Nhớ đồng...

Có ai xa ruộng lúa thảo thơm, xa triền đê li ti hoa dại, xa những mùa cấy, mùa gặt mà không nhớ quê, nhớ đồng, nhớ khúc ca dao một thuở hát râm ran.

Ngày nhỏ, tôi thường đứng ở ngọn đồi phía sau làng và thích thú ngắm nhìn cánh đồng quê hương. Khung cảnh thênh thang, khoáng đạt với những thửa ruộng xanh mỡ màng, dòng sông quanh co bên những nếp nhà bình dị hiện ra trước mắt.

Cánh đồng quê hương thênh thang, khoáng đạt với những thửa ruộng xanh mỡ màng. Ảnh minh họa từ Internet

Giữa vi vút mênh mang nắng gió, tôi ước mình là cánh cò trắng thong dong, êm ả bay về phía vầng dương đỏ rực buổi chiều tàn. Ngọn gió đồng quê nô đùa trên làn tóc cháy nắng, tiếng chim trong trẻo rót vào tâm hồn khúc bình yên dào dạt. Có lẽ dòng chảy thao thiết, nồng nàn tình yêu quê nhà cũng bắt nguồn từ những khoảnh khắc như thế. Để rồi tất cả những chân quê, gần gũi ấy đã hóa thành tâm hồn, thổn thức bóng hình nguồn cội lúc đi xa…

Nhớ những sớm mai cùng bè bạn thuở ấu thơ tíu tít đến trường, chân sáo băng qua cánh đồng dìu dịu hương lúa. Nhớ những trưa tôi mang cơm cho mẹ gặt lúa ngoài đồng xa, vụng về đưa tay lau mồ hôi trên trán mẹ để rồi cười khúc khích như chú chim non, khi được mẹ âu yếm xoa đầu.

Chiều bình yên ở làng quê. Ảnh minh họa từ Internet

Những chiều ngồi trên chiếc thuyền nan xem cha giăng lưới ở ngã ba sông, nhánh sông lặng lờ chắt chiu dòng phù sa, bao dung gắn bó như máu thịt với người quê thật thà.

Bao đêm sáng trăng cuối mùa gặt, bên những gốc rạ còn sót lại và đệm rơm khô êm ái, đàn trẻ quê hòa mình bất tận trong những trò chơi ấu thơ. Để rồi mùi rạ rơm cứ quấn quýt, vương vấn mãi trên bước đường tha phương, như một niềm đau đáu, nhắc nhớ về mạch nguồn quê hương vẫn âm thầm chảy trong tâm hồn.

Nhắm mắt lại và lặng im để nỗi nhớ đồng mơn man, thấm đẫm, tôi thấy quanh mình là ăm ắp bóng hình ruộng lúa, bãi biền, vời vợi nghĩa tình muối mặn gừng cay. Chợt bùi ngùi thương quê những mùa hạn đất nẻ chân chim, tiếng thở dài của mẹ xa hút lẫn trong cái nắng rừng rực, rát bỏng.

Làng quê mùa gặt. Ảnh minh họa từ Internet

Cánh đồng quạnh hiu chỉ có triền cỏ khô xơ xác, tiếng lá xạc xào trong gió cũng trở nên khô khốc, xót xa. Cha ngồi bên ấm trà tỏa làn hơi trắng nao nao, nhìn theo những đụn khói cuối trời bay lên nghi ngút, ánh mắt người cũng xa xôi, mông lung bao nỗi niềm vô định. Dáng ngồi ấy một đời như bóng núi vững chãi, chở che, để tôi yên lòng tựa vào mà từng ngày khôn lớn.

Nỗi nhớ đồng dạt dào trong ký ức những mùa lũ tràn về. Đồng quê lênh đênh một màu trắng xóa, vài đám bèo thưa thớt trôi. Mưa dầm mải miết làm củi bị dột ướt, mẹ chật vật nhóm lửa mà chỉ thấy khói bùng lên giàn giụa.

Tôi ngồi nhìn biển nước mênh mông, bỗng nhớ những chiều cùng đám bạn quê lang thang nhặt trứng vịt đồng, vác cần trúc đi câu, hay đợi thủy triều xuống bì bõm lội sông mò cua, bắt cá. Cả xóm làng đùm bọc, đỡ đần, “tắt lửa tối đèn” cùng vượt qua mùa lũ.

Lũ tràn về, đồng quê lênh đênh một màu trắng xóa.

Những ngày đứng ngồi theo mực nước dâng, mỗi người dân quê cũng đã nhóm lên trong lòng nhau hơi ấm bình dị, san sẻ yêu thương, ngọt bùi. Nhớ đồng là nhớ về, là trân quý nghĩa tình gắn bó bền chặt của những người con quê hương. Và tôi cũng từ khung trời nghĩa tình nồng đượm ấy mà lớn lên, như cánh cò bay ra từ lời ru của mẹ, chở trên đôi cánh trắng giấc mơ quê nhà.

Có ai xa ruộng lúa thảo thơm, xa triền đê li ti hoa dại, xa những mùa cấy, mùa gặt mà không nhớ quê, nhớ đồng, nhớ khúc ca dao một thuở hát râm ran.

Tuổi trẻ với bao ấp ủ, tôi đã từng ao ước được đặt chân đến những chân trời mới lạ, được rong ruổi qua những cung đường thênh thang. Để rồi dừng chân ở một nơi xa hút xóm nhỏ êm đềm, lúc bắt gặp cánh chim lẻ đàn trong ánh chiều hoang hoải, bất giác thấy lòng mình trống vắng.

Có lẽ chỉ khi được trở về đồng quê, vỗ về tâm hồn bằng khoảng trời yêu thương da diết, trái tim mình mới được ủ ấm bởi bao điều thân thuộc từ lâu đã trở thành máu thịt. Khi nhớ thương trỗi dậy thôi thúc bước chân tìm về, cũng là lúc tâm trí chỉ có hình bóng của quê hương…

Trần Văn Thiên

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/nho-dong/189104.htm