Nhớ một nhạc sĩ hồn nhiên như trẻ thơ

Mụ nặn cho ông một khuôn mặt thanh tú, nhẹ nhõm, rất tươi, rất hiền như con gái. Ngay cả đến khi đã già yếu, sắp rời cõi tạm, mặt hom hem, hốc hác mà vẫn luôn vui tươi. Đặc biệt tính cách của ông thì rất hồn nhiên như trẻ thơ. Quả là hiếm thấy một người như vậy.

Ông là cố nhạc sỹ Trần Hữu Pháp (1933-2019), tác giả nhiều ca khúc nói đến những dòng sông, trong đó có bài “Dòng sông ai đã đặt tên” viết về Huế nổi tiếng với lời lẽ thật tha thiết, nhớ thương: “Dòng sông ai đã đặt tên để người đi nhớ Huế không quên. Xa con sông mang theo nỗ nhớ. Người ở lại tháng năm đợi chờ….”.

Bài này liên quan đến người bạn đời của ông có tên Như Thuần. Nàng người Huế. Sau lần đầu gặp gỡ, trong ông như nổ ra “tiếng sét ái tình”. Nhưng rồi phải chia xa, tưởng như tất cả chỉ như thế. Nào ngờ ngày tiễn chân những người con quê hương ra tập kết ở miền Bắc (sau Hiệp định Geneva năm 1954), chàng gặp lại nàng. Thế là kỷ niệm được nối tiếp và duyên số đã gắn họ lại với nhau để trở nên vợ chồng. Và Trần Hữu Pháp viết bài này để tặng nàng. Cũng từ đó, ông gắn chặt cuộc đời mình với “xứ mơ màng, xứ thơ” mặc dù quê ở Bình Định.

cố nhạc sỹ Trần Hữu Pháp

cố nhạc sỹ Trần Hữu Pháp

Ra Bắc, Trần Hữu Pháp vào đội văn nghệ Thanh niên xung phong, rồi chuyển qua làm báo ở tờ Tiền phong. Sau về Nhà xuất bản Âm nhạc. Trước khi trở vào miền Nam sau ngày thống nhất đất nước, có nhiều năm, ông là Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh Hà Nội.

Dạo năm 1965, đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc nước ta, một đoàn nhạc sỹ vào tìm hiểu thực tế ở Quảng Bình để sáng tác. Những ca khúc hay đã ra đời trong dịp này được công chúng hào hứng đón nhận: “Quảng Bình quê ta ơi!” (Hoàng Vân), “Bám biển quê hương” (Phạm Tuyên), “Giữ biển trời Quảng Bình, Vĩnh Linh” (Xuân Giao), “Chiến thắng sông Gianh” (Mộng Lân), “Trên biển quê hương” (Đức Minh)…

Còn có một bài nữa cũng rất đáng yêu của Trần Hữu Pháp: “Em bé Bảo Ninh” viết về những em nhỏ ở Bảo Ninh (Quảng Bình) vô cùng dũng cảm, không sợ hiểm nguy đã xung phong cùng nhau truyền tay tiếp đạn cho các chú dân quân bắn máy bay phản lực của Mỹ: “Em bé Bảo Ninh bên dòng Nhật Lệ. Dưới trời lửa khói, em như cánh tên bay trên cồn cát, rẽ gió xông lên…”.

Bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, giản dị, ngọt ngào thật dễ thương. Xin có một đính chính: Đây là ca khúc viết về thiếu nhi, để người lớn hát cho thiếu nhi nghe chứ không phải là ca khúc thiếu nhi như nhiều người vẫn lầm tưởng. Tất nhiên, thiếu nhi hát cũng được vì dễ hát, toàn bài có âm vực hẹp. Vậy nên trên Đài mới thu thanh giọng ca sỹ nổi tiếng Kiều Hưng chứ không phải là em thiếu nhi nào hát.

Có lần tôi được nghe Trần Hữu Pháp kể về sự ra đời bài hát này: Vào tuyến lửa Quảng Bình lần ấy, ông bị choáng ngợp trước một thực tế vô cùng sinh động, khẩn trương của cuộc sống vừa sản xuất, vừa chiến đấu của người dân nơi đây - một thực tế ông chưa từng được nếm trải. Ông cũng nghe người dân kể về các em thiếu nhi cũng tham gia chiến đấu cùng các chú dân quân bằng việc truyền tay nhau tiếp đạn. Ông chú ý tới sự việc này và quyết định đó chính là chủ đề cho ca khúc của mình.

Đang loay hoay chưa biết bắt đầu như thế nào thì tình cờ Trần Hữu Pháp đọc được bài thơ “Em tôi” của Nguyễn Văn Dinh. Thế là ông ngồi phổ thành bài hát chỉ trong vòng vài giờ. Đến ngày báo cáo tác phẩm cho lãnh đạo địa phương nghe, các nhạc sỹ khác đều hát được. Riêng Hoàng Vân hát hay nhất, trong khi Trần Hữu Pháp hát dở nhất. Giọng ông cứ như hết hơi và lạc điệu lung tung.

Thấy vậy, trước buổi báo cáo, mọi người khuyên ông không nên tự hát, sẽ “giết” tác phẩm của mình mà nhờ Xuân Giao hoặc Hoàng Vân hát hộ. Nhưng Trần Hữu Pháp nói rất hồn nhiên: “-Tôi hát không hay nhưng là con đẻ tinh thần của mình, tôi phải hiểu nó nhất nên người nghe sẽ thông cảm mà bỏ qua yếu tố giọng”. “- Nhưng ông hát vừa chệch nhịp lại vừa không đúng giai điệu”. “-Thì những chỗ sai như thế nhờ các ông hát lại cho chuẩn nốt”. Mọi người cười rộ bởi sự hồn nhiên của nhạc sỹ họ Trần.

Có lần ở một nơi khác, Trần Hữu Pháp có ý khoe sáng tác mới. Đã có ca sỹ bên cạnh sẵn sàng hát hộ nhưng ông vẫn tự hát. Một người nói thẳng với ông: “- Anh đừng hát sẽ tự hại mình đấy”. Trần Hữu Pháp lại nói: “-Tôi phải hát trước để ca sỹ họ được nghe thêm một lần, lát sau hát sẽ vững vàng hơn”. Mọi người lại cười rộ: “Nhưng anh hát có ra được giai điệu đâu mà nghe theo”.

Nhạc sỹ Trần Hữu Pháp trong buổi lễ mừng thọ ông 80 tuổi.

Tôi nhớ mãi lần vào Huế có tìm đến thăm Trần Hữu Pháp cách đây chừng mươi năm. Sau đến mấy chục năm chúng tôi mới gặp lại nhau nên vui vẻ, cảm động lắm. Cứ nghĩ ông sẽ không nhận ra. Nào ngờ, nhìn thấy tôi, ông đã reo luôn tên tôi và đến ôm chầm rồi cứ vỗ vỗ mãi vào vai tôi. Ôm chặt đến nghẹt thở và khá lâu mới buông ra khiến tôi đang nóng nực lại càng khó thở hơn tuy trong lòng rất cảm động và phấn chấn.

Lúc đó mới vào khoảng 10 giờ sáng. Sau khi buông nhau ra, ông nói luôn: “- Thôi, trưa rồi. Ra quán ăn cơm cho tiện. Ở nhà chẳng có gì”. Lúc này bà xã của ông mới cất lời: “-Anh buồn cười nhỉ. Để chú ấy tắm rửa, nghỉ ngơi chút đã chứ. Còn sớm mà”. Trần Hữu Pháp nói luôn: “- Ra quán nói chuyện luôn. Đi sớm để còn lai rai lâu”. Bà Như Thuần – phu nhân của ông - nói xong ra sau, tưởng chồng nghe lời mình. Thế là ông dẫn tôi ra quán luôn với bộ pi-ja-ma nhầu nhĩ đang mặc trên người mà không hề thay trang phục.

Ra quán, ông gọi rất nhiều đồ ăn, bầy chật cả bàn. Tôi nói: “- Sao anh gọi chi nhiều quá vậy. Ăn sao hết. Thừa sẽ phí”. Ông cười – vẫn nụ cười tươi với hàm răng đều chằn chặn, trắng bong như thời trẻ: “- Ăn bằng hết. Cậu còn trai tráng phải ăn khỏe chứ. Cứ yên tâm. Mình vừa lĩnh được một khoản nhuận bút đủ để nhậu mấy ngày liền nếu cậu chịu ở đây với mình”.

Thấy ông hồn nhiên như là quên bẵng tuổi người bạn vong niên trước mặt (lúc ông còn ở Hà Nội, chưa vào Huế, tôi và ông khá thân thiết, luôn gặp nhau), tôi nói: “- Anh ơi! Tôi đã trên 60, về hưu mấy năm rồi, còn trai tráng nỗi gì?”. Ông trợn tròn mắt: “-Xạo! Chi nhiều vậy? Cậu ngoài 50 chút xíu chứ mấy”. “- Trời! Anh nhớ lại đi. Năm 1970, lần đầu tiên tôi được gặp anh tại Đài Phát thanh Hà Nội ở 26 phố Hàng Dầu. Anh em hợp “cạ” rồi trở nên thân thiết. Khi ấy tôi 24 tuổi. Nay đã là năm 2011. Hơn 40 năm đã trôi qua mà vẫn chỉ ngoài 50 tuổi sao?”.

Nói đến đây, tôi thấy ông khẽ gật gù rồi mơ màng như chìm đắm vào dĩ vãng đầy ắp những kỷ niệm về quãng thời gian sống, làm việc tại Hà Nội. Cả hai chúng tôi đều không ai uống được bia, rượu nên dù cuộc hàn huyên rất vui nhưng cũng chỉ ngồi được chưa tới một giờ.

Lúc đứng lên trả tiền, ông moi mãi trong các túi áo rồi ngẩn ngơ nói với người chủ quán: “Thôi chết, tôi quên không mang theo tiền. Cho tôi chịu vậy nhé. Lát nữa sẽ đem trả ngay”. Tôi lấy tiền trả nhưng ông kiên quyết gạt đi, nói: “- Cậu làm vậy, mình giận đấy”. Người chủ quán nói: “-Ai chứ nhạc sỹ nổi tiếng, lại gần nhà đây thì bao giờ trả cũng được. Vả lại, hai ông ăn hết ít, nhiều món chưa đụng đũa nên tôi không lấy tiền. Tất cả chẳng bao nhiêu”.

Tôi lấy làm thú vị về sự đãng trí, hồn nhiên của ông. Cứ mặc nguyên bộ đồ ở nhà ra quán, lại còn quên không mang theo tiền. Vào quán cứ hồn nhiên gọi đủ các món. Ăn xong, còn gần như nguyên xi vì quá nhiều.

Nhiều người còn đồn đại việc Trần Hữu Pháp xử lý tác phẩm của người khác thời gian ông phụ trách văn nghệ ở Đài PT&TH Huế. Đó là việc ông cứ “hồn nhiên” sửa chữa trước khi sử dụng, bất kể tác giả là ai, nổi tiếng hay chưa, là nhạc sỹ chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Nhiều người phản ứng, tỏ rõ không hài lòng thì ông nói: “- Mình chỉ muốn tác phẩm hay hơn”. Họ bực mình: “-Đó là theo ý ông chứ người khác sẽ thấy sửa như vậy là lợn lành chữa thành lợn què”. Có người tự ái, nói thẳng: “- Ông cần tôn trọng tác giả chứ. Ông làm vậy, còn ai muốn gửi bài đến nữa”.

Nhưng Trần Hữu Pháp làm việc đó cũng hồn nhiên mà không nghĩ mình thiếu tôn trọng các tác giả. Bởi vì chắc không nhiều nơi làm được một việc sau đây như ông: Sau khi bài của ai được thu thanh, ông cho nhân viên gửi giấy báo, cảm ơn và mời đến Đài lĩnh tiền nhuận bút, đồng thời nói rõ ngày, giờ phát bài hát trên sóng để họ đón coi. Xử sự này chắc chắn sẽ không thể của một người thiếu tôn trọng tác giả. Nhưng rồi ông cũng rút kinh nghiệm, trước khi sửa chữa đã trao đổi với tác giả.

Một đời đạm bạc, chỉ biết có đi thực tế và sáng tác, lại sống hồn nhiên, vô tư và giàu lòng nhân ái với tất thảy mọi người, sự ra đi của Trần Hữu Pháp đã để lại nỗi thương tiếc lớn cho công chúng, nhất là những người từng yêu quý những tác phẩm của ông.

Nguyễn Đình San

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/nho-mot-nhac-si-hon-nhien-nhu-tre-tho-641230/