Nhìn và nghĩ từ những khán đài bóng đá nữ Việt Nam

Bóng đá nữ Việt Nam luôn vắng bóng khán giả ở các trận đấu mọi cấp độ nhưng vẫn có nhà tài trợ đồng hành.

Trận đấu giữa Hà Nội và Sơn La tại Cúp Quốc gia nữ 2019

Trận đấu giữa Hà Nội và Sơn La tại Cúp Quốc gia nữ 2019

Chiều 22/5, Giải bóng đá nữ Cúp Quốc gia 2019 đã chính thức khởi tranh ở sân Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (VFF). Hà Nội gây ấn tượng mạnh mẽ khi hủy diệt Sơn La với tỉ số 7-0. Nhưng có lẽ ngay cả các cô gái của đội bóng Thủ đô cũng không quá vui mừng khi nhìn lên khán đài.

Do là trận khai mạc, có khá đông phóng viên và các quan chức tới theo dõi, cộng thêm lực lượng cầu thủ trẻ đang ăn tập tại Trung tâm, nhưng khán đài vẫn thưa thớt. Tình cảnh những ngày thi đấu tiếp theo chắc chắn còn thê thảm hơn, chắc chắn còn có cả những trận cầu chứng kiến một vài khán giả… bất đắc dĩ.

Công bằng mà nói, đây là thực trạng không mới, dù Cúp Quốc gia nữ là một sân chơi mới toanh. Ngay cả giải VĐQG nữ cũng phải chịu chung cảnh ngộ. Ngoài ra, số trận đấu được tường thuật trực tiếp trên truyền hình chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sự èo uột của bóng đá nữ khiến giải VĐQG rất khó tìm kiếm nhà tài trợ. Nhiều năm qua, VFF đều phải trông cậy vào Công ty TNHH Thương mại Thái Sơn Bắc để đủ kinh phí tổ chức giải. Năm nay, khi Cúp Quốc gia khai sinh, lại một Thái Sơn khác “chống lưng” cho VFF, đó là Thái Sơn Nam, người “anh em” của Thái Sơn Bắc.

Thực trạng khán đài các trận đấu bóng đá nữ Việt Nam

Thông thường, một nhà tài trợ khi bỏ tiền vào giải đấu thể thao bất kỳ đều phải tính toán tới lợi ích về mặt quảng bá hình ảnh. Nếu đối chiếu theo tiêu chí này, Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc gần như làm… từ thiện. Banner của nhà tài trợ căng kín 4 mặt sân nhưng không có khán giả trực tiếp lẫn trên truyền hình nên tất cả chỉ dành cho cầu thủ.

Trong một diễn biến khác, Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc còn liên tục đồng hành với các giải đấu cấp độ trẻ của bóng đá Việt Nam như Giải U15, U17, U19 Quốc gia. Càng đáng ngạc nhiên khi ông Trần Anh Tú, Thường trực VFF, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VPF là cha đẻ của hai thương hiệu trên. Ấy vậy vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích ông Tú tư lợi. Còn người biết chuyện thì nói ông Tú “dại” khi đem “tiền nhà” đi lo việc chung.

Thử hỏi, nếu không có Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, bóng đá nữ Việt Nam sẽ đi vì đâu? Thế nên, cũng có thể hiểu tại sao ông Tú lại bật khóc khi bị một luồng dư luận lên án dữ dội vào thời điểm ông tranh cử cho vị trí Phó Chủ tịch tài chính VFF hồi năm ngoái.

Phong Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nhin-va-nghi-tu-nhung-khan-dai-bong-da-nu-viet-nam-d421765.html