trong đó nhấn mạnh đến việc đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, chuyển đổi tập quán canh tác, chú trọng đến việc điều chỉnh các chính sách quản lý. Các biện pháp di dời là phương án cuối cùng khi mực nước biển dâng lên, mà không có điều kiện cơ sở vật chất để ứng phó buộc phải di dời, rút lui vào sâu trong lục địa.

Điểm quan trọng cần nhấn mạnh để thực hiện có hiệu quả trong công tác thích ứng với nước biển dâng, đó là việc áp dụng các giải pháp thích ứng với nước biển dâng cần được triển khai với sự chú trọng dài hơi hơn đến những dự báo trong tương lai, thay vì chỉ chủ yếu tập trung vào những điều kiện khí hậu trước mắt. Bên cạnh đó, cần có một sự thay đổi trong tư duy, cách nhìn nhận về việc thích ứng từ bị động thành chủ động đối phó, phòng ngừa. Tùy theo mức độ phát triển kinh tế và tình hình thực tế khác nhau mà các nước có những cách lựa chọn giải pháp cụ thể, hoặc kết hợp các giải pháp sao cho tối ưu để thích ứng với nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu.

Thực hiện : Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-bao-dong-tinh-trang-nuoc-bien-dang