Nhớ mâm cỗ Trung thu năm nào...

Những ngày này, mỗi khi đi qua phố Hàng Mã, nghe tiếng trống bỏi lảnh lót, trống ếch thì thùng và ngắm nhìn Hà Nội bắt đầu chuẩn bị cho tết Trung thu, miền ký ức trong tôi về những mâm cỗ Trung thu thời thơ ấu bỗng trở về...

Phong tục Việt Nam chúng ta có những điều thật kỳ diệu. Khi Rằm tháng 7 với đại lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ vừa qua là rằm tháng tám với ý nghĩa Tết đoàn viên (hay còn gọi là Tết trung thu) lại tới. Người dân thường bày cỗ đón Tết Trung thu trong dịp này.

Mâm cỗ ngày Tết Trung thu có ý nghĩa tạ ơn đất trời đã cho mùa màng bội thu, cảm tạ gia tiên và đây cũng là dịp để tất cả các thành viên trong gia đình sum họp cùng ngắm trăng. Chính vì vậy, trên mâm cỗ Trung thu luôn được bày thật nhiều các loại sản vật hoa trái được cắt tỉa một cách đẹp mắt.

Nhớ ngày còn nhỏ, ở khu phố giữa lòng Hà Nội nơi tôi sống, nhà nào cũng tổ chức bày mâm cỗ trông trăng. Trên mâm cỗ Trung thu không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo.

Đây là hai loại bánh truyền thống thường có hình vuông với các loại nhân truyền thống như thập cẩm, hạt sen, đậu xanh...

Tuy nhiên, đôi khi có những gia đình bày một “đàn lợn” được làm từ bánh nướng trông thật đáng yêu. Những “chú lợn” bằng bánh nướng tròn căng, vàng ươm, được các bà các mẹ cho nằm thảnh thơi dưới sát chân mâm cỗ.

Lại cũng có nhà bày cả một chú “cá chép” ngắm trăng bằng bánh dẻo. Chiếc bánh với lớp bột trắng mịn, in rõ hình chú cá chép đang “hóng” theo bóng trăng với thế bơi thật uyển chuyển làm sao. Lũ trẻ chúng tôi cứ sán vào tận nơi để xem các mẹ bày cỗ.

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Theo phong tục truyền thống, mâm cỗ Trung thu càng nhiều các loại hoa quả đa màu sắc càng đẹp và “nhuận lộc”. Dân gian truyền lại, dù là quả gì cũng nên có quả xanh, quả chín bởi màu xanh mang tính âm, quả chín mang tính dương tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.

Mỗi loại quả cũng mang trong mình thông điệp thật thú vị. Quả hồng đỏ mang theo niềm hy vọng những điều tốt đẹp. Quả bưởi tượng trưng cho những điều tốt lành. Quả na mang ước nguyện tài lộc sinh sôi, nảy nở. Quả lựu mang tới sự may mắn...

Bày cỗ Trung thu cũng là dịp để các bà các mẹ thể hiện tài khéo tay của người phụ nữ đất Hà thành. Từ những quả bưởi tròn căng, các mẹ tỉa thành những chú chó bông lông xù với 2 mắt đen láy bằng hạt na. Những chú nhím được làm từ quả nho và quả lê trông thật đẹp mắt. Hình dáng các con vật ngộ nghĩnh được tạo hình từ các loại quả khiến mâm cỗ Trung thu trở nên sinh động lạ thường.

Trong lúc các mẹ đang bày biện mâm cỗ Trung thu, lũ trẻ chúng tôi cũng hí hoáy chuẩn bị các loại đèn truyền thống của mình. Khi mâm cỗ được bày hoàn chỉnh cũng là lúc chúng tôi đã sửa soạn xong “đội hình” rước đèn trông trăng.

Thời đó chỉ có một số loại đèn truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn con thỏ, đèn kéo quân... Những chiếc đèn tỏa ánh sáng lung linh trong đêm trăng khiến cho vạn vật trở nên huyền ảo hơn.

Cả đoàn trẻ con chúng tôi múa hát rộn ràng theo tiếng trống ếch thì thùng. Rồi cả lũ trẻ rồng rắn chạy theo cùng cười thích thú khi xem màn múa sư tử giỡn với ông địa má đỏ hồng, bụng phệ, tay phe phảy cái quạt... Khi trăng đã lên cao cũng là lúc chúng tôi được “phá cỗ” thỏa thích những bánh kẹo, hoa quả vừa ngon vừa đẹp.

Trải bao năm tháng, khi những trái hồng vừa ửng đỏ, cốm đầu mùa nhẹ nhàng xuống phố, na vừa mở mắt trên cành... tôi lại thầm nhớ tuổi thơ với mâm cỗ Trung thu năm nào.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/nho-mam-co-trung-thu-nam-nao-122400.html