Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/4/2023

Xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3; Châu Phi, Trung Đông ồ ạt mua khí dầu mỏ hóa lỏng của Nga; Khu vực Nam và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhất khi OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 7/4/2023.

Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những khách hàng mua dầu lớn của Nga. Ảnh: Reuters

Gắn biển công trình trạm biến áp 500kV Vân Phong tại Khánh Hòa

Ngày 7/4, tại Khánh Hòa, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức gắn biển công trình “Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối”.

Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối có quy mô chính gồm lắp đặt mới 2 máy biến áp 900MVA; 6 ngăn xuất tuyến 500kV; 13 ngăn xuất tuyến 220kV. Xây dựng tuyến đường dây 220kV đấu nối dài 26,1 km từ TBA 500kV Vân Phong đến TBA 220kV Vân Phong và đấu nối vào 1 mạch của đường dây 220kV Vân Phong - Tuy Hòa. Dự án được khởi công tháng 9/2021, hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành ngày 28/11/2022, vượt trước tiến độ so với yêu cầu đặt ra.

Việc đóng điện dự án đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho phụ tải khu vực tỉnh Khánh Hòa và các tỉnh lân cận; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm vùng duyên hải Nam Trung Bộ; Giải tỏa công suất của nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và công suất của các nhà máy điện năng lượng tái tạo của khu vực.

Xuất khẩu sản phẩm dầu của Nga đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3

Báo Vedomosti ngày 5/4 dẫn dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Kpler cho biết, các công ty dầu mỏ Nga đã tăng xuất khẩu các sản phẩm dầu qua đường biển thêm 31,2%, lên 3,13 triệu thùng mỗi ngày vào tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức cao nhất mọi thời đại tính theo tháng. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận vào tháng 2/2022 là 3,1 triệu thùng/ngày. Sau khi bị trừng phạt, các công ty Nga đã buộc phải chuyển hướng xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu sang các thị trường khác thay vì Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ.

Kết quả là, Ấn Độ và Trung Quốc trở thành những khách hàng mua dầu lớn. Chuyên gia quản lý tại Trung tâm Giám định và Phân tích PSB Ekaterina Krylova (Nga) lưu ý rằng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm dầu của Moskva.

Châu Phi, Trung Đông ồ ạt mua khí dầu mỏ hóa lỏng của Nga

Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu có nguồn gốc từ Nga từ ngày 5/2 nhưng LPG không bị cấm. Tuy nhiên, nhiều người mua EU đã cắt giảm mua LPG từ Nga để loại bỏ mọi rủi ro có thể xảy ra. Suốt 3 tháng qua, Sibur, nhà sản xuất và xuất khẩu khí hóa lỏng (LPG) lớn nhất ở Nga, đã chuyển hướng xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông và châu Á.

Trong quý I/2023, việc vận chuyển LPG của công ty từ cảng Ust-Luga (Nga) đến các nước EU và Anh đã giảm khoảng 14-15%, tương đương 33.000 tấn, so với 82%, tương đương 194.000 tấn, một năm trước đó, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu theo dõi tàu.

Ở chiều ngược lại, các chuyến hàng của hãng đến châu Phi, Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 85-86%, tương đương 192.000 tấn, trong tổng số các chuyến hàng lên tới 225.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2022, các quốc gia bên ngoài EU và Anh chỉ nhập khẩu khoảng 18%, tương đương 43.000 tấn LPG được vận chuyển từ Ust-Luga.

Khu vực Nam và Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhất khi OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu

Về việc cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), ông Pavel Molchanov, Giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James cho biết: “Đó là thuế đối với mọi nền kinh tế nhập khẩu dầu mỏ. Không phải Mỹ sẽ cảm thấy đau đớn nhất khi giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng, mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp...".

Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC+ sẽ bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm 2023. Cả Saudi Arabia và Nga sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay. UAE, Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt tuyên bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày. Theo các chuyên gia, quyết định bất ngờ của các quốc gia nói trên có thể khiến giá dầu tăng vọt lên 100 USD/thùng.

Theo ông Henning Gloystein, Giám đốc của Eurasia Group, khu khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là những nước có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu cao và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng sơ cấp. Điều đó có nghĩa là các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp nặng siêu phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-thi-truong-nang-luong-ngay-742023-682223.html