Nhịp giảm trở lại sau một thập kỷ khiến VN-Index 'bay' 22% vốn hóa

Thị trường chứng khoán đã điều chỉnh xuống suốt sáu tuần liên tiếp, quay lại nhịp giảm từ trong giai đoạn cuối năm 2011, khiến VN-Index mất 22% giá trị vốn hóa đồng thời VN30 giảm 21% số điểm.

VN-Index lao dốc và mất hơn 146 điểm trong tuần. (Ảnh: Vietnam+)

VN-Index lao dốc và mất hơn 146 điểm trong tuần. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường chứng khoán ghi nhận tuần thứ sáu giảm điểm liên tiếp với mức “chiết khấu” rất mạnh đồng thời thanh khoản duy trì dưới mức trung bình.

VN-Index giảm 146 điểm trong tuần

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index lao dốc và chấp nhận “tuột tay” 146,49 điểm (-11%), rơi xuống mức 1.182,77 điểm. Mặt khác, HNX-Index cũng không kém cạnh khi “bốc hơi” đến 41,07 điểm (-12%) và về 302,39 điểm.

Như vậy, thị trường chứng khoán đã đi xuống trong 3/5 phiên giao dịch với mức giảm rất mạnh từ 4,5%-4,8% giá trị vốn hóa/phiên và hồi phục nhẹ trong hai phiên giao dịch vào thứ Ba và thứ Tư.

Ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (HSH) cho biết đã rất lâu và chính xác là hơn 10 năm trước (lần cuối là giai đoạn cuối năm 2011), thị trường chứng kiến một nhịp giảm với sáu tuần liên tiếp. Với đợt điều chỉnh này, VN-Index đã bay mất hơn 22% giá trị vốn hóa toàn thị trường đồng thời chỉ số VN30 cũng giảm hơn 21% số điểm sau 6 tuần.

Diễn biến chung trong tuần, nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu đã làm các nhà đầu tư thất vọng nhất khi dẫn đầu thị trường giảm 16,6% giá trị vốn hóa, các cổ phiếu tiêu biểu như HPG (-14,1%), HSG (-18,3%), NKG (-20%), DGC (-20,6%), DPM (-22,3%), DCM (-21,6%)...

Kế đến, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí cũng lấy đi của các nhà đầu tư hơn 15,7% giá trị vốn hóa, trong đó phải kể đến OIL (-12,7%), BSR (-14%), PVD (-13,6%), PVS (-4,5%)... Cùng trong xu thế, các nhóm cổ phiếu ngành công nghiệp (-13,1%), dịch vụ tiêu dùng (-11,6%), hàng tiêu dùng (-10,6%)… đều có mức giảm mạnh trên 10% giá trị vốn hóa.

(Nguồn: SHS)

Riêng, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng ghi nhận mức sụt giảm 12% giá trị vốn hóa và khiến cho thị trường mất đi trụ đỡ quan trọng, có thể kể đến VCB (-8,1%), CTG (-11,5%), BID (-14,1%), VPB (-15,1%), MBB (-13,9%), TCB (-18,6%), VPB (-15,1%), ACB (-11,3%), SHB (-17,4%)...

Khối ngoại mua ròng 2.000 tỷ đồng

Về thanh khoản, giá trị giao dịch trên HoSE đạt 84.217 tỷ đồng/tuần (tương ứng 3.132 triệu cổ phiếu). Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên HNX đạt 8.289 tỷ đồng và tăng 71% (tương ứng 406 triệu cổ phiếu và tăng 93%).

Tuy nhiên, ông Thắng chỉ ra trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài ròng khá mạnh trên cả hai sàn với giá trị đạt gần 2.000 tỷ đồng.

“Xét theo khối lượng ròng, mã FUEVFVND được khối ngoại mua nhiều nhất với 23,7 triệu chứng chỉ quỹ, kế đến là mã CTG với 6,1 triệu cổ phiếu và mã NLG là 2,6 triệu cổ phiếu,” ông Thắng chia sẻ.

Ngoài ra, ông Thắng cho hay trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở từ 1 đến 7 điểm, điều này cho thấy các nhà đầu tư đang nghiêng về khả năng thị trường sẽ đi ngang hoặc phục hồi nhẹ từ

Theo ông Thắng, sau sáu tuần điều chỉnh xuống liên tiếp, định giá của thị trường đã về mức rất hấp dẫn với P/E của VN-Index khoảng gần 13 lần và P/E của VN30 là khoảng hơn 12 lần.

“Cả hai mức trên đều đang thấp hơn ngưỡng trung bình của 5 năm gần nhất và nếu tính theo P/E kỳ vọng cho năm 2022, các mức định giá này đang trở nên hấp dẫn hơn. Do đó, đây có thể coi là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn theo trường phái đầu tư giá trị,” ông Thắng trao đổi.

Từ góc độ kỹ thuật, ông Thắng nhận định VN-Index dường như đang gần được mục tiêu của sóng điều chỉnh và theo lý thuyết là ngưỡng 1.200 điểm.

Tuy nhiên với quan điểm thận trọng, ông Thắng cho rằng nếu diễn biến thị trường trở nên tiêu cực hơn, VN-Index có thể sẽ bị đẩy lùi những ngưỡng hỗ trợ sâu hơn và gần nhất là ngưỡng 1.100 điểm.

Dự báo xu thế thị trường trong tuần giao dịch ngày 16-20/5, ông Thắng cho rằng khả năng bên mua và bên bán sẽ trở nên cân bằng nhau hơn do thị trường đã giảm về vùng mục tiêu của sóng điều chỉnh đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ có tuần hồi phục sau sáu tuần giảm liên tiếp.

Với việc kết hợp giữa định giá thị trường và góc nhìn kỹ thuật, nhóm phân tích của SHS khuyến nghị vùng 1.000-1.200 điểm tương ứng với P/E của VN-Index trong khoảng 11-13 lần sẽ là vùng hấp dẫn để giải ngân cho tầm nhìn dài hạn./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nhip-giam-tro-lai-sau-mot-thap-ky-khien-vnindex-bay-22-von-hoa/790193.vnp