Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/4/2023

Dầu diesel của Ấn Độ ồ ạt chảy vào châu Âu; Síp đề xuất thay thế Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu; Nam Phi cải cách ngành điện… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 30/4/2023.

Ấn Độ đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất châu Âu, đồng thời mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga. Ảnh minh họa: Reuters

Ấn Độ đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất châu Âu, đồng thời mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga. Ảnh minh họa: Reuters

Dầu diesel của Ấn Độ ồ ạt chảy vào châu Âu

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ công ty phân tích Kpler, trong tháng 4, Ấn Độ đang trên đà trở thành nhà cung cấp nhiên liệu tinh chế lớn nhất châu Âu, đồng thời mua lượng dầu thô kỷ lục của Nga. Nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của châu Âu từ Ấn Độ sẽ tăng trên 360.000 thùng/ngày, vượt xa so với Saudi Arabia.

Cũng theo Kpler, lượng dầu thô của Nga đến Ấn Độ dự kiến sẽ vượt 2 triệu thùng/ngày trong tháng 4, chiếm gần 44% tổng lượng dầu nhập khẩu của quốc gia này. Hơn một nửa số lô hàng dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga là đến Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7 trước khi khối này bắt đầu cắt giảm mua hàng để đáp trả xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm 2022.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô hàng đầu của công ty cho biết: “Dầu thô của Nga đang tìm đường quay trở lại châu Âu bất chấp mọi lệnh trừng phạt và việc Ấn Độ tăng cường xuất khẩu nhiên liệu sang phương Tây là một ví dụ điển hình về điều đó”.

Việc các quốc gia châu Á như Ấn Độ nhập khẩu dầu thô của Nga là “con dao hai lưỡi” đối với EU. Một mặt, “lục địa già” cần các nguồn dầu diesel thay thế khi khối này đã cắt đứt dòng chảy trực tiếp từ Nga, nhà cung cấp hàng đầu trước đây của khối này. Tuy nhiên, cuối cùng chính châu Âu lại làm tăng nhu cầu đối với các thùng dầu của Moscow, đồng nghĩa với việc tăng thêm chi phí vận chuyển. Từ đó, những nhà máy lọc dầu của EU, những người không thể tiếp cận dầu thô giá rẻ của Nga sẽ mất đi ưu thế và khó cạnh tranh.

Síp đề xuất thay thế Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu

Được xem là một quốc gia mới trong lĩnh vực khí đốt, Síp mới đây đã đề xuất Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khí đốt tự nhiên từ đông Địa Trung Hải để thay thế cho nguồn cung từ Nga. Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis khẳng định rằng khu vực đông Địa Trung Hải có thể đáp ứng khoảng 15-16% nhu cầu khí đốt của EU trong 25 năm tới.

Theo ông Christodoulidis, điểm yếu lớn nhất của EU hiện nay là sự lệ thuộc vào khí đốt của Nga. “Tuy khu vực đông Địa Trung Hải chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng chắc chắn có thể giảm thiểu sự phụ thuộc của EU", Tổng thống Síp khẳng định. Nhà lãnh đạo quốc đảo Síp lưu ý thêm rằng EU đã đầu tư vào Địa Trung Hải song “chúng tôi trông đợi nhiều hỗ trợ kỹ thuật và tài chính hơn để có thể khai thác tiềm năng của khu vực này".

Đảo quốc nhỏ bé ở Địa Trung Hải là một quốc gia mới trong lĩnh vực khí đốt, với việc phát hiện ra khí đốt ở mỏ ngoài khơi Aphrodite năm 2011, ước tính chứa khoảng 1.300 tỷ m3 khí. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng trước trên Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Síp Natasa Pilides bày tỏ tin tưởng rằng nỗ lực loại bỏ khí đốt Nga của EU có khả năng đưa Síp trở thành quốc gia quy hoạch năng lượng của khối.

Nam Phi cải cách ngành điện

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa mới đây cho biết, nước này đang thực hiện cải cách trên diện rộng trong ngành điện nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất điện và thúc đẩy tăng công suất phát điện mới từ các nguồn năng lượng mặt trời, gió, khí đốt và lưu trữ pin. Ông cũng tin tưởng dù tình trạng thiếu điện vẫn là thách thức trong ngắn hạn nhưng mức độ nghiêm trọng sẽ giảm khi các sáng kiến công bố gần đây bắt đầu phát huy tác dụng.

Một trong những cải cách đang thực hiện liên quan đến chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực sản xuất điện. Cải cách này cùng với các biện pháp hợp lý hóa các quy trình quản lý giúp gia tăng các dự án mới song song với nhiều dự án được cam kết trước đó, hứa hẹn bổ sung hơn 10.000 MW cho lưới điện quốc gia.

Nam Phi còn đưa ra các ưu đãi thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời trên mái nhà và một vài thành phố đang tận dụng những thay đổi về cách quản lý để tự đứng ra mua điện độc lập. Thông qua chương trình năng lượng tái tạo, nước này đã ký các thỏa thuận cung cấp gần 2.800 MW, với một số dự án lớn đang xây dựng và những dự án khác sắp đạt được thỏa thuận về tài chính.

Ấn Độ chưa thể bỏ hẳn điện than

Giới chức cùng giới nghiên cứu Ấn Độ cho rằng nước này chưa thể bỏ hẳn điện than vì năng lượng tái tạo vẫn chưa ổn định và đáng tin cậy, nhất là trong mùa nóng hiện nay.

Ông Kapil Mohan, quan chức cấp cao trong lĩnh vực năng lượng tại Karnataka - bang dẫn đầu tại Ấn Độ về chuyển đổi năng lượng, được coi là hình mẫu cho các địa phương khác tại Ấn Độ noi theo - cho biết: “Trong lĩnh vực năng lượng, sự phụ thuộc của chúng tôi đối với nhiên liệu hóa thạch sẽ không giảm đột ngột. Lượng điện dư thừa không cố định và chúng tôi cần cung cấp năng lượng suốt ngày đêm”. Theo ông Mohan, Ấn Độ cần tăng cường khả năng lưu trữ năng lượng sạch để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

“Năng lượng tái tạo chiếm 48% tổng nguồn cung năng lượng tại Karnataka. Khi khả năng lưu trữ năng lượng tăng lên, sự phụ thuộc vào than - thứ được coi là một nguồn tài nguyên linh hoạt - sẽ giảm xuống”, bà Saloni Sachdeva Michael, chuyên gia về năng lượng tại Viện Kinh tế và Phân tích Tài chính Năng lượng (IEEFA) nói. Tuy vậy, bà cũng chỉ ra địa phương này sẽ vẫn cần đến than trong tương lai gần do nguồn cung năng lượng tái tạo chưa ổn định. “Chúng ta chưa thể đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện. Đây sẽ là sự chuyển dịch dần dần”, bà Michael nói.

BP mua 27% cổ phần từ Shell tại dự án khí đốt ở Australia

Tập đoàn dầu khí BP đã đồng ý mua 27% cổ phần của tập đoàn đối thủ là Shell tại dự án khí đốt Browse ở Australia, nâng số vốn tại nguồn khí đốt chưa khai thác lớn nhất nước này, một động thái có thể cải thiện triển vọng phát triển của dự án.

Nếu thỏa thuận được hoàn tất, BP sẽ tăng cổ phần tại Browse lên 44%, vượt công ty vận hành là Woodside Energy Group, với 30,3% cổ phần. Woodside, BP và Shell cũng đều là cổ đông của nhà máy North West Shelf. Theo người phát ngôn của BP, việc phát triển dự án Browse sẽ đóng góp đáng kể vào an ninh năng lượng của Australia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dự án Browse với vốn đầu tư ước tính 20,5 tỷ USD bị nằm trên giấy trong nhiều năm nhưng hiện được xem là sự thay thế cho các mỏ khí đốt lâu năm trong việc cung cấp cho nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) North West Shelf. Việc triển khai dự án Browse sẽ kéo dài hoạt động của nhà máy North West Shelf thêm nhiều thập niên, góp phần đáp ứng nhu cầu LNG của các đối tác thương mại lớn nhất của Australia như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-3042023-683849.html