Nhìn xa hơn từ một mái nhà

Bộ Xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt Đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đây là thông tin rất vui đối với nhiều người có thu nhập thấp vì chương trình này là niềm hy vọng trọng đại sau nhiều năm vất vả mưu sinh để tạo dựng mái ấm cho mình trong bối cảnh chi tiêu cho cuộc sống không ngừng tăng.

Phát triển đô thị, liên kết các vùng kinh tế, đẩy mạnh quy mô các khu công nghiệp tập trung thì không thể không đặt ra bài toán an cư cho người lao động. Thậm chí công tác này phải đi trước một bước, hình thành quy hoạch ngay khi có chủ trương phát triển kinh tế. Cần phải nhìn nhận, chương trình xây nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp trong cả một thời gian dài vừa qua đã quá chậm và trở thành điểm nghẽn của các kế hoạch kinh tế lớn. Chưa an cư thì khó ai có thể an tâm gắn bó với công việc, doanh nghiệp để phát huy hết trí lực. Đội ngũ lao động không ổn định, chất lượng không cao và thiếu kế hoạch phát triển nghề nghiệp lâu dài cũng có nguyên nhân lớn xuất phát từ sự thiếu hụt về nơi an cư.

Vướng mắc chính đối với công tác này chủ yếu về chủ quan. Chủ trương về nhà ở xã hội có từ vài thập niên trước nhưng để thực hiện nó lại quá nhiêu khê. Trước hết là do không được ưu tiên nguồn vốn và tạo cơ chế thuận lợi để quyết liệt thực hiện. Nhiều khu vực quy hoạch nhà ở xã hội nay đã biến thành các dự án nhà ở thương mại ở rất nhiều địa phương. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố thấy nguồn lợi nhanh chóng từ địa ốc thương mại mà bỏ qua nguồn lợi lâu dài, bền vững của việc tạo được đội ngũ lao động ổn định, gắn bó để tạo được ngành công nghiệp mạnh tại chỗ.

Trong các chủ trương phát triển nhà ở thương mại đều quy định phải dành một phần để làm nhà ở xã hội nhưng trên thực tế rất nhiều dự án đã vô hiệu hóa quy định này. Tỉ lệ nhà ở xã hội này không phải là sự mặc cả giữa nhà quản lý với doanh nghiệp, mà nó là cách nhìn về sự sòng phẳng đối với thu nhập xã hội. Nguồn thu từ kinh doanh địa ốc lớn trong khi cơ hội có được nhà của người thu nhập thấp quá thấp là điều vô lý trong bối cảnh khai thác chung nguồn tài nguyên đất đai của quốc gia. Không thể lấy mức đóng thuế kinh doanh lớn tại một thời điểm để lý giải cho việc du di đối với những quy định về đầu tư và bỏ qua bài toán kinh tế chung của cả địa phương và rộng ra là cả quốc gia.

Muộn còn hơn không, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều địa phương, đặc biệt là TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã quy hoạch và đưa vào xây dựng hàng trăm dự án nhà ở xã hội. Trong thời gian tới, hàng trăm dự án khác sẽ được khởi công.

Xây dựng chốn an cư cho lực lượng lao động là bài toán tất yếu phải giải. Nó không đơn giản là xây một căn nhà mà từ nơi chốn này, người lao động có đủ điều kiện để nuôi con cái học hành, tạo một thế hệ tương lai ổn định về nghề nghiệp, có đủ kỹ năng và tri thức để xây dựng cuộc sống tốt và cống hiến cho xã hội. Đây mới chính là nguồn lợi lớn của đầu tư xã hội chứ không đơn giản là những đồng tiền lãi từ mua bán trước mắt.

Phạm Hồ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/nhin-xa-hon-tu-mot-mai-nha-20220910205522001.htm