Nhớ chuyến xe lam chiều

Một năm, chúng ta phải đợi chờ đến 365 hoặc 366 ngày thì mới được gặp lại mùa xuân, được gặp lại tết. Chứ không phải hễ cứ 'muốn' là chạy ra đứng giữa trời 'hú' lên một cái là xuân đến, là tết về được. Và khi xuân đến tết về thì gieo bao nhiêu thương nhớ. Tết chỉ ở chơi với chúng ta cũng chỉ vài ba bữa rồi đi, mà để lại biết bao mong chờ, chứ đâu ai có thể nắm tay mà giữ tết ở chơi hoài được. Bởi vậy tết đối với mỗi chúng ta rất đỗi diệu kỳ và thiêng liêng.

Chúng ta có bao nhiêu tuổi thì chắc cũng sẽ có chừng ấy kỷ niệm với mùa xuân, với tết. Riêng tôi, dễ chừng cũng đã có gần 50 năm buồn vui với tết rồi. Nhưng thật tình mà nói, khó có thể nào quên tết của ngày xưa mà bây giờ mỗi lần hàn huyên cùng với người thân, bạn bè hay kể chuyện với con cháu, chúng tôi thường hay bắt đầu bằng cụm từ “hồi đó…”.

Tôi nhớ hồi đó, thời những năm tám mươi mấy, chín mươi, thời mà cái việc vận chuyển đi lại vô cùng khó khăn, đâu có được nườm nượp xe gắn máy như bây giờ. Những chuyến xe chiều cuối năm luôn là hình ảnh gợi nhớ nhất. Đón xe, đợi xe, những chuyến xe đò chất đầy người, chất đầy hàng hóa sẽ còn đầy mãi trong ký ức của nhiều người như chúng tôi. Hình ảnh chiếc xe lam cũ kỹ trên mui chất đầy đồ đạc, trong thùng xe thì đèo không biết bao nhiêu là người ta, nhưng cứ hễ có khách đón là ngừng rước hết.

Mỗi chiếc xe lam bình thường có tấm sắt ở sau thùng xe máng vào hai sợi xích để dễ dàng hạ xuống khi đón khách và bật lên khi xe chạy để bảo vệ hành khách trên xe. Vậy mà những ngày cuối năm, tấm sắt này được hạ xuống làm phương tiện để rước thêm vài hành khách đứng cả trên đó sau khi trong thùng xe không còn chỗ để nhét thêm một người nào nữa. Vậy mà cả bác tài và hành khách đều rất rộng lòng, không ai phàn nàn hay cằn nhằn một tiếng nào cả. Chắc có lẽ ai cũng muốn được mau lẹ về đến nhà mà thôi, vì “tết đến nơi rồi”.

Và trên những chuyến xe chiều cuối năm ấy, người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh rất đỗi thương quen. Là những người bà, người mẹ vừa tan buổi chợ cuối cùng, tay xách tay mang bao nhiêu là thứ cho tết đang chờ đợi ở nhà. Là những người đi làm ăn xa, ba lô, túi xách đựng đầy quà mang về biếu tặng ông bà, cha mẹ, người thân, niềm vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. Là những thanh niên, phụ nữ đủ thành phần. Có cả những người chẳng có gì cầm trong tay, trên mặt hằn sâu nét khốn khó, có lẽ vừa trải qua một năm làm ăn thua thiệt, thất bát?...

Tiếng nói, tiếng cười râm ran suốt hành trình. Trước lạ sau quen. Có những trường hợp còn nhận ra nhau bà con, hàng xóm bao nhiêu năm không gặp. Rồi đến cả những câu chuyện kể ra mọi người cùng cười ngất nhưng cũng có những câu chuyện nghe qua ai cũng rớt nước mắt vì thương, vì tội nghiệp.

Không hiểu sao tôi cứ thương nhớ những chuyến xe chiều cuối năm như vậy. Tôi ít hay bắt chuyện mà chỉ quan sát cảm nhận. Cái tiếng máy xe tạch tạch và màu khói xe, màu nắng chiều cuối năm nó miên man lắm. Nhất là những hàng cây, những ngôi nhà hai bên đường cứ lùi xa, lùi xa. Đôi lúc chúng lén lút lấy đi mất hồn vía của tôi. Để rồi tôi cứ miên man nhớ, miên man thương những tết của ngày xưa quá đỗi. Và cũng không lý giải được vì sao bài hát “Chuyến xe lam chiều” của Vinh Sử lại gần gũi đến như vậy.

Hồi đó, phương tiện đi lại khó khăn nên người ta ít đi du xuân, du lịch trong mấy ngày tết lắm. Hễ về đến nhà là quây quần, xúm xít bên nhau, thăm viếng bà con họ hàng, chòm xóm láng giềng. Suốt ba ngày tết có khi cả nhà chỉ quây quần bên chiếc radio đón nghe chương trình tết, vậy mà vui, mà ấm áp. Tôi không bỏ sót một chương trình nào, mê nhất vẫn là chương trình sân khấu truyền thanh. Bây giờ thỉnh thoảng nghe lại mấy tuồng cải lương cũ tôi như thấy cả một trời tuổi thơ bừng sống dậy.

Gia đình ngày xuân

Bạn nói tết hồi đó vui, tết bây giờ buồn. Nhìn qua nhìn lại vắng hoe. Thì phải rồi. Mùa xuân thì mỗi năm mỗi mới. Còn chúng ta mỗi năm thêm già đi. Tuổi trẻ bây giờ nó khác xưa là bởi cuộc sống hiện đại bây giờ nó khác. Xe gắn máy bây giờ dễ mua, dễ sắm hơn ngày xưa tích cóp lắm mới được chiếc xe đạp. Tụi nó còn tiến tới xe đời mới, xe bốn bánh gì gì nữa kìa. Đâu thể bắt tụi nó tết cứ ru rú trong nhà như tụi mình hồi đó được.

Rồi mỗi năm sẽ mỗi khác. Nhưng mỗi lần nghe “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa…” của nhạc sĩ Châu Kỳ cất lên đâu đó trong tiết trời cuối năm se lạnh, lòng tôi lại rộn ràng những khoắc khoải, chơi vơi như chuyến xe lam chiều không người lái. Miên man trôi về một miền xuân nào đó. Thật gần mà cũng thật xa xôi….

NGUYỄN THANH HẢI

Huyện Cái Bè – Tiền Giang

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nho-chuyen-xe-lam-chieu-post724280.html