Nhìn ra thế giới: Các thành phố ven biển đối mặt với sinh tử do biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng. Lượng mưa thay đổi, băng tan, trái đất ngày càng nóng lên. Các khu vực ven biển ở vùng trũng dễ bị tổn thương khi mực nước biển dâng 1m - mức mà các nhà khoa học cảnh báo có thể trở thành hiện thực vào năm 2100. Mực nước biển dâng cao hơn có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại do lũ lụt và triều cường gây ra.

Hiểm họa nước biển dâng: Các thành phố ven biển đối mặt với sinh tử

Nhà khoa học BEN STRAUSS - Tổ chức phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central: “Có những thành phố hôm nay sẽ biến thành Atlantis vào ngày mai. Không chỉ một phần thành phố mà sẽ là toàn bộ cả thành phố. Đây không phải là những câu chuyện thần thoại bởi vì các thành phố thực sự tồn tại và chúng sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về chúng. Những nỗ lực của chúng tôi nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, không chỉ để bảo vệ cuộc sống mà chúng ta có ngày hôm nay, mà còn định hướng những câu chuyện mà con cháu chúng ta kể về chúng ta. Sẽ có rất nhiều câu chuyện về những gì chúng ta đã mất, và những thứ chúng ta đã không thể bảo vệ được.”

Trong hàng thế kỉ, con người đã đổ về các vùng ven biển, xây dựng những đô thị lớn ngay bên bờ biển. Tuy nhiên, theo những cảnh báo mới nhất vừa được Liên hợp quốc công bố, biến đổi khí hậu đang gây ra những tác động khôn lường đối với các thành phố ven biển.

Khi trái đất ngày càng ấm lên và băng tan, những vùng biển – nơi vốn mang đến nguồn của cải vô tận, sẽ vẽ lại bản đồ thế giới, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các nhà khoa học dự báo, theo một kịch bản tồi tệ nhất, toàn bộ những thành phố ven biển sẽ bị nhấn chìm trong nước.

Nhà khoa học BEN STRAUSS - Tổ chức phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central: “Chúng ta đang sống một cuộc sống mà biết rằng chúng ta sẽ chết, nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta vẫn không lo lắng cho các thành phố của mình trong khi hầu hết các thành phố của chúng ta đều đang đối mặt với viễn cảnh sinh tử. Rất nhiều thành phố sẽ bị nhấn chìm trong nước, và vào năm 2050, điều đó sẽ càng rõ ràng hơn.”

Nhiều đô thị lớn trên thế giới đang nằm trong danh sách những thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi nước biển dâng, trong đó bao gồm: Mumbai, Jakarta, New York, Tokyo, Lagos, Thượng Hải, Miami hay Dhaka. Những thành phố còn kém trong khả năng chống chọi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chị YASMIN BEGUM - Người dân Dhaka, Bangladesh: “Nếu chúng tôi phải di dời khỏi đây, thì chúng tôi không còn nơi nào khác để đi nữa. chúng tôi sẽ không thể tìm được nơi nào tốt hơn. Đến lúc đó chúng tôi sẽ phải làm gì? Có lẽ, chúng tôi sẽ chết trong nước lũ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác cả.”

Nước biển dâng có thể sẽ châm ngòi cho làn sóng di cư ồ ạt và cuối cùng lại khiến các thành phố bị nhấn chìm và bỏ hoang trong nước lũ.

Chị Yasmin Begum từng sống trong một gia đình giàu có ở huyện đảo Bhola, phía nam Bangladesh – một trong những đồng bằng đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, vào một đêm cách đây 12 năm, dòng sông Meghna hung hãn đã nuốt chửng tất cả những gì họ có.

Chị YASMIN BEGUM - Người dân Dhaka, Bangladesh: “Tôi đã từng là dâu của một gia đình giàu có. Bố mẹ chồng tôi, họ có tất cả: trâu bò, nhà đẹp, đất ruộng ... Nhưng dòng sông đã cuốn đi tất cả. Sau đó chúng tôi đến Dhaka, làm giúp việc. Đó là công việc hàng ngày của chúng tôi.”

Chị Begum, 30 tuổi và là một bà mẹ ba con, hiện phải kiếm sống bằng nghề giúp việc ở Dhaka, trong khi chồng chị làm nghề lái xe quanh những khu phố ngập nước trong thành phố.
Họ thoát khỏi trận lũ cách đây hơn 10 năm, nhưng lại phải đối mặt với một cơn lũ khác. Ngôi nhà mới của họ, nằm trong một khu ổ chuột chật hẹp, bấp bênh gần hàng rào chắn lũ, chỉ cách bờ sông vài mét.

Chị YASMIN BEGUM - Người dân Dhaka, Bangladesh: “Tôi không biết điều tồi tệ nào nữa sẽ ập đến gia đinh tôi. Chúng tôi đang phải sống trong một khu ổ chuột. Tôi thậm chí không biết điều gì có thể tồi tệ hơn. ở bất kì đâu, thì đều không có sự đảm bảo hay an toàn cho chúng tôi.”

Các nhà khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc dự đoán, ngay cả khi tình trạng ấm lên toàn cầu được duy trì dưới 2 độ C vốn đã được thống nhất vào năm 2015 tại Paris, thì mực nước biển vẫn có thể dâng cao hơn 60cm vào cuối thế kỷ này. Kết hợp với điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nó có thể gây ra thảm họa cho hàng triệu người. Nhưng những hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra trước đó vài năm.

Nhà khoa học BEN STRAUSS - Tổ chức phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central: "Điều đáng nói là, vào giữa thế kỷ này, không chỉ có nước biển dâng, mà nước biển dâng sẽ kết hợp với các trận lũ tồi tệ nhất trong năm, hoặc một trận lũ tồi tệ nhất trong 100 năm. Điều này sẽ xảy ra ở một số nơi. Nước biển dâng cộng với lũ lụt sẽ gây ra hậu quả như thế nào?”

Bởi vì lượng khí nhà kính đã tích tụ rất lâu trong bầu khí quyển cho nên tình trạng nước biển dâng đã bắt đầu xảy ra trong vài thập kỷ trở lại đây. Đối với những cư dân sinh sống ở các khu vực có nguy cơ cao, chẳng hạn như khu định cư không chính thức gần thành phố Cape Town này, thậm chí chỉ cần một thay đổi rất nhiều về điều kiện môi trường cũng khiến họ bị tổn thương.

Chị NOKUTHULA RAMBA - Người dân Cape Town, Nam Phi: “Đây là căn nhà tôi tự dựng lên. Bạn có thể nhìn vào bên trong. Đây là một vùng đất ngập nước, bạn thấy đấy. Nhưng tôi không có nơi nào khác để tôi có thể xây nhà. Bạn thấy không?”

Với 240 km đường bờ biển, Cape Town là ví dụ điển hình về một đô thị tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng khí hậu. Để chống lại tình trạng nước biển dâng, thành phố đã cho lắp đặt các bao cát, giúp bảo vệ đường bờ biển và các lợi ích kinh tế của Nam Phi.

Ông DARRYL COLENBRANDER - Trưởng ban quản lý và chính sách ven biển, Thành phố Cape Town: “Biển mang lại giá trị xã hội to lớn cho Cape Town. Đường bờ biển đóng góp khoảng 10% vào GDP hàng năm của Cape Town, vì vậy đó là một phần đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Cape Town, và vì lý do đó mà chúng tôi cần phải quan tâm đến vấn đề này.”

Mặc dù, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Cape Town là thành phố có khả năng chống chọi tốt với tình trạng nước biển dâng, với cơ sở hạ tầng chống lũ tối tận cùng hệ thống cảnh báo sớm hiện đại. Tuy nhiên, tình trạng đói nghèo cùng cực đã khiến gần 100.000 hộ gia đình phải sống trong những ngôi nhà bị ngập nước.

Ở phía bờ bên kia, hồ Michelle thanh bình là nơi đặt một khu phức hợp nhà ở cao cấp nằm gọn trong một phạm vi được bảo vệ an toàn. Trái ngược với nó là Masiphumelele – một khu dân cư tạm bợ, với những ngôi nhà xiêu vẹo và nền đất ngập nước.

Theo các chuyên gia, sự đối lập này là một ví dụ điển hình về sự bất bình đẳng khiến việc tìm kiếm sự đồng thuận về ứng phó với biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn.

Ông ANTON CARTWRIGHT - Nhà nghiên cứu tại Trung tâm các thành phố châu Phi: “Sự đồng thuận này phải được tạo dựng trên một phạm vi kinh tế xã hội rất rộng và điều đó rất khó thực hiện. nhưng các cuộc đối thoại đó phải được thực hiện dù nó rất khó khăn, bởi vì, đến cuối cùng, tất cả chúng ta sẽ chết chìm hoặc bơi cùng nhau.”

Vào cuối thế kỷ này, sẽ có khoảng 100.000 người có thể bị mất nhà cửa do nước biển dâng. Trên khắp thế giới, nhiều ngôi nhà, khu công nghiệp và các công trình lịch sử nằm cách mặt nước biển chỉ vài bước chân. Có tới 140 di sản thế giới có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm và phần lớn trong số đó nằm ở Địa Trung Hải.

Thành phố kênh đào Venice nơi được UNESCO mô tả là một "kiệt tác kiến trúc phi thường", nơi ngay cả những tòa nhà nhỏ nhất cũng chứa đựng các tác phẩm của một số nghệ sĩ vĩ đại trên thế giới, chẳng hạn như Titian và Tintoretto.

Thành phố được thành lập vào thế kỷ thứ 5, nhưng phải đến thế kỷ thứ 10, “Nữ hoàng của biển cả” mới trở thành một cường quốc hàng hải. Nhưng ngày nay, Venice lại trở thành di sản thế giới bị đe dọa nhiều nhất ở Địa Trung Hải. Hơn 90 phần trăm thành phố nằm ở khu vực dễ bị ngập lụt.

Ông GEORG UMGIESSER - Nhà hải dương học tại Viện Khoa học biển CNR-ISMAR, Venice: "Mực nước biển ở Venice đã tăng 32cm kể từ năm 1890 do một số nguyên nhân. Một là do sụt lún nên Venice đang chìm dần từng chút một, sau đó là mực nước biển ngày càng dâng cao. Người ta cho rằng mực nước biển ở Venice có thể tăng thêm 50cm nữa vào cuối thế kỷ này, tức là vào năm 2100."

Venice đã lắp đặt các rào chắn lũ di động để bảo vệ thành phố trong bối cảnh nước biển dâng. Nhưng nếu mực nước biển dâng cao 30 cm, nước lũ có thể tràn quanh palazzi trong vài tuần. Ở độ cao 75 cm, chúng có thể tồn tại trong sáu tháng. Theo dự báo xấu nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), đến năm 2100, mực nước biển sẽ dâng khoảng 1,2 mét so với hiện nay và nhấn chìm Venice.

Ông GEORG UMGIESSER - Nhà hải dương học tại Viện Khoa học biển CNR-ISMAR, Venice: Việc nước dâng thêm 50cm sẽ là thảm họa đối với Venice, vì nếu tăng thêm 50cm, chúng tôi sẽ có mực nước biển 82cm và Quảng trường St. Mark ở độ cao 80cm so với mực nước biển, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ luôn có nước trên Quảng trường St. Mark.”

Nếu không có các biện pháp nhằm thích ứng với tình trạng nước biển dâng, thì theo kịch bản xấu nhất đã được tính toán, 136 thành phố ven biển lớn nhất thế giới sẽ bị thiệt hại từ 1,6 đến 3,2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2050. Mặc dù xét ở một khía cạnh nào đó, ngập lụt là điều không thể tránh khỏi ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên các báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, nhiều thành phố ven biển sẽ phải đối mặt với tương lai ảm đạm nếu chúng ta không thực hiện các kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính “khẩn cấp và đầy tham vọng”.

Trong thời gian chờ đợi, các thành phố ven biển buộc phải tìm cách sống chung với lũ. Được biết đến là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới, Hà Lan khiến cả thế giới nể phục với những công trình trị thủy vĩ đại.

Ông JOHAN VERLINDE - Giám đốc chương trình Kế hoạch thích ứng với khí hậu Rotterdam: “Chúng tôi xây dựng rất nhiều đê điều, nhưng trong vài năm gần đây, lượng mưa trở thành một vấn đề lớn, và Rotterdam thực sự là một bồn tắm. 85% thành phố của chúng tôi nằm dưới mực nước biển. Mọi giọt nước rơi xuống thành phố, chúng ta đều cần phải bơm nó ra. Vì vậy, chúng tôi thực sự cần phải đổi mới để giữ cho đôi chân của mình luôn khô ráo. Và tôi nghĩ, chúng tôi sẽ là những người tiên phong.”

Hơn một nửa diện tích Hà Lan nằm trong khu vực dễ bị ngập trong khi hơn 1/4 đất nước nằm ở dưới mực nước biển. Sau trận lụt chết người vào năm 1953, đất nước này bắt đầu xây dựng một mạng lưới các công trình trị thủy công nghệ cao. Hà Lan hiện phân bổ một tỷ euro (1,2 tỷ USD) mỗi năm cho kế hoạch thích ứng “sống chung với nước”.

Các kỹ sư Hà Lan đã đi khắp thế giới để chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống ngập lụt. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia và cộng đồng nghèo, những dự án cơ sở hạ tầng ngăn lũ đó nằm ngoài khả năng chi trả của họ.

Ông JOHAN VERLINDE - Giám đốc chương trình Kế hoạch thích ứng với khí hậu Rotterdam: “Rotterdam nằm trong nhóm C40. Đây là nhóm các thành phố dẫn đầu về ứng phó biến đổi khí hậu với sự tham gia của tất cả các thành phố lớn trên thế giới. Vì vậy chúng tôi học hỏi được nhiều điều từ các thành phố châu Âu như Copenhagen, cũng như các thành phố có cam kết chống biến đổi khí hậu. Singapore và Melbourne, đang là thành phố tiên phong trong việc ứng phó với tình trạng nóng lên tại các đô thị.”

Tuy nhiên, LHQ cảnh báo, ngay cả những nơi có phương thức chống lụt hiện đại nhất, cuối cùng có thể vẫn chỉ có một lối thoát, đó là di dời sâu hơn vào đất liền.

Nhà khoa học BEN STRAUSS - Tổ chức phân tích và báo cáo về khoa học khí hậu Climate Central: “Có rất nhiều câu chuyện xa xưa kể rằng, những người phạm tội thường bị trừng phạt bởi một trận lũ. Và trong quá khứ, tôi không nhìn ra mối tương quan nào giữa hành vi của con người và các trận lũ lụt sắp xảy đến. Nhưng giờ đây, những lựa chọn của chúng ta đang khiến các trận lũ trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, những câu chuyện mà con cháu chúng ta kể về chúng ta sẽ chẳng tốt đẹp gì nếu chúng ta không thực sự hành động.”

Thực hiện : Đinh Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-1