Nhìn thẳng hai lần trục lợi từ BT, BOT

Những bất cập trong thực hiện BT, BOT có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh

Điểm danh lỗ hổng tiêu cực

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - Lê Hoàng Châu nhận định, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội theo hình thức PPP, BT, BOT... đã huy động được nguồn vốn lớn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương.

Nhiều rủi ro từ BT, BOT

Nhiều rủi ro từ BT, BOT

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hình thức trên cũng bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể là phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc tình trạng nhà thầu "tay không bắt giặc", vốn thực chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, những bất cập trên có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình, dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, và lợi ích xã hội, nhất là trong điều kiện thiếu cơ quan phản biện, giám sát...

Ông chỉ rõ: "Thứ nhất, có thể đã tạo điều kiện cho nhà thầu, nhà đầu tư được hưởng lợi "kép" 02 lần. Cụ thể, khi nhận thầu thi công công trình (đầu B - Building: Xây dựng), dự toán công trình thường do nhà thầu cũng là đơn vị đề xuất.

Hơn nữa, các khu đất đối ứng ở các địa điểm đắc địa và đã được tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông để đầu tư kinh doanh bất động sản (đầu T-Transfer: Chuyển giao), thường cũng do nhà thầu kiêm nhà đầu tư đề xuất các khu đất được thanh toán bù trừ.

Thứ hai, có thể "tránh" được thủ tục "kép" 02 lần khi lựa chọn nhà thầu xây lắp công trình và lựa chọn chủ đầu tư dự án bất động sản thông qua phương thức chỉ định thầu, nên đã triệt tiêu sự cạnh tranh. Ví dụ, khi được chỉ định làm nhà thầu xây lắp mà không phải qua thủ tục đấu thầu công khai, rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà thầu (đầu B: Xây dựng). Đồng thời lại được chỉ định nhà đầu tư dự án bất động sản các khu đất đối ứng mà không phải qua thủ tục đấu thầu công khai, rộng rãi trong nước, quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư (đầu T: Chuyển giao).

Thứ ba, việc thực hiện phổ biến hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT, PPP làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh; tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài; có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước (vì dự toán công trình nếu không được thẩm định chặt chẽ có thể bị nhà thầu nâng cao hơn giá trị thực, đồng thời nguồn đất đối ứng trả cho nhà thầu cũng là tài sản công, cũng là tiền ngân sách); và gây quan ngại cho xã hội".

HoREA: Lợi ích nhóm từ đầu tư BT, BOT

Từ những bất cập trên, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị thực hiện phổ biến hình thức đấu giá công khai, đấu thầu rộng rãi trong nước, hoặc đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng giao thông; chỉnh trang; phát triển đô thị theo phương thức xã hội hóa đầu tư, dưới hình thức hợp tác công tư (PPP); xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).

Kể cả đối với các khu đất vàng trong quá trình thực hiện thu hồi quỹ đất do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

Hiệp hội cũng đề nghị hạn chế tối đa việc chỉ định nhà thầu, chỉ định nhà đầu tư đối với các trường hợp trên, và chỉ thực hiện hình thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, nhất là trong các trường hợp đặc biệt được luật pháp quy định.

"Chúng ta đã có bài học điển hình rất quý từ thực tiễn tổ chức thành công buổi đấu giá khu đất công tại số 23 Lê Duẩn, quận 1. Khi đó, giá khởi điểm đấu giá là 558 tỷ đồng, có 13 doanh nghiệp tham dự đấu giá, sau 16 vòng đấu giá, mức giá thắng đấu giá lên đến 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm, giúp ngân sách nhà nước thu được đúng giá trị khu đất", ông Châu nêu ví dụ.

Về cơ chế để "Quỹ phát triển đất" hoạt động hiệu quả, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, theo quy định, "Quỹ phát triển đất của địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ tài chính khác của địa phương để ứng vốn cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt". Tuy nhiên, trên thực tế "Quỹ phát triển đất" chưa được thành lập.

Để thống nhất một đầu mối, ông Châu kiến nghị giao nên giao chức năng của "Quỹ phát triển đất" cho "Quỹ Đầu tư phát triển" (HFIC) của TP.HCM.

Cũng theo ông Châu, tại thành phố Hồ Chí Minh, "Tổ chức phát triển quỹ đất" hiện được thành lập với tên gọi là "Trung tâm phát triển quỹ đất" chưa hoạt động thật hiệu quả, không thực hiện được chức năng đấu giá quyền sử dụng đất.

Vì vậy, ông Châu kiến nghị TP.HCM cấp vốn ban đầu cho quỹ hoạt động (từ 500-1.000 tỷ đồng) theo hình thức có vay, có trả. Ngoài ra, cũng phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, đề phòng tiêu cực...

"Như vậy, người có đất có điều kiện được bồi thường thỏa đáng, công bằng thì sẽ hạn chế tối đa việc khiếu kiện nhất là tình trạng khiếu kiện đông người về đất đai hiện nay; Các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận quỹ đất đầu tư một cách minh bạch, bình đẳng thông qua cơ chế đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; Và tạo được nguồn thu ngân sách rất lớn", ông Châu kết luận.

Thái An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/nhin-thang-hai-lan-truc-loi-tu-bt-bot-3346546/