Nhịp cầu bè bạn 5 châu

Dàn nhạc Na-đa-din của Ba Lan tấu khúc bài Lý ngựa ô. Còn Đoàn La Côn-men-ni-ta của Cu-ba chơi những điệu nhạc mà người Việt Nam vốn quen thuộc và yêu thích… Festival Huế là nhịp cầu kết nối bè bạn khắp 5 châu đến với Việt Nam.

Nụ cười của bạn bè 5 châu trở thành cầu nối hữu nghị.

Nụ cười của bạn bè 5 châu trở thành cầu nối hữu nghị.

Tôi yêu Việt Nam!

Festival Huế 2014 lần thứ 8 diễn ra từ ngày 12 đến 20-4 đã thực sự là nơi hội tụ của bè bạn khắp 5 châu. Nhiều người bạn ở tận vùng núi An-đét, bờ biển Ban-tích, vùng Ca-ri-bê xa xôi, đến những người bạn nghĩa tình cùng chung đường biên giới như Lào, Trung Quốc hay xa xôi như Chi-lê, Mỹ, Pháp, Nga, Cu-ba, Nhật, Pê-ru, Xri Lan-ca...

Chi-lê nằm ở phía Nam của Nam Mỹ, giáp với Nam Thái Bình Dương. Và từ đại lộ Bond Thủ đô Xan-ti-a-gô, bạn mang đến đường phố Huế điệu La Cê-ca vốn là môn nghệ thuật mang đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thông qua phiên dịch, các diễn viên trong đoàn của Chi-lê đã chia sẻ: "Chúng tôi biết Việt Nam, biết tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát hành tại Chi-lê. Đó là một con người vĩ đại đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc lập của đất nước các bạn. Chúng tôi rất yêu quý Việt Nam, mong hẹn ngày gặp lại!".

Tại sân khấu ngoài trời, trên đường phố, Đoàn nghệ thuật Chi-lê đã biểu diễn điệu La Cê-ca truyền thống. Các diễn viên nữ cầm khăn trắng, váy xòe, nhón gót xoay vòng. Cạnh đó là chàng trai có dáng người lực lưỡng, trên người khoác bộ trang phục Hua-sô màu đen, chân mang giày ống cao. Đất nước 16 triệu dân này đặc biệt coi trọng việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và hình ảnh của con người Chi-lê từ thời lập quốc.

Trên đường phố, những người dân Việt Nam vẫy tay đón chào Đoàn Chi-lê. Khi buổi biểu diễn trên đường phố kết thúc, các cô gái, các em thiếu nhi ào đến xin chụp ảnh lưu niệm. "Việt Nam - Chi-lê Mít-sen Ba-che-lết (nữ Tổng thống Mít-Sen Ba-che-lết)!", nghe mọi người ra hiệu, bạn gật đầu, nở nụ cười, khuôn mặt hiện lên vẻ xúc động.

Đất nước Mặt trời mọc - Nhật Bản mang đến Festival nhiều chương trình hoạt động. Ban nhạc Ba-ti Hô-lic, Đoàn nghệ thuật Nan-tô-ga-ku-ô với tiết mục nhã nhạc Nhật phối với nhã nhạc của Việt Nam. Chương trình này từng được tổ chức thành công tại thành phố Y-ô-kô-ha-ma nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.

"Nhịp cầu bè bạn" thể hiện qua cuộc trưng bày ảnh nghệ thuật "Niềm vui của người lao động trên khắp đất nước Việt Nam". Nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản - bà Tê-ru-y-ô I-oa-hô-ri là tác giả. Những bức ảnh được bà I-oa-hô-ri chụp khá công phu. Đó là chợ rau tại Hà Nội vào một buổi sáng tinh mơ; nông dân vùng vải thiều chăm sóc vụ mùa; lão nông bên mảnh vườn nhỏ; chợ nổi phương Nam. Nổi bật nhất là bức tranh 2 công nhân tại lò gốm Bát Tràng mà nhiều người Nhật đã in vào danh thiếp. "Tôi đã đi qua 30 tỉnh, thành của Việt Nam để chụp ảnh người lao động và mang về trưng bày, giới thiệu với người dân Nhật Bản, giúp cho đồng bào của chúng tôi hiểu và chia sẻ với Việt Nam" - Bà I-oa-hô-ri chia sẻ.

Ông Lê Văn Nhân, một du khách đến thăm triển lãm tranh là người rất ngưỡng mộ bà I-oa-hô-ri, ông cho biết: "Bà I-oa-hô-ri tuổi già, về hưu rồi nhưng vẫn sang Việt Nam lặn lội khắp nơi bằng xe khách, xe ôm, có khi đi bộ vài km để chụp ảnh mang đi triển lãm. Bà là người bạn tốt của Việt Nam".

Những người bạn Pháp cũng để lại dấu ấn sâu đậm của tình hữu nghị qua những tác phẩm nghệ thuật trên cầu Tràng Tiền. Bà Thảo, một giáo viên tâm sự: "Sau mỗi tấm ảnh đều hiện lên bước chân không mỏi và trái tim của người nghệ sĩ đến từ nước Pháp đã yêu mến dân tộc Việt Nam".

Festival Huế lần thứ 8 đã quy tụ gần 600 nghệ sĩ quốc tế. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế cho biết: "Các quốc gia đều mang đến Festival những tiết mục mang bản sắc văn hóa, đặc sắc, là niềm tự hào của dân tộc họ".

Mâm "đại yến nghệ thuật"

Nhìn vào lịch tổ chức Festival mới thấy những chương trình dày đặc được tổ chức từ thành phố, lên rừng, xuống biển, vào trường học, bệnh viện phục vụ người dân nghèo, người khuyết tật. Gần 100 chương trình nghệ thuật được biểu diễn tại 25 điểm đã trở thành một mâm "đại yến nghệ thuật" mà một lần ăn không thể nào thưởng thức hết.

Những con số ấn tượng của Festival: 2.600 nghệ sĩ tham gia biểu diễn, trong đó có gần 600 nghệ sĩ quốc tế. Du khách đến đông nhất là Pháp 13.360, Thái Lan 11.000, Mỹ 9.100, Ô-xtrây-li-a 8.113, Anh 6.823.

Gọi là mâm đại yến, bởi trong một đêm, hàng loạt các điểm diễn ra các hoạt động song song. 24 giờ, khán giả vẫn còn cuồng nhiệt với Đoàn nghệ thuật của Đan Mạch. Các cô gái đến từ Cu-ba thì hâm nóng sân khấu khi nhạc công, vũ nữ đều là những thiếu nữ trẻ, đẹp với màu áo trắng, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp. Còn ở một điểm khác thì diễn ra hoạt động của Đoàn nghệ thuật Ấn Độ. Vũ đoàn Clê-ô-pát của Việt Nam cũng khiến người xem thán phục bởi nghệ thuật múa belly dace với các vũ công nóng bỏng và trang phục đẹp, độc đáo, phong cách hiện đại.

Mâm đại yến có quá nhiều món ngon, nhưng chỉ kịp thò đũa gắp vài món. Vậy nên Festival luôn trở thành điểm hẹn ngày gặp lại. Và kinh đô Huế bắc nhịp điểm cầu kết nối 5 châu. Theo Ban tổ chức, Festival Huế 2014 thành công hơn mong đợi, thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự, 23 ngàn khách lưu trú. Trong đó, có hơn 10 ngàn khách du lịch của 121 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổng doanh thu trực tiếp và gián tiếp của Festival Huế năm 2014 ước tính hơn 500 tỷ đồng.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nhip-cau-be-ban-5-chau/