Nhìn ra thế giới: Câu chuyện về hành trình sáng tạo nghệ thuật

Nghệ thuật là sự sáng tạo để tạo ra các sản phẩm chứa đựng giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần, có tính nhân văn và thẩm mĩ, mang tới giá trị văn hóa chạm sâu tới cảm xúc của con người, khán giả thưởng thức nghệ thuật. Nhưng ít ai biết rằng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đó, người nghệ sỹ đã phải trải qua một hành trình gian khổ, vượt qua nhiều khó khăn thử thách.

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN Ở GAZA

Dải đất hẹp Gaza ở Palestine vẫn luôn là một vùng đất bị chiến tranh tàn phá. Trong bom đạn, nhiều người đã phải tự đặt câu hỏi "Trẻ em Gaza sẽ tiếp tục sống như thế nào?" Nhưng với nhiều em nhỏ, hai từ “chiến tranh” vẫn chưa được định nghĩa trong suy nghĩ non nớt của các em, và vì thế “cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn”. Để mang đến niềm vui cho các nhỏ nơi đây, một chàng trai trẻ đã nghĩ ra hoạt động rất thú vị, đó là kể chuyện.

Được truyền cảm hứng từ người ông thường kể chuyện cho anh nghe khi anh còn nhỏ, giờ đây, anh Mohammad al-Amoudi, 30 tuổi, đã biến việc kể chuyện không chỉ là niềm đam mê mà còn là công việc của mình.

Hóa trang thành Ali Baba, một nhân vật hư cấu trong truyện dân gian, anh Amoudi cùng với các nhạc sĩ khác, biểu diễn cho khán giả là trẻ em ở Gaza, với hy vọng mang lại niềm vui cho các em trong bối cảnh điều kiện sống ngày càng tồi tệ.

Các chương trình bao gồm kể chuyện, nhảy múa và ca hát. Tất cả đều là một phần trong các hoạt động của Viện Giáo dục Cộng đồng Tamer có trụ sở tại Ramallah. Anh Amoudi đã làm việc tại văn phòng Gaza của tổ chức giáo dục từ năm 2014.

Những ánh mắt ngây thơ, những nụ cười hồn nhiên, những tiếng đáp lại câu hỏi của người kể chuyện. Không ai dám nghĩ, không gian này nằm ở mảnh đất vẫn đang có sự hiện diện của chiến tranh. Những nụ cười và những tiếng vỗ tay của các em vang lên trong niềm vui.

Người kể chuyện Palestine sử dụng những câu chuyện từ khắp nơi trên thế giới để giải trí và nâng cao nhận thức.

Mohammad al-Amoudi hy vọng, một ngày nào đó, anh có thể kể những câu chuyện đầy tự hào của người Palestine, không phải là chiến tranh, xung đột mà là câu chuyện về hòa bình và hạnh phúc của trẻ em Gaza tới tất cả trẻ em trên toàn thế giới.

THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ THỜI TRANG TRONG NỘI CHIẾN TẠI LIBYA

Ở một đất nước chìm trong bất ổn trong hơn một thập kỷ, anh Ahmed Aljilani 32 tuổi đã bước vào ngành thời trang ngay sau khi từ bỏ nghề đầu bếp và chỉ vài tháng trước cuộc nổi dậy vũ trang năm 2011 lật đổ chế độ lâu đời của Muammar Gaddafi.

Nhưng anh Aljilani đã có được nguồn cảm hứng từ những người như Zuhair Murad, nhà thiết kế người Li-băng nổi tiếng thế giới, người đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình chỉ một năm sau khi cuộc nội chiến ở Li-băng kết thúc.

Nhà thiết kế thời trang đầy tham vọng nói rằng văn hóa thời trang không phổ biến ở Libya, nhưng điều đó đang bắt đầu thay đổi.

Nhưng anh Aljilani nói rằng mặc dù thành công nhưng những thách thức kinh tế có thể khiến anh theo đuổi đam mê của mình bên ngoài Libya.

Cuộc nội chiến hiện tại ở Libya nổ ra vào năm 2014 sau các cuộc bầu cử gây chia rẽ cho một cơ quan lâm thời mới, và những thách thức chính trị, kinh tế và an ninh hiện tại mà các nhà lãnh đạo chuyển tiếp của Libya phải đối mặt đã vượt quá tầm kiểm soát của họ.

CÂU CHUYỆN NGHỆ THUẬT TỪ CÁC NGUYÊN VẬT LIỆU TÁI CHẾ

Một nghệ sĩ ở Thành phố New York đã cắt hàng nghìn Thẻ đi tàu điện ngầm MetroCard và biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật khi các máy bán loại thẻ này biến mất vào cuối năm.

Cơ quan Giao thông vận tải đô thị (MTA) Mỹ đặt mục tiêu thay thế tất cả các máy MetroCard bằng các máy One Metro New York (OMNY), một hệ thống thanh toán tiền vé không tiếp xúc, vào năm 2024.

Ông Thomas McKean, người đã bắt đầu sử dụng những tấm thẻ tàu điện làm vật liệu tạo ra các tác phẩm nghệ thuật vào hơn 20 năm trước. Ý tưởng đến với ông sau khi nhìn thấy một tấm áp phích quảng cáo việc sử dụng thẻ tàu điện trên các phương tiện công cộng ở thành phố New York. Ông McKean lấy một vài tấm thẻ MetroCard và thích cắt các chữ cái và làm việc với các màu sắc khác nhau.

Nghệ thuật từ những tấm thẻ MetroCard của ông đã phát triển từ ảnh ghép, tranh khảm đến tác phẩm điêu khắc 3D của một tòa nhà, một tổ chim có trứng bên trong và một chiếc taxi ở Thành phố New York.

Chỉ với một chiếc kéo nhỏ và keo dán, nghệ sĩ Thomas McKean cẩn thận cắt những tấm thẻ nhựa mỏng rồi dán chúng thành những bức ảnh ghép, tranh khảm hay tác phẩm 3D của một tòa nhà, tổ chim có trứng, một chiếc taxi ở Thành phố New York.

Ông McKean có nguồn cung cấp MetroCards dường như không giới hạn. Cách đay 6 năm ông đi qua Nhà ga Grand Central và phía sau máy bán thẻ MetroCard có rất nhiều thẻ bị bỏ đi. Ông không quá lo lắng về việc loại bỏ thẻ MetroCard nếu nguồn cung của ông cạn kiệt.

Bạn có thể mua tác phẩm nghệ thuật MetroCard của ông McKean tại Fishs Eddy. Ông McKean cũng đang "chờ Bảo tàng Quá cảnh (New York) và Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian (Mỹ)" trưng bày tác phẩm nghệ thuật của mình.

Trong tương lai không xa, các máy bán thẻ MetroCard sẽ bị loại bỏ dần và thay thế bằng máy bán hàng tự động của OMNY, ước tính việc chuyển đổi sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Người đi tàu điện ngầm kết nối điện thoại và thẻ tín dụng của họ với hệ thống OMNY, sau đó chạm và đi qua các cửa quay của tàu điện ngầm. Khi đó những chiếc thẻ MetroCard chỉ còn là những kỷ niệm đối với người dân Mỹ và họ có thể nhớ về một thời sử dụng chúng qua các tác phẩm của ông McKean.

NIGERIA

Nghệ sĩ người Nigeria Eugene Komboye đang biến những đôi dép xỏ ngón bằng nhựa bị vứt bỏ thành những bức chân dung đầy màu sắc. Theo anh, đây là một nỗ lực giúp làm sạch môi trường ở một quốc gia nơi ô nhiễm nhựa đang phổ biến.

Niềm đam mê của anh bắt đầu từ khi còn đi học đại học vào năm 2017, đã trở thành công việc toàn thời gian của anh. Anh Komboye có xưởng vẽ ở bang Ogun và hiện đang đào tạo các nghệ sĩ tương lai muốn tiếp bước anh.

Vào thời điểm đó, rất khó để có được các vật liệu nghệ thuật do vị trí của trường anh ấy, và giảng viên của anh ấy đã yêu cầu anh ấy tìm kiếm xung quanh môi trường của mình để tìm những vật liệu độc đáo, nhiều màu sắc.

Trong 4 năm qua, anh đã tạo ra những bức chân dung kích thước thật từ dép xỏ ngón. Nigeria sản xuất ít nhất 2,5 triệu tấn chất thải nhựa hàng năm, và một phần trong số đó đi vào đại dương và sông ngòi.

Anh Komboye tìm được nguyên vật liệu của mình chủ yếu từ các bãi rác và bờ sông rồi mang đến xưởng vẽ của mình, nơi anh khử trùng và rửa sạch trước khi tạo ra các bức chân dung khuôn mặt. Chàng trai 30 tuổi cho biết, tùy vào độ lớn nhỏ của tác phẩm, một tác phẩm anh có thể mất từ 1-4 tháng để hoàn thành.

Thực hiện : Vân Hương

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-cau-chuyen-ve-hanh-trinh-sang-tao-nghe-thuat