Nhìn ra thế giới: Tài chính khí hậu - Tâm điểm của Hội nghị COP27

Ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn là vấn đề gây tranh cãi trong bất cứ hội nghị nào. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia giàu có, gây ô nhiễm đã phớt lờ lời kêu gọi bù đắp cho những thiệt hại. Tại Hội nghị COP27 vấn đề tài chính khí hậu được đưa vào chương trình nghị sự. Các nước cho rằng cần tăng hỗ trợ cho các quốc gia nghèo đang đối mặt với sự tàn phá của biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo “Tình trạng khí hậu toàn cầu” của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), trong 8 năm trở lại đây, nhiệt độ mỗi năm đã tăng cao hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn trước. Các thảm họa chết người do biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, băng tan, mưa lớn, sóng nhiệt, ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn. Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính vốn là nguyên nhân của hiện tượng ấm lên toàn cầu đều lập mức kỷ lục mới, trong đó khí methane có tốc độ tăng hằng năm cao chưa từng thấy.

Từ đầu năm 2022, các cộng đồng dân cư ở khắp các châu lục đã phải hứng chịu những thảm họa thời tiết khắc nghiệt bất thường. Nghịch lý ở đây là những nước nghèo vốn không gây phát thải nhiều nhất lại phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Dù chỉ phát thải 3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu, nhưng các nước châu Phi lại là các quốc gia dễ chịu tác động trước biến đổi khí hậu do thiếu khả năng thích ứng. Các nước vùng Sừng châu Phi, nơi hứng chịu các đợt hạn hán kinh hoàng, đang đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực trầm trọng.

Do vậy, các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) tại Ai Cập đã nhất trí đưa vấn đề tài chính khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu luôn là vấn đề gây tranh cãi trong bất cứ hội nghị nào. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia giàu có, gây ô nhiễm đã phớt lờ lời kêu gọi bù đắp cho những thiệt hại, bởi về mặt pháp lý và thực tế, rất khó xác định rõ những thiệt hại, xác định những gì có thể phải trả và ai sẽ phải trả bao nhiêu.

Tại COP27, vấn đề này tiếp tục gây tranh cãi. Các nước nghèo cho rằng hội nghị nên tập trung vào cách thức các nước thực hiện cam kết được đưa ra trong những năm trước, đồng thời tăng hỗ trợ cho các quốc gia nghèo đang đối mặt với sự tàn phá của biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, sự thất bại trong việc cung cấp các khoản tài trợ cho tới nay đã “ăn mòn” lòng tin của cộng đồng quốc tế, và rất có thể sẽ làm suy yếu toàn bộ nỗ lực của Liên hợp quốc. Vấn đề tài chính khí hậu hay bù đắp cho các quốc gia bị tổn thương như thế nào cũng đã tràn ngập trên các tờ báo lớn trước và ngay khi Hội nghị COP27 quyết định đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nhin-ra-the-gioi-tai-chinh-khi-hau-tam-diem-cua-hoi-nghi-cop27