Nhớ 'cây vĩ cầm' đã đi xa

Trong dàn nhạc giao hưởng, cây vĩ cầm bao giờ cũng được chia thành hai bè: vĩ cầm số 1 và vĩ cầm số 2. Cây vĩ cầm số 1 như đã được biết thường chơi bè chính của dàn nhạc. Còn 'cây vĩ cầm số 2' là điều mà Nhà báo lão thành Phan Quang dùng để khái quát cuộc đời bậc đàn anh của ông mà nay nếu còn trên cõi đời cũng vừa tròn trăm tuổi. Đó là Nhà báo Nguyễn Thành Lê.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê trước hết là một chính khách, từng ở những cương vị cao cấp của Đảng và Nhà nước: Đại biểu Quốc hội, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại T.Ư, Ủy viên Hội đồng Nhà nước. Trong lĩnh vực báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam, ông từng là Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa I và II), lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí hàng đầu của Việt Nam như Báo Giải Phóng, Báo Độc Lập, Báo Nhân Dân, Báo Cứu Quốc. Một cây bút chính luận sắc bén hàng đầu của làng báo Việt Nam ở đúng thời điểm khi mà chính nghĩa, tinh thần Việt Nam cần tỏa sáng, chắp cánh bay xa.

Ông Nguyễn Thành Lê (thứ ba từ trái sang, hàng sau) tại một cuộc họp báo của Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dân chủ cộng hòa Xuân Thủy tại Hội nghị Paris

Có lẽ một trong những điều đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời nhà chính trị - Nhà báo Nguyễn Thành Lê là được có mặt ở những sự kiện thời điểm mang tính đầu tiên: Ông là một trong số rất ít nhà báo được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để tham gia vận động thành lập Hội Nhà báo Việt Nam từ chiến khu Việt Bắc; tham dự hội nghị đầu tiên các nước Á - Phi tại Indonesia năm 1955, đặt nền móng cho Phong trào các nước không liên kết; nhà báo đầu tiên và cũng là duy nhất đảm nhiệm cương vị Người phát ngôn của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam trong suốt 5 năm từ 1968 cho đến năm 1973.

Đây cũng là khoảng thời gian mà tài năng, trí tuệ của Nhà báo, nhà chính trị Nguyễn Thành Lê đạt đến độ thăng hoa. Bên cạnh những nhà chính trị - nhà ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi đó như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Cơ Thạch, Hà Văn Lâu cùng nhiều người khác, báo chí cách mạng Việt Nam vinh dự có Nhà báo Nguyễn Thành Lê đóng vai trò người phát ngôn từ buổi đầu đàm phán cho đến khi Hiệp định Paris chính thức được ký kết.

Ông Nguyễn Thành Lê - người phát ngôn của Đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris

Nhà báo lão thành Hà Đăng - người có mặt trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm tháng đó - nhớ lại, suốt 5 năm liền, báo chí thế giới quan tâm đến Nhà báo Nguyễn Thành Lê với những tình cảm đặc biệt. Tình cảm đặc biệt đó được dành cho những phát ngôn của ông, vừa nghiêm túc lại vừa trang nhã, lịch thiệp, nói có văn hóa, nói và bình luận những vấn đề thời sự hóc búa của Hội nghị Paris luôn xen lẫn với những chuyện lịch sử, ca dao, tục ngữ, ngụ ngôn của Việt Nam.

Những điều này được thể hiện đặc biệt rõ tại trên 500 cuộc họp báo, hơn 1.000 cuộc trả lời phỏng vấn của hàng trăm nhà báo sừng sỏ, phần đông thiện chí nhưng cũng có không ít kẻ lợi dụng báo chí để bóp méo sự thật, xuyên tạc lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người phát ngôn Nguyễn Thành Lê luôn từ tốn nhưng sắc sảo để vừa làm sáng tỏ những quan điểm chính nghĩa và cũng sẵn sàng để đập tan những quan điểm sai trái và có cả khiêu khích ngay trong thời gian họp báo.

Ở đây “nghiệp” báo chí và “nghiệp” ngoại giao của ông Nguyễn Thành Lê đã hội tụ làm một.

Nhà báo Thuận Hữu - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nhận định, đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thành Lê thực sự là một điển hình cần học tập trên nhiều phương diện.

Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cũng là dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhà báo Nguyễn Thành Lê, ôn lại, suy ngẫm, học tập từ cuộc đời ông chính là cách tri ân với một tên tuổi tiền bối của báo chí cách mạng Việt Nam.

Quỳnh Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nho-cay-vi-cam-da-di-xa-139165.html