Nhớ đồng chí Bí thư Khu ủy Tả Ngạn

Từ cuối năm 1950, tình hình địa bàn tả ngạn sông Hồng có rất nhiều khó khăn, do địch chiếm hoàn toàn khu vực Bắc Bộ. Tại cuộc họp bất thường, Ban Thường vụ Liên khu ủy 3 có nghị quyết về việc thành lập Ban cán sự Tả Ngạn.

Đồng chí Đỗ Mười được cử làm Bí thư Ban cán sự. Nhiệm vụ của Ban cán sự là thay mặt Liên khu ủy chỉ đạo trực tiếp các tỉnh, liên hệ với Trung ương để nhận chỉ thị và sự giúp đỡ của Trung ương. Ban cán sự có trách nhiệm thi hành mọi chủ trương, chính sách của Liên khu ủy...

Việc Liên khu ủy 3 quyết định thành lập Ban cán sự Tả Ngạn, đánh dấu bước ngoặt mới trong sự lãnh đạo của Đảng ở Khu Tả Ngạn sông Hồng; là bước chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập khu hành chính, quân sự Tả Ngạn; đồng thời chứng tỏ phong trào kháng chiến ở các tỉnh tả ngạn phát triển đến giai đoạn cần có sự lãnh đạo trực tiếp, nhanh chóng, cụ thể và hiệu quả hơn trước những âm mưu thủ đoạn ngày càng nham hiểm của kẻ thù trên mảnh đất này.

Ngày 24-5-1952, Trung ương Đảng ra Nghị quyết thành lập Khu Tả Ngạn sông Hồng, trực thuộc Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh. Ban Bí thư bổ nhiệm đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Khu ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính khu kiêm Chính ủy Bộ tư lệnh khu.

Tôi biết đồng chí Đỗ Mười trong suốt thời kỳ hoạt động ở Khu Tả Ngạn. Với trách nhiệm là Bí thư Khu ủy, đồng chí là nhà lãnh đạo có nhiều cá tính, mà ai có dịp quan hệ, tiếp xúc cũng đều nhận thấy. Đồng chí rất kiên cường, nhiệt tình, sôi nổi, chịu khó đi sâu, đi sát nắm chắc tình hình của chiến trường để phát hiện những diễn biến mới, từ đó đề nghị Khu ủy và Bộ tư lệnh khu thực hiện.

Ngay từ những ngày đầu về nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy Tả Ngạn, việc đầu tiên của đồng chí và Khu ủy là sắp xếp bộ máy và đội ngũ cán bộ, nhân viên, bảo đảm các ban, ngành của Đảng, chính, quân, dân đi vào nền nếp; vừa bắt tay vào củng cố vùng giải phóng, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích ở Tả Ngạn, vừa tích cực, tăng cường công tác chỉ đạo đấu tranh sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ.

Tuy đồng chí Đỗ Mười là nhà lãnh đạo chung của Khu ủy Tả Ngạn, nhưng đồng chí dành rất nhiều thời gian để lãnh đạo về mặt quân sự. Đồng chí nắm rất chắc phương châm tác chiến đánh du kích, như: Đánh chắc thắng, diệt được nhiều địch, nhưng phải bảo toàn lực lượng của ta; đánh liên tục, đánh nhỏ ăn chắc; đánh tê liệt giao thông của địch... Khi ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh, đồng chí Đỗ Mười đã ra một mệnh lệnh nổi tiếng cho các địa phương và đơn vị trong Khu Tả Ngạn và từng chiến trường, từng địa phương, từng đơn vị trong khu: “Căng địch ra, kéo lực lượng cơ động của địch về giam chân chúng lại, không cho chúng đưa nhiều lực lượng tả ngạn đi các chiến trường khác”.

Chấp hành mệnh lệnh đó, bộ đội Kiến An đã đánh sân bay Cát Bi, đốt cháy 59 máy bay địch; Trung đoàn 42 và Trung đoàn 50 cùng bộ đội địa phương các tỉnh trong khu liên tục tổng công kích Đường 5 và tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng làm ngừng trệ việc vận chuyển binh lính và phương tiện chiến tranh của địch hàng tuần lễ. Tổng công kích Đường 5 có ý nghĩa chiến lược: Tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, khai thông tuyến đường sông từ bắc sông Luộc đến nam sông Đuống, cầm chân binh đoàn chiến lược số 5 và số 8 của quân đội Pháp, làm cho chúng không vận chuyển được phương tiện chiến tranh từ Hải Phòng đi Hà Nội lên ứng cứu quân Pháp ở Điện Biện Phủ.

Tại các cuộc gặp với cán bộ, hay khi phát biểu ý kiến trong hội nghị, ai cũng nhận thấy nhiệt tình cách mạng của đồng chí Đỗ Mười. Đồng chí nói rất sôi nổi, rất hăng say, làm cho người nghe thấy hừng hực khí thế tiến công, phải khắc phục khó khăn, sửa chữa khuyết điểm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đôi khi, đồng chí nói gay gắt, nhưng tất cả anh em tiếp thu thoải mái, thực hiện nghiêm túc.

Đồng chí rất nhạy cảm chính trị. Trước một năm, đồng chí đã chuẩn bị cho Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Đồng chí giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 42, đơn vị chủ lực của Khu Tả Ngạn đi nghiên cứu thực địa để dùng sức mạnh tiêu diệt vị trí ở Khuể, là chi khu do tiểu đoàn Pháp chiếm giữ, cùng với đại đội pháo 105mm, phòng ngự trong công sự kiên cố. Sau khi đi nghiên cứu kỹ tình hình về, gặp đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Khai (Phó bí thư Khu ủy), tôi báo cáo tình hình: Đây là một căn cứ chi khu rất mạnh, có công sự kiên cố, Trung đoàn 42 khó có thể đánh tiêu diệt được và đề nghị các đồng chí cân nhắc. Đồng chí Đỗ Mười trao đổi với đồng chí Khai và đi đến kết luận là thôi không dùng bộ đội chủ lực đánh địch và thực hiện phương châm “vào nhỏ ra to”, chỉ dùng bộ đội chủ lực đánh mở đường để bộ phận tập kích vào đánh sân bay Cát Bi.

Có thể thấy, đồng chí Đỗ Mười đã linh hoạt sử dụng lực lượng, không cần dùng lực lượng chủ lực vẫn đánh được địch. Phương châm của Khu ủy, đứng đầu là đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là bí mật, phân tán mà giành được thắng lợi rất lớn.

Đồng chí Đỗ Mười là người có tinh thần rất kiên định và lối sống rất trung thực. Trong hoàn cảnh rất ác liệt của Khu Tả Ngạn, ngày đêm địch hoành hành trắng trợn, cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, có cán bộ đã dao động, bỏ đất, bỏ dân chạy về vùng tự do, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Ban Thường vụ Khu ủy, các đồng chí trong Bộ tư lệnh khu kiên trì bám đất, bám dân suốt cuộc kháng chiến. Một hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi, khi được tin đồng chí bị cảm thương hàn, tôi đến thăm, đồng chí ngồi dậy nói chuyện với phong cách hết sức sôi nổi, nhiệt tình, với ý chí tiến công địch. Đồng chí trăn trở với câu hỏi làm sao để gây thiệt hại lớn cho địch và bảo toàn, phát triển lực lượng của ta? Hình ảnh đồng chí, với vóc dáng cao to, nhưng bị cảm thương hàn nặng, sức khỏe sút rất nhanh, trông rất thương tâm, nhưng nghĩ đến công việc vẫn sôi nổi, tinh thần cách mạng tiến công rất cao, đã khiến tôi và những cán bộ, chiến sĩ có ấn tượng không phai mờ về một chiến sĩ cộng sản kiên cường, vì sự nghiệp độc lập dân tộc và giải phóng Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội.

NGUYỄN TIỆP(*)

.....................

(*) nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50-Khu Tả Ngạn.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/nho-dong-chi-bi-thu-khu-uy-ta-ngan-551120