Nhịp đập năng lượng ngày 1/12/2023

OPEC+ nhất trí cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày; Xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm trong tháng 12; Mỹ bổ sung hơn 2,7 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 1/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

OPEC+ nhất trí cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng dầu/ngày

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã họp vào ngày 30/11 để thảo luận về chính sách nguồn cung. Nhóm này đã đồng ý tổng mức cắt giảm sản lượng là 2,2 triệu thùng/ngày từ 8 thành viên, con số này bao gồm cả việc gia hạn mức cắt giảm tự nguyện hiện tại của Ả Rập Xê-út và Nga là 1,3 triệu thùng/ngày.

Thị trường dầu đã phản ứng đối với tuyên bố của OPEC+, với giá dầu thô Brent chuẩn tương lai từ bỏ mức tăng trước đó để kết thúc ở mức 82,85 USD/thùng vào ngày 30/11, giảm nhẹ so với mức đóng cửa trước đó là 83,10 USD.

Việc cắt giảm sản lượng dầu thô bổ sung của OPEC+ được cho là sẽ mang lại hai điều, và cả hai điều đó đều không thể làm hài lòng nhóm các nhà xuất khẩu dầu. Thứ nhất, việc giảm khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) vào đầu năm tới sẽ dập tắt ý kiến cho rằng tăng trưởng nhu cầu dầu thô toàn cầu rất mạnh. Thứ hai, cần đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là lần cắt giảm cuối cùng của OPEC+ hay không và liệu nhóm này có thực sự có thể cắt giảm thêm nữa hay không nếu giá dầu tiếp tục giảm.

Brazil sẽ gia nhập OPEC+ vào năm tới

Ngày 30/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, Brazil sẽ gia nhập liên minh giữa OPEC và các đối tác, còn gọi là OPEC+ vào đầu năm 2024.

Trong một tuyên bố chính thức, OPEC cho biết, Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng Brazil, Alexandre Silveira de Oliveira đã tham gia cuộc họp cấp Bộ trưởng OPEC+ lần thứ 36 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến nhằm thảo luận về chính sách sản lượng năm 2024. OPEC kỳ vọng, việc Brazil gia nhập OPEC+ sẽ giúp tăng cường ảnh hưởng và vị thế của khối này trên thị trường dầu mỏ thế giới

Brazil hiện là quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ kể từ năm 2016 và nằm trong số 10 nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới. Theo cơ quan báo giá dầu hàng đầu của Mỹ, Argus Media, sản lượng dầu thô của Brazil đã đạt kỷ lục 3,7 triệu thùng/ngày trong tháng 9, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 6,1% so với tháng 8.

Xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm trong tháng 12

Theo các nguồn tin thị trường và tính toán của Reuters, lượng dầu xuất khẩu theo kế hoạch của Nga từ các cảng phía tây nước này dự kiến sẽ giảm 6% trong tháng 12 so với tháng 11, xuống còn 1,9 triệu thùng/ngày (bpd).

Các chuyến hàng xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía tây Primorsk, Ust-Luga và Novorossiysk dự kiến sẽ thấp hơn trong tháng 12, do dự báo sản lượng lọc dầu cao kỷ lục trong tháng tới và việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu gần đây từ chính phủ Nga, các thương nhân cho biết. Lượng dầu thực tế nạp vào các cảng phía tây nước Nga dự kiến sẽ cao hơn dự báo trong tháng 12, do khối lượng đáng kể được nạp vào tháng 11 chưa thể xuất đi do các cơn bão đổ bộ vào khu vực Biển Đen.

Kể từ ngày 24/11, các cơn bão nghiêm trọng đã làm gián đoạn xuất khẩu dầu từ Kazakhstan và Nga ở mức 2 triệu thùng/ngày. Sự chậm trễ trong xuất khẩu và vận chuyển dầu từ cảng Novorossiysk trong tháng 11 đã vượt quá 1 triệu tấn tính đến ngày 29/11. Theo các thương nhân, cảng Novorossiysk vẫn đóng cửa vào ngày 30/11, vì vậy lượng hàng này phải được chuyển sang tháng 12.

Mỹ bổ sung hơn 2,7 triệu thùng dầu cho kho dự trữ chiến lược

Bộ Năng lượng Mỹ ngày 30/12 cho biết, họ đã hoàn tất hợp đồng mua 2,73 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Việc mua hàng lần này là một phần trong kế hoạch bổ sung dần cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.

Mỹ có hợp đồng mua 930 triệu thùng dầu từ Exxon Mobil, 600 triệu thùng dầu từ Phillips 66, 660 triệu thùng dầu từ Sunoco và 600 triệu thùng dầu từ Macquarie. Theo một tuyên bố từ Bộ Năng lượng Mỹ, tổng giá trị các hợp đồng đặt mua dầu là 215.929.510 USD.

Việc mua hàng lần này là một phần trong kế hoạch bổ sung dần cho kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ. Trong năm ngoái, Mỹ đã bán ra kỷ lục hơn 200 triệu thùng từ SPR để "hạ nhiệt" giá dầu sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù Mỹ ít phụ thuộc vào dầu nhập khẩu hơn so với năm 1983, nhưng mức SPR thấp đã trở thành tâm điểm cho những tranh luận về rủi ro an ninh năng lượng.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1122023-700800.html