NHNN đấu thầu vàng SJC: Bán ra bao nhiêu, nhập khẩu bao nhiêu sẽ cần tính kỹ

'Tôi đánh giá cao lần thực hiện đấu thầu vàng thứ nhất vì nó hỗ trợ hệ thống ngân hàng rất tốt trong việc cân bằng trạng thái', theo CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn. Nhưng lần này, giá vàng thế giới rõ ràng đang ở trong một chu kỳ hoàn toàn khác. Các chuyên gia cho rằng việc NHNN sẽ đưa ra thị trường vàng bao nhiêu từ nguồn dự trữ, hay nhập khẩu thêm bao nhiêu…sẽ là điều cần tính toán cẩn trọng.

Sau phiên quay đầu giảm mạnh hôm 16/4 với thông tin NHNN chuẩn bị đấu thấu vàng miếng, mở phiên sáng 17/4, giá vàng miếng SJC quay về mức 83,8 triệu đồng/ lượng.

Cụ thể, sáng 17/4, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tăng nhẹ 100.000 đồng/ lượng so với thời điểm chốt phiên chiều qua ở cả chiều mua và bán, lên 81,8-83,8 triệu đồng/ lượng.

Tập đoàn DOJI giữ nguyên mức giá niêm yết vàng miếng SJC ở 81,8-83,8 triệu đồng/ lượng cho chiều mua vào - bán ra.

Do giá USD tăng mạnh lên gần 25.500 VND đổi 1 USD, giá vàng thế giới quy đổi cũng tăng cao tương ứng làm cho khoảng cách giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước được rút ngắn lại. Hiện giá vàng miếng SJC mua vào cao hơn thế giới khoảng 10,4 triệu đồng/ lượng và bán ra cao hơn khoảng 3,4 triệu đồng/ lượng.

Nhìn chung, theo những diễn biến giá vàng trong nước sáng 17/4, có vẻ như thị trường vẫn ngóng thêm thông tin liên quan đến việc đấu thầu vàng. Vấn đề được quan tâm nhất là liệu đấu thầu vàng miếng trong thời điểm hiện nay - khi mà diễn biến thị trường vàng thế giới đã rất khác thời điểm 2013 - có giúp hạ nhiệt giá vàng đáng kể, ổn định thị trường vàng hay không?

Sau 11 năm, NHNN lại tiến hành đấu thầu vàng miếng. Ảnh: Báo Chính phủ

Đấu thầu vàng miếng - 11 năm nhìn lại: “Thị trường vàng đang trong một chu kỳ rất khác”

Theo CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn, nhìn lại thời điểm 2013 - khi NHNN cũng tiến hành đấu thầu vàng với 76 phiên đấu thầu, bán thành công 1.819.900 lượng vàng tương đương 69,9 tấn vàng với giá xấp xỉ 3 tỷ USD - thì tị trường vàng hiện nay đang trong một chu kỳ rất khác.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, giai đoạn 2008-2012 là thời điểm trạng thái vàng toàn hệ thống ngân hàng âm do huy động vàng và bán ra nhưng chưa mua lại được do giá cao. Bởi vậy, khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng từ 28/3/2013-31/12/2013 trong giai đoạn vàng có xu hướng sụt giảm, thì việc mua vàng vào sẽ giúp các ngân hàng bù đắp trạng thái vàng âm do đã bán trước đó. Chính vì vậy, ở thời điểm 2013, NHNN tuyên bố mục tiêu đấu thầu vàng rất rõ ràng là tăng cung vàng.

Phó Thống đốc NHNN thời điểm đó là ông Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh “Thông qua việc đấu thầu, NHNN không nhằm mục tiêu kéo giá vàng xuống ngay lập tức để cân bằng với giá vàng thế giới, mà chúng tôi chủ yếu thực hiện việc tăng cung ra thị trường để qua đó giải quyết vấn đề nhu cầu vàng”.

“Tôi đánh giá cao lần thực hiện đấu thầu vàng thứ nhất vì nó hỗ trợ hệ thống ngân hàng rất tốt trong việc cân bằng trạng thái”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhận định.

So sánh với thời điểm hiện tại, ông Tuấn chỉ ra giá vàng thế giới đang ở trong một chu kỳ hoàn toàn khác với mức tăng đáng kể, và cần nói thêm rằng đà tăng này là ngoài tầm kiểm soát, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố từ địa chính trị đến động thái mua của nhiều NHTW lớn. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng trong nước đang không trong trạng thái vàng âm.

Thêm nữa, nếu như ở lần tiến hành đấu thầu vàng miếng trước đó, chỉ số sức mạnh đồng USD - DXY - chỉ ở khoảng 70-80, thì hiện tại chỉ số này lên tới 106 và vẫn có xu hướng tăng lên. Điều này hàm ý tác động tỷ giá khi nhập khẩu vàng ở thời điểm hiện tại là rất khác so với năm 2013.

Do đó, ông Tuấn cho rằng NHNN khi tiến hành đấu thầu vàng lần này sẽ phải có những tính toán, cân nhắc vô cùng cẩn trọng để ổn định cả thị trường vàng và vấn đề tỷ giá. “Thời điểm và hoàn cảnh đấu thầu hiện đã rất khác. Trước đó, năm 2013, khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng là thời điểm giá vàng thế giới liên tục đi xuống, tiến hành đấu thầu để các tổ chức tín dụng mua lại những gì đã bán, tức là điều chỉnh trạng thái vàng âm. Còn ở thời điểm hiện tại, giá vàng thế giới đang lên và không còn trạng thái vàng âm trong hệ thống ngân hàng thì hoàn cảnh đã rất khác rồi”.

Chỉ số DXY ở thời điểm hiện tại đã lên tới 106 điểm và còn có dấu hiệu tăng, điều này rất khác thời điểm khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng năm 2013. (Ảnh: AFA Capital)

"Chỉ là giải pháp ngắn hạn", "rất khó trả lời chính xác giá vàng sẽ xuống bao nhiêu sau khi đấu thầu"

Tại một Hội thảo mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa (Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia) nhận định, việc đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra tác động tâm lý nào đó ngắn hạn, trong khi giải pháp căn cơ và dài hạn cũng như gần hơn với thông lệ quốc tế phải là cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất kinh doanh vàng tự do và quản lý thông qua hàng rào hải quan điện tử.

Vị này lý giải chênh lệch lớn giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước đơn giản là do dòng thương mại bị cắt đứt. “Lâu nay chúng ta không nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước vẫn có. Mỗi năm, Việt Nam được sản xuất đâu đó khoảng 600 kg vàng, trong khi đó nhu cầu có thể là 50 tấn, theo Hội đồng vàng thế giới. Vậy để bù đắp nhu cầu mới có tình trạng nhập lậu hoặc tăng giá vàng trong nước lên, đó là chuyện đương nhiên”, TS Nghĩa cho hay.

Theo ông, đấu thầu vàng miếng không phải là giải pháp căn cơ để xóa bỏ chênh lệch giá vàng, mà nên dùng các biện pháp thương mại như cho phép một số công ty kinh doanh vàng có đủ điều kiện tự xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng miếng và vàng trang sức trong khi Chính phủ sẽ quản lý qua công cụ mạnh nhất là thuế. “Hải quan Việt Nam bây giờ đã là hải quan điện tử, vì vậy có thể quản lý rất chặt chẽ, rất tốt về hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Tốt hơn là dùng hóa đơn điện tử để minh bạch việc kinh doanh vàng”.

Còn theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chứng khoán CSI, việc NHNN đấu thầu vàng miếng về cơ chế là cung ứng vàng ra thị trường, đồng nghĩa với hút VND về. Đây có thể xem là một biện pháp thắt chặt tiền tệ, giúp thanh khoản bớt dư thừa và giảm sức ép cho tỷ giá USD/ VND; đồng thời làm giá vàng trong nước thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới.

“Tuy nhiên, rất khó để trả lời chính xác việc giá vàng có thể sẽ xuống mức bao nhiêu sau khi NHNN đấu thầu vàng miếng ra thị trường”, ông Kháng cho hay.

"Có thể lượng hóa khả năng nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá"

2 phương án cho NHNN khi tiến hành đấu thầu vàng là lấy từ nguồn dự trữ và nhập khẩu vàng.

Số liệu từ CEIC cho biết tính đến tháng 10/2023, Việt Nam có khoảng 650 triệu USD vàng dự trữ. Tính theo mức giá vàng thời điểm đó là 1.970 USD/oz thì con số này tương đương tổng lượng vàng dự trữ khoảng 10,3 tấn.

Việc NHNN sẽ đưa ra thị trường vàng bao nhiêu từ nguồn dự trữ, hay nhập khẩu thêm bao nhiêu… cũng được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến diễn biến thị trường tài chính nói chung.

Với phương án bán vàng dự trữ, ông Lưu Chí Kháng chỉ ra rằng hầu hết các NHTW phải duy trì lượng vàng dự trữ nhất định. Ông dự báo tỷ lệ vàng có khả năng chỉ rút về khoảng 0,5% dự trữ ngoại hối, tương đương lượng bán ra khoảng 2-2,4 tấn, và con số như vậy không đáng kể so với nhu cầu nắm giữ của người dân trong cơn sốt vàng. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng sẽ cần lưu ý đến tác động của nó với thị trường ngoại hối trong nước, cụ thể là áp lực tỷ giá.

Cũng lưu ý về vấn đề áp lực tỷ giá nếu nhập khẩu vàng, CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn chỉ ra rằng nếu nhập khẩu vàng, NHNN cần dùng USD, khi đó dự trữ ngoại hối (hiện ước ông Tuấn ước tính khoảng 95 tỷ USD) sẽ giảm và sức ép tỷ giá sẽ tăng. Thực tế, ngay sau thông tin về đấu thầu vàng, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các NHTM đã vượt 25.000 đồng, tỷ giá trên thị trường tự do thậm chí còn cao hơn.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh quan điểm của mình là “không thiên về hướng lấy vàng dự trữ ra bán, bởi trong giai đoạn này chúng ta đều thấy các NHTW trên thế giới đang mua thêm vàng, đặc biệt là Trung Quốc”.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam (Ảnh: AFA Capital)

Đồng quan điểm này, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng theo ông, Việt Nam nên nghiên cứu mua vàng dự trữ hơn là mang vàng dự trữ ra đấu thầu để bình ổn thị trường, bởi xu hướng chung cũng như điều tác động lớn nhất đến việc giá vàng thế giới liên tục tăng thời gian qua là do các NHTW mua để dự trữ.

“Điều mà rất nhiều người lo là nếu cho xuất nhập khẩu vàng bình thường thì lấy đâu ra ngoại tệ. Thực tế, buôn lậu vàng cũng phải lấy ngoại tệ từ Việt Nam. Thứ hai, khối lượng ngoại tệ sử dụng để nhập khẩu vàng đáng bao nhiêu đâu. Chúng tôi tính toán giỏi lắm khoảng 3 tỷ USD, so với hàng chục tỷ USD nhập khẩu xăng dầu và các nguyên liệu khác thì không có ý nghĩa gì”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo TS. Nguyễn Hữu Huân (ĐH Kinh Tế TP HCM) trao đổi trên VTVMoney: “Nếu lượng hóa nhu cầu vàng hiện tại trong dân thì sẽ rất khó, nhưng có thể lượng hóa khả năng nhập khẩu bao nhiêu để không bị ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá. Chẳng hạn có thể nhập khẩu một lượng đâu đó khoảng 10% so với thặng dư cán cân thanh toán, thì theo tôi con số này là phù hợp và không ảnh hưởng quá nhiều đến tỷ giá”.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhnn-dau-thau-vang-sjc-ban-ra-bao-nhieu-nhap-khau-bao-nhieu-se-can-tinh-ky.html