Nhớ lời Bác dạy: 'Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau'

Tháng 5 năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Bác Hồ, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mời ông Vũ Kỳ là thư ký lâu năm của Người đến nói chuyện với cán bộ khối cơ quan Bộ Tư lệnh về chủ đề Bác Hồ viết Di chúc. Tôi may mắn được tham dự sự kiện hiếm hoi ấy.

Ông Vũ Kỳ kể: Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc vào sáng ngày 10/5/1965, khoảng từ 9 giờ đến 10 giờ. Các ngày tiếp theo, cũng vào khoảng thời gian đó, Bác viết tiếp các phần còn lại, đến ngày 13/5/1965 thì hoàn thành bản Di chúc viết lần thứ nhất và giao cho Thư ký cất giữ. Từ đó đến khi qua đời, hằng năm, cứ đến ngày 10/5, Bác lại nhắc Thư ký đưa bản Di chúc cho Người chỉnh sửa, căn cứ vào tình hình đất nước và những vấn đề thực tiễn cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và huấn thị với Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I - ngày 17 tháng 10 năm 1963. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và huấn thị với Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I - ngày 17 tháng 10 năm 1963. Ảnh tư liệu.

Năm 1966, Bác bổ sung thêm phần nói về tự phê bình và phê bình trong Đảng, trong đó Bác nhấn mạnh: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Năm 1968, Bác viết thêm một số đoạn Về việc riêng và một số công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Năm 1969, Bác viết lại hầu như toàn bộ phần mở đầu của Di chúc…

Điều đặc biệt là mặc dù qua nhiều lần chỉnh sửa trong những năm cuối đời nhưng lần chỉnh sửa nào Bác cũng nêu vấn đề: “Trước hết nói về Đảng” với những lời căn dặn hết sức quan trọng, có ý nghĩa sống còn của Đảng và sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong bản chỉnh sửa tháng 5/1968, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân...”. Bác khẳng định: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền” và dành một đoạn tương đối dài để nói về trách nhiệm của Đảng, về sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.

Cho đến nay, tôi vẫn nhớ rành rọt từng lời khẳng định của ông Vũ Kỳ trong buổi nói chuyện hôm đó: “Nếu còn tại thế, chắc chắn ngày 10 tháng 5 năm nay (năm 1980-PV), Bác Hồ sẽ lại ngồi đọc lại bản Di chúc. Và chắc chắn điều mà Người quan tâm lưu ý nhất vẫn là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng”.

Lời khẳng định trên đây của ông Vũ Kỳ, người thư ký trung thành, tận tụy và là người đồng chí gần gũi lâu năm của Bác Hồ, theo tôi vẫn chính xác tuyệt đối đến hôm nay. Bởi thực tế ngày nay, công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, gắn liền với vận mệnh của đất nước và chế độ. Và cách tốt nhất để thực hiện những lời căn dặn hệ trọng và thiêng liêng trong Di chúc của Bác Hồ là ra sức làm tốt những điều chưa làm được theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 các khóa XI và XII của Đảng; Kết luận của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bắc Giang báo công dâng Bác tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên). Ảnh: Quốc Phương.

Xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái… là những vấn đề hệ trọng nhất hiện nay. Thời gian qua, nhiều tình huống phức tạp diễn ra, nhiều cách thức suy thoái nghiêm trọng đã bộc lộ, đã được phát hiện và Đảng đã chấp nhận những đau đớn để xử lý, rút ra những bài học đắt giá. Đảng nêu cao quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị để quyết làm cho Đảng thật trong sạch. Có trong sạch thì Đảng mới vững mạnh, mới được lòng dân, yên lòng dân để tiến lên.

Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay, đi đôi với kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo…, Đảng và Nhà nước ta chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị); đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương (Công điện 280 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/4/2023); chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm ở các ngành, địa phương các cấp hiện nay.

Việc đề ra yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung" chính là sự đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ của Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc…”. (Hồ Chí Minh toàn tập, HN.2011. tập 5, trang 319, 333).

Sáng tạo - đổi mới vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu vô cùng cao đẹp của Bác Hồ kính yêu. Đó là động lực thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới từ rất sớm, khi còn niên thiếu.

Sáng tạo-đổi mới vì lợi ích của đất nước, của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hy sinh, phấn đấu vô cùng cao đẹp của Bác Hồ kính yêu. Đó là động lực thôi thúc Người nung nấu tinh thần đổi mới từ rất sớm, khi còn niên thiếu. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, khi đất nước còn chìm đắm trong đêm trường nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đã quyết định đi tìm đường cứu nước với một hướng đi mới, một cách nhìn mới và cách thức hành động mới. Mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước và ý chí giải phóng dân tộc của các sĩ phu đương thời như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám… nhưng Người không tán thành con đường cứu nước bằng các chủ trương cải lương hoặc bạo động của họ.

Trên hành trình bôn ba hòa mình trong phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột, Người đã gặp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường đúng đắn nhất để cứu nước và giải phóng cho dân tộc. Đó là cuộc đổi mới vĩ đại đầu tiên của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng đổi mới-sáng tạo là bộ phận cơ bản cấu thành của tư tưởng Hồ Chí Minh. Thuật ngữ và tư tưởng đổi mới-sáng tạo được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ sớm trong tác phẩm “Đường kách mệnh” năm 1927; sau đó, được Người nhắc lại, làm rõ thêm trong nhiều bài viết, bài nói, nổi bật là trong các tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Đời sống mới (năm 1947), Dân vận (năm 1949); đặc biệt là trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc Người đi xa năm 1969. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng Việt Nam đã có nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Họ đã cùng tập thể lãnh đạo tạo nên những đột phá có tính “bước ngoặt” trong đời sống chính trị, KT-XH của đất nước, góp phần tạo nên tiềm lực và vị thế của đất nước hôm nay.

Thực trạng xã hội, thực tiễn cách mạng và kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua khiến chúng ta càng thấm thía vì sao Bác Hồ lại dành phần đầu tiên trong Di chúc để nói về Đảng. Mỗi hành động nêu gương của từng cán bộ, đảng viên là sự dẫn dắt quần chúng để tạo nên phong trào cách mạng rộng lớn trong từng thời kỳ lịch sử. Chính vì vậy, ngày nay, đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng; nêu cao tinh thần đổi mới-sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… là thiết thực phấn đấu để ngày càng có nhiều những cán bộ, đảng viên nêu gương “có gan phụ trách, có gan làm việc” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/405014/nho-loi-bac-day-phai-co-tinh-dong-chi-thuong-yeu-lan-nhau-.html