Nhớ mãi những kỷ niệm về Bác Đỗ Mười

Từ khi biết tin nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần, cùng với người dân cả nước, những người lao động làm việc tại tổng công ty Dệt - May Hà nội ( Hanosimex) vô cùng thương tiếc, xúc động. Bởi lúc sinh thời, nguyên Tổng Bí Thư rất quan tâm và nhiều lần về thăm đơn vị.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam. Được Nhà nước đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất từ năm 1984. Thời kỳ đầu, là một nhà máy chỉ chuyên sản xuất sợi. Sau đó, doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng, sản xuất hàng may mặc dệt kim. Sản lượng sản phẩm của doanh nghiệp không ngừng tăng qua từng thời kỳ. Chất lượng đảm bảo, dần chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thăm nhà máy kéo sợi 1 và làm việc tại Hanosimex ngày 29/3/1992.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười thăm nhà máy kéo sợi 1 và làm việc tại Hanosimex ngày 29/3/1992.

Với quy mô mở rộng, từ nhà máy sợi Hà Nội đã chuyển đổi sang mô hình xí nghiệp liên hợp, rồi chuyển thành mô hình Tổng công ty. Theo đà đi lên, doanh nghiệp không ngừng đổi mới, liên tục phát triển lớn mạnh.Tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 4500 người lao động (tính bình quân thời kỳ 1991- 19996). Những bước phát triển và thành tích của doanh nghiệp đã được các cơ quan Đảng và Nhà nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2005 được phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Đặc biệt, cố Tổng Bí Thư Đỗ Mười là người luôn theo sát hoạt động của Dệt May Hà nội. Bác Mười đã nhiều lần về thăm, định hướng và động viên đơn vị. Cán bộ, công nhân viên làm việc tại đây trong thời kỳ từ năm 1991 đến 1996. Tập thẻ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Công ty còn nhớ như in những lần được Bác Đỗ Mười về thăm.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười nghe đồng chí Đặng Vũ Chư, nguyên bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ và lãnh đạo Hanosimex giới thiệu về sản phẩm may của công ty.

Tình cảm đặc biệt Bác Đỗ Mười dành cho Hanosimex

Lần đầu tiên Bác Mười về thăm công ty là ngày 29 tháng 3-1992. Năm đó, đơn vị sản xuất được trên 6300 tấn sợi các loại và 1,2 triệu sản phẩm may dệt kim. Khi xuống thăm nhà máy sản xuất sợi, Bác xem rất kỹ máy móc, thiết bị, nguyên liệu và sản phẩm. Bác hỏi chuyện cán bộ đi cùng: máy chạy tốt không, bông mua của nước nào? sợi bán cho ai? Lương công nhân được bao nhiêu một tháng? Nộp ngân sách bao nhiêu? Sau khi thăm xưởng sản xuất, Bác lên phòng họp nói chuyện thân mật với cán bộ chủ chốt của xí nghiêp.

Bác nhắc nhở lãnh đạo và mọi người, đại ý "Muốn phát triển lớn mạnh hơn thì xí nghiệp của các đồng chí phải đầu tư thêm cơ sở sản xuất. Nghĩa là xây thêm nhà máy sản xuất thêm nhiều hàng may mặc. Mà đặc biệt, cần có kế hoạch cụ thể, thực hiện chủ trương công nghiệp hóa của Đảng". Hôm ấy là lần đầu tiên anh em chúng tôi được trực tiếp nghe vị tổng Bí Thư của Đảng nói chuyện, với bộ " Đại cán" xẫm mầu, thấy Bác Mười thật giản dị, đáng kính mà thật dễ gần. Bác trao đổi công việc mà như trò chuyện, giảng giải và khích lệ với những người thân trong gia đình.

Đôi lúc phòng họp lại rộ lên tiếng cười vui vẻ, ai cũng cảm thấy như không có khoảng cách giữa người đứng đầu cơ quan Đảng với những người cán bộ dưới cơ sở. Lúc ra khỏi phòng họp, đứng chụp ảnh lưu niệm, thấy một cán bộ có mái tóc bạc trắng, trông có vẻ già trước tuổi, bác vỗ vai bảo" Chú này đầu bạc hết cả rồi, sao không nghỉ hưu đi? Người được hỏi tỏ ra lúng túng, Bác vỗ vai bảo" Chắc tại máu xấu nên tóc bạc sớm chứ gì. Nhưng càng đầu bạc, càng cần làm khỏe hơn cho mấy cậu đầu xanh họ theo mình". Mọi người lại cười rất vui vẻ.

Lưu bút của Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trên tấm thiệp kèm lẵng hoa gửi chúc mừng 10 năm ngày thành lập Hanosimex (21/11/1984 - 21/11/1994).

Lần thứ hai Bác Đỗ Mười về thăm xí nghiệp vào năm 1994. Bác xuống xem xưởng dệt kim, thăm phòng kiểm tra chất lượng. Trên đường xuống xưởng, bác trò chuyện với mọi người Mặt bằng cây xanh ở đây rộng thế này, các cậu nên trồng thêm cây Sấu. Mai sau có quả, hái xuống cho nhà ăn nấu canh, làm nước uống cho công nhân thì tốt lắm."

Nghe Bác góp ý, xí nghiệp đã trồng thêm rặng cây Sấu, vừa có thêm bóng mát, đến mùa hè lại có quả, góp phần cải thiện bữa ăn giữa ca và nước chống nóng cho công nhân. Cũng dịp này, Bác trồng cây đa lưu niệm trong khuôn viên xí nghiệp. Còn nhớ, hôm đó trời khá lạnh, cô nhân viên phục vụ mải nhìn ngắm Bác Mười và mọi người trồng cây nên quên không pha nước ấm vào chậu nước rửa tay.

Bác rửa tay xong, vẫy cô nhân viên phục vụ lại nhắc khéo" Trời lạnh thế này mà cháu để mọi người rửa tay nước lạnh, như thế là phụ nữ chưa đảm đang đâu nhé! "Biết Bác nói vui, mọi người cùng cười. Riêng cô nhân viên phục vụ như con biết lỗi với Cha nên mặt đỏ nhừ, nói lý nhí" Vâng, cháu xin lỗi Bác ạ". Bác lại cười, bảo" Nói vậy thôi, tôi đâu có "quan cách". Như thế, càng thấy, nguyên Tổng bí thư của chúng ta rất mộc mạc, giản dị và ân tình.

Có lần, ông Phan Trọng Kính là trợ lý của Bác kể trên cơ quan, đôi khi Bác lại hỏi thăm tình hình hoạt động của xí nghiệp. Ông Kính cho biết, Bác rât vui khi được nghe báo cáo xí nghiệp nhiều lần được đón nhận phần thưởng cao quý của nhà nước ( trong đó có danh hiệu đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới) . Do bận công việc, Bác gửi thư và lẵng hoa động viên, chúc mừng.

Bác Đỗ Mười với nhà máy May Đông Mỹ

Thực hiện chủ trương công nghiệp hóa. Dệt May Hà Nội đã lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy May - Thêu hàng may mặc dệt kim. Với quy mô vừa phải, gọn nhẹ. Nghề dệt - may công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật khá cao, nhưng không quá khó, phù hợp với lao động tại địa phương. Dự án đã được cơ quan quản lý cấp trên và ủy ban nhân dân thành phố Hà nội phê duyệt.

Được lãnh đạo xã Đông Mỹ - huyện Thanh Trì ủng hộ, cho chuyển đổi diện tích 1ha đất canh tác nông nghiệp để làm nhà máy. Sau hơn một năm khẩn trương xây dựng, ngày 9 tháng 10 năm 1995, nhà máy chính thức khai trương, đi vào sản xuất. Trở thành đơn vị thành viên của Dệt - May Hà Nội.

Đây là công trình được Hội đồng thi đua thành phố Hà Nội gắn biển công trình chào mừng 41 năm, ngày giải phóng thủ đô. Và là một trong số ít cơ sở sản xuất công nghiệp được vinh dự xây dựng trên xã Đông Mỹ - miền quê giầu truyền thống cách mạng. Bác Đỗ Mười đã 2 lần về thăm nhà máy.

Ông Nguyễn Hoài Đức, nguyên giám đốc nhà máy may Đông Mỹ thời kỳ 1996 - 2000 bồi hồi nhớ lại: Ngày khánh thành may Đông Mỹ, Bác Mười về thăm và tặng lẵng hoa chúc mừng nhà máy. Năm 1996, nhân kỷ niệm ngày thành lập, nhà máy Bác cũng về thăm và trồng cây đa lưu niệm. Khi xuống thăm xưởng sản xuất, bác ân cần hỏi han cặn kẽ một số công nhân trẻ : Cháu ở xã nào được tuyển vào đây làm việc? Cháu đã thành thạo máy chưa, lương được bao nhiêu một tháng? Bác khuyên, các cháu còn trẻ phải cố gắng làm việc tốt để xây dựng nhà máy và nâng cao đời sống.

Với lãnh đạo nhà máy May Đông Mỹ, Bác yêu cầu cần nỗ lực hơn nữa. Vượt qua khó khăn lúng túng ban đầu. Cần giữ gìn vệ sinh công nghiệp trong nhà máy sạch sẽ. Không làm ảnh hưởng đến môi trường và an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Đức chia sẻ: Những dịp kỷ niệm quan trọng của nhà máy sau này, khi được Trợ lý báo cáo, dù bận công việc, nhưng qua Trợ lý của mình, bác Đỗ Mười đều gửi thư và lẵng hoa chúc mừng. Chúng tôi thấy rất xúc động. Luôn xác định, phải luôn cố gắng duy trì, phát triển nhà máy để xứng đáng với niềm vinh dự được xây dựng trên quê hương Đông Mỹ giầu truyền thống cách mạng.

Nay Bác Đỗ Mười đã về với quê mẹ - xã Đông Mỹ - huyện Thanh Trì Hà Nội. Chúng tôi vô cùng thương nhớ Bác. Thầm hứa với Bác: những người lao động thuộc Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội nói chung và nhà máy May Đông Mỹ nói riêng mãi mãi khắc ghi tình cảm, sự quan tâm đặc biệt và những lời căn dặn, động viên của Bác. Phấn đấu làm việc hết mình để xây dựng doanh nghiệp không ngừng phát triển lớn mạnh.

Trịnh Minh Học

(Nguyên CVP Dệt May Hà Nội)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nho-mai-nhung-ky-niem-ve-bac-do-muoi-81033.html