Nhớ lại một thời khói lửa

'Xin được tri ân những đồng đội còn lại sau cuộc chiến và kính cẩn tưởng nhớ đến những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường Miền Đông Nam bộ…'. Đại sứ Trần Hải Hậu, từng là người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã viết như thế về đồng đội nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2018. Báo Thế Giới & Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết này.

Ngày 8/4/974, như thường lệ ba anh em trinh sát chúng tôi thuộc Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 7, được cử xuống khu vực thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình dương nắm tình hình địch.

Cơm nắm, nước uống, vũ khí gọn nhẹ sẵn sàng. Chúng tôi lên đường từ sáng sớm. Băng sình lầy, rừng cao su bỏ hoang, rừng rậm lúp xúp, sau 4 tiếng chúng tôi đến gần khu vực trinh sát. Tìm một bụi cây rậm, có vài cây cao chúng tôi quyết định chốt lại và thay nhau trèo cây lấy ống nhòm quan sát. Từ chỗ chúng tôi đến chốt địch khoảng hơn cây số.

Đại sứ Trần Hải Hậu chào từ biệt Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Singapore, tháng 12/2014.

Địch đi lại tấp nập. Thỉnh thoảng có đoàn xe tải ào đến rồi lại hối hả ra đi. Máy bay trực thăng phành phạch lượn vòng. Chiếc trực thăng hai cánh quạt Chinook nặng nề cẩu những khẩu pháo đến căn cứ. Cứ khoảng 15, 20 phút, một chiếc trực thăng “cá rô” quần đảo, lướt qua ngay sát lùm cây chúng tôi. Cây cối uốn rạp xuống như bị lốc xoáy. Tôi nhìn khá rõ tên phi công đang chăm chú quan sát xuống cánh rừng. Thỉnh thoảng ngứa tay, nó khạc ra một loạt đạn vu vơ. Cảm giác như nó đã phát hiện ra mình. Mỗi lần như vậy, chúng tôi tay đặt sẵn cò súng quyết sống mái nếu nó nhả đạn. Sau 3 tiếng quan sát, chúng tôi đã khá đủ các dữ liệu về hoạt động của căn cứ địch. Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi băng rừng hướng khác trở về đơn vị. Nếu đi theo đường cũ buổi sáng, nguy cơ sẽ bị biệt kích địch mai phục. Các nhóm biệt kích địch được tung ra để nắm tình hình vào buổi sáng, và chiều đến chúng co lại về căn cứ. Nếu phát hiện lối mòn bộ đội ta đi qua, chúng đặt mìn claymore, mai phục sẵn. Trước đó, Tiểu đội trưởng Hành của chúng tôi và một đồng đội nữa hy sinh trong hoàn cảnh như vậy.

Tưởng đi hướng này sẽ tránh được biệt kích địch, bỗng có tiếng rào rào rồi một loạt súng xả vào phía chúng tôi. Quá đột ngột, ba anh em tản ra các hướng khác nhau để phân tán địch nhưng rồi cũng bị lạc nhau từ lúc đó. Tôi chạy thục mạng hướng ra khoảng trống, cắt sang cánh rừng bên kia. Địch bắn M79 đuổi theo. Tôi dính mảnh đạn ở mông trái, nhưng thấy vẫn đi được. Một mình đang cắt rừng thì gặp một anh bộ đội địa phương, tên là Bến. Sau này được biết anh Bến quê huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà, thuộc biên chế Huyện đội Phú Giáo. Anh gặp biệt kích và lạc đồng đội trước đó. Là trinh sát nên tôi khá thông thạo địa hình này. Tôi tự tin chỉ anh Bến lách cây rừng đi tiếp. Phía sau tiếng súng vẫn nổ liên hồi. Đi khoảng nửa tiếng, bỗng một loạt súng nổ đanh gọn. Tôi thấy lạnh ở đùi trên. Người hụt hẫng. Sờ xuống chân thấy nong nóng. Tôi biết đã bị thương. Tôi xoay người, miết cò bắn một loạt đạn. Anh Bến biết tôi bị thương. Tôi lê được dăm bước và khụy xuống. Theo chỉ đường của tôi, anh Bến dìu tôi về đơn vị. Máu chảy nhiều, thấm ướt ngược lên vạt áo phải.

Không biết nghiêm trọng đến mức nào, nhưng tôi đã thấy rất đuối sức. Khu vực bị thương nằm ở phía Bắc lộ Phú Hưng thuộc Quận Phú giáo tỉnh Bình Dương. Sau một tiếng cắt rừng, chúng tôi về đến đơn vị. Ngất lịm và chỉ tỉnh lại khi anh em tải thương cáng tôi treo trên hai xe đạp đang hướng về bệnh viện tiền phương. Thỉnh thoảng cây rừng chọc vào lưng, đội người lên đau nhói. Trước khi lên cáng, trong lúc bất tỉnh, tôi đã được y tá tiểu đoàn sơ cứu và băng bó, cầm máu.

Ngất đi, tỉnh lại nhiều lần. Đầu óc mơ màng, vết thương hành hạ, không nhớ đã qua mấy ngày từ lúc bị thương. Sau này xem lại giấy tờ, biết được, lúc 2 giờ sáng ngày 11/4/1974 tôi nhập viện K11, thuộc Đoàn hậu cần 814. Bệnh viện nằm dưới cánh rừng già và ven con suối. Lần đầu tiên tôi thấy nhiều thương bệnh binh đến như vậy. Đặc biệt hôm đó, nhiều thương binh được chuyển đến từ mặt trận cầu sông Bé. Chúng tôi phải nằm dưới hầm tránh bom. Nằm cùng với tôi, có anh thương binh cùng quê Nam Hà. Anh ở huyện Xuân Trường. Anh bị trọng thương vào não rất nặng. Mùi cồn, thuốc sát trùng nồng nặc khắp căn hầm. Mầu trắng băng cuốn đầy người của cả hai. Ngay rạng sáng hôm đó, tôi được đưa lên bàn phẫu thuật, mổ cắt thịt bị rách. Vết thương được bác sỹ mô tả: “Vết thương chột gai chậu trước trên bên phải”. Một viên đạn bắn thẳng xuyên vào làm vỡ một mảnh gai chậu bên phải, xuyên sang phía sau. Phim chụp cho thấy mảnh đạn nhỏ lấm tấm tỏa ra thành hình quạt. Bác sỹ không gắp được mảnh đạn nào vì quá nhỏ. Sức tôi yếu đi nhanh chóng do mất máu kéo dài. Nhiều lúc thiếp đi cả ngày không biết gì. Đồng đội quê Xuân Trường bị thương sọ não được mang đi mổ não không thấy quay lại. Chỉ gặp nhau ít giờ đồng hồ, nhưng tôi thương anh vì cũng trẻ trung như mình. Sau phẫu thuật, chân tôi cứng đơ, không thể cử động. Tôi tự nhủ, không biết số phận mình sẽ ra sao, cuộc đời đi về đâu nếu thương tật cả đời. Ít nhất cũng có lý do tự an ủi là còn sống sót đến giờ, tuy bị thương nhưng còn chân, còn tay, không bị sọ não, còn nhìn thấy, còn nghe thấy.

Sau ít ngày, tôi đã uống được sữa rồi ăn cháo. Cháo cho thương binh được ưu tiên có thịt hộp. Thỉnh thoảng tôi nhờ y tá pha cốc nước đường uống lấy sức. Mỗi buổi sáng, sau khi tiêm kháng sinh là một vốc thuốc các loại. Khổ nhất là mấy anh thương binh chưa lành vết thương đã bị sốt rét ác tính. Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa bị cơn sốt rét nào. Tôi bị thương ở vị trí oái oăm rất khó băng bó và thay băng. Mỗi lần thay băng là mỗi lần đau đớn, nhưng tôi cố gắng chịu đựng không dám kêu ca gì. Chị y tá rất nhẹ nhàng, ân cần và chu đáo với thương binh. Với họ, làm việc không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình đồng đội. Họ đã chứng kiến biết bao thương binh nặng không thể qua khỏi, đã mãi mãi ra đi dưới các lán trại bệnh viện này.

Nằm bênh viện, tôi miên man nghĩ về bố mẹ và các em. Chắc chắn gia đình lo lắm, đã mấy năm không có tin tức gì. Bố mẹ không hề biết con mình đang nằm điều trị ở rừng Phước Long từ mấy tháng nay. Hình ảnh bố mẹ ấm áp, các em ruột cùng người thân và quang cảnh quê hương ùa vào trong tôi. Chiến tranh, giặc giã làm mỗi người một nơi, biền biệt tin nhau. Rồi cũng tự an ủi, hoàn cảnh mình còn may mắn vì chắc chắn còn sống sót đến giờ này. Nếu viên đạn lên hoặc xuống 1 cm thì hoặc vỡ xương chậu hoặc vỡ ổ bụng. Cả hai trường hợp đều có thể tử vong tại chỗ. Sau hơn một tháng, tôi đã bắt đầu tập đi lại. Chân co cứng do vết thương bị cắt nhiều cơ. Vết thương chột to cỡ đầu ngón tay, nhưng phẫu thuật phải mở vết thương rộng 8 cm đã làm chân tôi co lại. Ngoài vỡ gai xương chậu và tổn thương một phần cơ, có thể còn bị ảnh hưởng đến dây chằng.

Ngày 22/6/1974, sau hai tháng rưỡi nằm điều trị tôi được xuất viện. Trở về đơn vị, gặp lại anh em đồng đội cùng tiểu đoàn, tôi vui sướng và tràn ngập hạnh phúc. Nghĩ mình chân cẳng thế này chắc khó mà được ra mặt trận. Trung đội trinh sát sau vài tháng đã được bổ sung thêm nhiều lính mới. Mấy anh còn lại sau khi tôi bị thương cũng đã hy sinh trong mấy trận chiến đấu trước khi tôi xuất viện không lâu. Tôi biết các anh đều chưa vợ và chưa từng có bạn gái. Ngày 31/7/1974, dưới hầm của trung đội trinh sát, tôi được chi bộ Tiểu đoàn bộ D8, E209, F7 kết nạp vào Đảng.

Anh Lang Tấn Huỳnh và anh Nguyễn Đình Nhâm (Phó Bí thư chi bộ khối tiểu đoàn bộ) giới thiệu tôi vào Đảng. Sau đó không lâu, tôi bàng hoàng nhận được tin anh Huỳnh hy sinh. Do vết thương hoành hành, tôi được được gửi về tuyến sau an dưỡng trước khi trở về Miền Bắc.

Nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7/2018, xin được tri ân những đồng đội còn lại sau cuộc chiến và kính cẩn tưởng nhớ đến những đồng đội đã mãi mãi nằm lại chiến trường Miền Đông Nam bộ.

Đại sứ Trần Hải Hậu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/nho-la-i-mo-t-tho-i-kho-i-lu-a-75062.html