Nhờ Giám đốc Sở xem điểm, con và cháu đỗ các trường top đầu

Sáng 17-10, HĐXX TAND tỉnh Sơn La tục phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La với phần xét hỏi những người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Trong số này có ông Phan Ngọc Sơn (Chánh thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La (tỉnh Sơn La), ông Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La) được xét hỏi với tư cách người làm chứng.

Ông Phan Ngọc Sơn là đồng nghiệp với bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La). Kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Sơn có con trai là T.M.H. dự thi nên không được phân công nhiệm vụ trong kỳ thi. Vì thế, ông Sơn nhờ bị cáo Yến xem điểm giúp cho con mình với mong muốn, con đủ điểm vào một trường đại học kinh tế.

Bị cáo Lò Văn Huynh.

Bị cáo Lò Văn Huynh.

“Tôi nhờ như vậy, nhưng anh Yến không thông tin lại cho tôi cháu được bao nhiêu điểm mà chỉ khi trang web công bố điểm thì tôi mới biết được”, ông Sơn nói. Kết quả con ông Sơn đỗ vào Đại học Kinh tế quốc dân với tổng 3 môn được 27 điểm.

Sau khi Bộ GD&ĐT chấm chấm thẩm định, con ông bị giảm 7,45 điểm và thí sinh này không học ở Đại học Kinh tế quốc dân nữa. HĐXX hỏi ông Sơn “Ngoài việc ông nhờ xem điểm cho con thì còn ông còn thông tin gì khác không?”. Ông Sơn trả lời “không còn thông tin gì khác”.

Nhân chứng Lê Trọng Bình khai trước tòa, ông quen biết với ông Nguyễn Ngọc Hà (Trưởng phòng Giáo dục trung học phố thông, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) và ông Nguyễn Minh Khoa (cán bộ Công an tỉnh Sơn La). Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, ông Bình có con là thí sinh L.T.T. và cháu ông là thí sinh L.T.B. tham gia. Sau kỳ thi, ông Bình nhờ ông Khoa xem điểm giúp cho con ông và nhờ ông Hà xem điểm giúp cho cháu ông.

Kết quả là cả con và cháu ông Bình đều trúng tuyến vào Học viện An ninh nhân dân. Nhưng sau khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, cả con và cháu ông Bình đều bị buộc thôi học do không đủ điểm trúng tuyển theo quy định.

Bị cáo Trần Xuân Yến.

Nhân chứng khác là ông Đỗ Kim Quang cho biết, ông là bạn thân của ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La). Năm 2018, con trai ông Quang tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia nên nhờ ông Đức xem trước kết quả thi để kịp thời thay đổi nguyện vọng. Kết quả, con ông Quang được 24,4 điểm. Sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, điểm của con ông Quang giảm còn 19 điểm. Trả lời HĐXX, ông Quang khai, không nhờ tác động vào bài thi của con mình.

Một nhân chứng khác là bà Nguyễn Thị Thúy, công tác tại Trường Đại học Tây Bắc và là đồng nghiệp với vợ ông Nguyễn Minh Khoa (Phó trưởng Phòng thuộc Công an tỉnh Sơn La). Quá trình xét xử vụ án này, ông Khoa được triệu tập với tư cách là nhân chứng.

HĐXX cho biết, trong thời gian diễn ra phiên tòa, ông Khoa dù có quyết định dẫn giải đến phiên xử nhưng không có mặt tại tòa, đã đi khỏi nơi cư trú. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, bà Thúy đã chuyển thông tin thí sinh Đ.H.H. cho ông Khoa để nhờ xem điểm trước. Khi HĐXX yêu cầu bà Thúy khai rõ về nội dung này, bà Thúy chối bỏ việc đã cung cấp thông tin thí sinh cho ông Khoa.

Nhưng kết quả điều tra thể hiện, ông Khoa đã chuyển thông tin thí sinh V.H.Đ. cho cấp dưới là bị cáo Đỗ Khắc Hưng (cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La), yêu cầu nâng môn Toán lên 9,0 điểm. Theo hồ sơ vụ án, chiều 29-6-2018, bị cáo Hưng đặt vấn đề và chuyển thông tin thí sinh V.H.Đ. cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) để sửa bài thi, nâng điểm. Sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định, thí sinh V.H.Đ. bị hạ 2,2 điểm môn Toán.

Cáo trạng xác định, ông Khoa đã nhận thông tin 5 thí sinh rồi chuyển cho các bị cáo: Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục-Sở GD&ĐT Sơn La), Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng (cựu Công an tỉnh Sơn La) để nhờ xem điểm trước và số thí sinh này đều được nâng điểm.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/ban-tin-113/nho-giam-doc-so-xem-diem-con-va-chau-do-hoc-vien-annd-566007/