Nhớ Hàng Đẫy

UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo về việc đầu tư xây dựng Tổ hợp thể thao Sân vận động Hà Nội phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31).

Ảnh Minh họa. Internet.

Đây cũng sẽ là địa điểm tổ chức các giải thi đấu thể thao, bóng đá chuyên nghiệp trong nước cấp thành phố và cấp quốc gia V-League… Tổ hợp mới có sức chứa 20.000 chỗ ngồi được xây dựng trên ô đất sân vận động hiện nay, rộng khoảng trên 23.400 m2, chiều cao 35 m, 4 tầng hầm liên thông trong khu vực lập dự án (2 tầng hầm bố trí thương mại dịch vụ, 2 tầng hầm làm bãi đỗ xe). Khu vực Nhà thi đấu đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, được xây dựng trên ô đất rộng 6.938 m2. Công trình cao 8 tầng, 1 tum (khoảng 35m) còn có chức năng kết hợp thương mại với văn phòng… Dự án dự kiến khởi công vào cuối năm 2018, hoàn thành vào năm 2021.

Vậy là sân vận động Hàng Đẫy sắp tới sẽ chỉ còn trong hoài niệm của nhiều thế hệ.

Bắt đầu được xây dựng từ năm 1937 với tên gọi là SEPTO, do Hội Thể dục Bắc Kỳ quản lý, năm 1958, sân được xây mới, đổi tên thành sân vận động Hàng Đẫy, rồi cải tạo, chỉnh trang và được gọi là sân vận động Hà Nội cho đến nay…

Bạn đọc hẳn sẽ thắc mắc vì sao có cái tên là lạ SEPTO? Năm 1934, khi Hà Nội được mở rộng về phía Nam, phần đất rộng 3 ha vốn thuộc sở hữu của Trường Thể dục Hà Nội (Socíeté d’ Education Physique-EDEP) bị thu hồi, chính quyền thành phố đền cho EDEP mảnh đất có diện tích tương tự nằm giữa làng Bích Câu và phố Hàng Đẫy cũ, vốn được gọi là “Bãi đá bóng Hàng Đẫy”.

Sáng lập EDEP là các ông Nguyễn Quý Toản, Bùi Đình Tịnh đã quyết định đổi tên Trường thành “Hội Thể dục Bắc Kỳ” (Socíeté d’ Education Physique du Tonkin, viết tắt là SEPTO) nhằm khuyến khích thanh thiếu niên Hà Nội tập luyện thể dục thể thao với lòng tự tôn “không để cho thực dân Pháp coi thường người Việt Nam ta”. Sân, vì thế, cũng được gọi là SEPTO, lúc ấy có quy mô khá khiêm tốn, chỉ 400 chỗ ngồi. Tuy vậy, không chỉ là nơi tổ chức những sự kiện thể dục thể thao trong nước và quốc tế, nơi đây từng chứng kiến những giờ phút lịch sử đặc biệt. Tháng 3/1946, trong lễ khai mạc khóa học đầu tiên của Trường Thể dục Hồ Chí Minh, Bác Hồ đã xuống sân đá trái bóng danh dự, khai mạc trận bóng đá đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hơn 12 năm sau, tháng 8/1958, Bác Hồ lại cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự lễ khánh thành sân vận động Hàng Đẫy khang trang hơn nhiều, được báo chí thời kỳ đó trìu mến gọi là “Đài hoa đẹp của đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội”.

Và, đáng nhớ hơn cả, ngày 15/5/1975, lễ mít tinh chào mừng chiến thắng 30/4/1975 đã được tổ chức ngay tại sân vận động này…

Không lâu nữa, trên nền đất xưa sẽ là một công trình mới với những trang sử mới. Nhớ lắm, sân vận động Hàng Đẫy của một thời.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nho-hang-day.aspx