Nhịp đập năng lượng ngày 6/12/2023

Ả Rập Xê-út giảm giá bán dầu thô sang châu Á; Ngừng mua khí đốt của Nga, EU mất thêm 199 tỷ USD; Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga xem xét bán nhà máy lọc dầu ở Bulgaria… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 6/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ả Rập Xê-út giảm giá bán dầu thô sang châu Á

Ả Rập Xê-út giảm giá bán dầu thô chính thức sang châu Á vào tháng tới trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục dư thừa. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trên thị trường khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, gọi chung là OPEC+ tăng cường cắt giảm sản lượng nhằm tránh dư thừa nguồn cung.

Tập đoàn dầu mỏ nhà nước Saudi Aramco hạ giá dầu Arab Light bán cho châu Á trong tháng 1/2024 khoảng 0,5-3,50 USD/thùng. Trong khi đó, mức giảm được ước tính trong một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg là 1,05 USD/thùng.

Việc giảm giá dầu của Ả Rập Xê-út cho thấy sự cạnh tranh gay gắt để giành được các khách hàng châu Á trong một thị trường dư thừa nguồn cung.

OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn nếu cần thiết

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhóm OPEC+ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung và tăng cường cắt giảm sản lượng dầu trong quý đầu tiên của năm 2024 để tránh tình trạng biến động và đầu cơ trên thị trường.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Novak cho hay: "Nhờ các hành động kịp thời của OPEC+, khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày sẽ được tung ra thị trường trong quý đầu tiên của năm tới, sẽ cho phép thời kỳ nhu cầu thấp trôi qua một cách dễ dàng trong quý đầu tiên của năm 2024". "Tôi cũng muốn lưu ý rằng nếu các hành động hiện tại là chưa đủ, các nước OPEC+ sẵn sàng thực hiện hành động bổ sung để loại bỏ tình trạng đầu cơ và biến động", ông Novak nói thêm.

Ông Novak đưa ra bình luận trên sau khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói với Bloomberg rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể kéo dài qua sau tháng 3 năm 2024 nếu thị trường yêu cầu, đồng thời chỉ trích các nhà bình luận vì không hiểu thỏa thuận sản lượng. Quan chức Ả Rập Xê-út cho rằng điều này sẽ thay đổi một khi "mọi người nhìn thấy thực tế của thỏa thuận".

Ngừng mua khí đốt của Nga, EU mất thêm 199 tỷ USD

Sputnik dẫn lại dữ liệu của Eurostat cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã phải trả thêm ít nhất 199 tỷ USD cho nhập khẩu khí đốt kể từ khi khối này áp đặt các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng từ Nga.

Theo dữ liệu của Eurostat, kể từ tháng 2/2022, sau khi EU bắt đầu áp đặt các lệnh cấm vận đối Moskva, chi tiêu nhập khẩu khí đốt của khối này hàng tháng đã tăng lên 16,3 tỷ USD. Trong số này, 8,3 tỷ USD dành cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hơn 8 tỷ USD còn lại cho khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí. Trong những năm trước đó, EU chỉ mất khoảng 6,3 tỷ USD cho việc nhập khí đốt hàng tháng.

Từ con số trên, Eurostat ước tính các quốc gia thành viên EU trong vòng 20 tháng đã chi tổng cộng 328 tỷ USD cho nhập khẩu khí đốt. Trong khi đó, Mỹ lại thu về khoản lợi nhuận ước tính trị giá 57 tỷ USD. Các quốc gia khác được hưởng lợi từ nhập khẩu khí đốt của EU còn có Anh (29,1 tỷ USD), Na Uy (25,8 tỷ USD) và Algeria (22,6 tỷ USD). Còn Nga, dù hứng chịu các lệnh cấm vận từ EU, vẫn xuất khẩu được 15 tỷ USD khí đốt cho khối này.

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga xem xét bán nhà máy lọc dầu ở Bulgaria

Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga hôm 5/12 thông báo rằng họ đang xem xét việc bán nhà máy lọc dầu của mình ở Bulgaria, lớn nhất khu vực Balkans và tố cáo việc "phân biệt đối xử" được thực hiện bởi chính phủ thân châu Âu.

Bulgaria là thành viên của EU và NATO, được hưởng lợi từ việc miễn trừ lệnh cấm vận do EU thiết lập đối với dầu thô của Nga cho đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, sự miễn trừ này sẽ kết thúc vào tháng 3 tới. Chính phủ Bulgaria cách đây vài tháng cũng đã áp thuế 60% đối với lợi nhuận của công ty dầu mỏ Nga.

Hành động này khiến Lukoil cảm thấy bị xúc phạm "khi chính quyền Bulgaria áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử cũng như các quyết định chính trị bất công và thiên vị khác". Lukoil cũng cho rằng họ là nạn nhân của một "cơn bão chính trị đang gây tổn hại cho các hoạt động của họ".

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-6122023-701164.html