Nhớ ngày làm báo thời chiến

Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng những tháng ngày làm báo thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông Ngô Đức Tảo, nguyên phóng viên Báo Hải Dương mới (nay là Báo Hải Dương).

Ông Ngô Đức Tảo, nguyên phóng viên Báo Hải Dương mới xem lại các kỷ vật thời chiến (ảnh phải). Tấm thẻ "Phòng không đặc biệt" (2 mặt) được ông Tảo lưu giữ cẩn thận (ảnh trái)

Đạp xe đi đưa tin chiến sự

"Được phép đi lại trong mọi trường hợp, mọi tình huống. Qua các đường, phà, cầu làm nhiệm vụ chiến đấu". Đó là nội dung trong những tấm thẻ "Phòng không đặc biệt" mà ông Ngô Đức Tảo được Ban Phòng không nhân dân tỉnh Hải Dương cấp cho vào các năm 1965 và 1966. Nay dù đã 93 năm tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, ông Tảo vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ngồi tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng), ông Tảo còn nhớ rõ những tháng ngày làm phóng viên Báo Hải Dương mới. "Không biết bây giờ các cậu thế nào chứ chúng tớ ngày ấy làm báo được học là phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, óc nghĩ, tay ghi", ông Tảo vừa cười, vừa mở đầu câu chuyện.

Ông Tảo công tác tại Báo Hải Dương mới trong giai đoạn 1963-1966. Cùng với nhiều nhà báo khác, ông đã trực tiếp phản ánh công cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lần thứ nhất của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Khi ấy, cả tòa soạn còn non trẻ (Báo Hải Dương ra số đầu ngày 1.12.1961) chỉ có khoảng 10 người. Từng phục vụ trong quân đội nên ông Tảo được tin tưởng phân công phụ trách lĩnh vực quân sự - quốc phòng. Với các bút danh Ngô Đức Tảo, Thu Hương, PV, ông Tảo có hàng trăm tin bài trên báo Hải Dương mới và còn cộng tác với các báo Quân đội Nhân dân, Việt Nam Độc lập, Văn nghệ...

Ông Tảo có mặt ở khắp các đơn vị, trận địa phòng không trong tỉnh để kịp thời phản ánh khí thế chiến đấu anh dũng và chiến thắng của quân và dân Hải Dương. Bất kể ngày đêm, khi nhận được tin địch có hoạt động phá hoại ở địa bàn nào trong tỉnh, ông Tảo lại nhảy lên chiếc xe đạp cũ đến đưa tin. Xe hỏng thì dắt xe đi bộ, ông luôn cố gắng có mặt sớm nhất tại hiện trường để tác nghiệp. "Đến hiện trường chúng tôi phải rất cẩn thận vì bom bi của địch còn sót lại, công binh chưa kịp xử lý. Cùng với công việc của phóng viên, tôi còn có nhiệm vụ thu thập hình ảnh, tư liệu là bằng chứng tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ để nộp cho Ủy ban Hành chính tỉnh báo cáo Trung ương. Lần về xã Thanh An (Thanh Hà) tôi hãi hùng khi phải chứng kiến, chụp lại cảnh trường học, trạm xá hoang tàn, đổ nát sau đợt rải bom của địch", ông Tảo xúc động nhớ lại.

Đối diện hiểm nguy

Không trực tiếp chiến đấu nhưng ông Tảo và đồng nghiệp thường trực phải đối mặt với hiểm nguy. Cuộc chiến tranh phá hoại ngày càng lan rộng và ác liệt, trong các năm 1965, 1966, ông Tảo cùng đồng nghiệp phải sơ tán tòa soạn về làng Phạm Xá, xã Ngọc Sơn (TP Hải Dương). Ông Tảo nhớ có lần thoát chết khi vừa đi qua cầu Hàn (khi đó là cầu phao) thì máy bay địch thả bom trúng. Lại có lần từ tòa soạn ở khu sơ tán đi vào thị xã gặp máy bay địch không kích ở khu vực cầu Cất phải chạy vội xuống hố tránh bom cá nhân tránh nạn. "Hồi ấy cứ tầm 9 đến 10 giờ sáng mà đi qua cầu Phú Lương thì phải rất coi chừng, cảnh giác vì giờ ấy máy bay địch bay từ ngoài biển vào ném bom. Có lần trên đường đi công tác qua đây tôi may mắn chụp được ảnh máy bay địch trúng tên lửa của ta rơi xuống. Tiếc là khi đó máy móc lạc hậu, không có tê lê nên không chụp được gần, rồi việc bảo quản phim, ảnh không tốt nên thất lạc mất tấm hình quý đấy", ông Tảo kể lại.

Không chỉ gặp nguy hiểm từ bom đạn kẻ địch mà có lần ông Tảo suýt mất mạng khi đang tác nghiệp tại một đơn vị phòng không trong tỉnh. Ông Tảo vừa cười, vừa kể lại: "Tôi đang đứng chụp ảnh thì bỗng súng của đơn vị gặp sự cố, cướp cò, đạn bay vèo qua đầu. May mà không trúng chứ không thì toi rồi".

Ông Tảo vừa tiếc tấm hình quý, vừa tiếc chiếc mũ sắt được chỉ huy một đơn vị phòng không tặng vì thấy ông đội mũ rơm mỏng manh đi tác nghiệp nhưng đã thất lạc. Còn 2 tấm thẻ "Phòng không đặc biệt" được ông ép nhựa, cất giữ cẩn thận trong chiếc cặp da cũ bạc màu. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ký ức những ngày làm phóng viên thời chiến dường như vẫn nguyên vẹn với ông Tảo. Ông vẫn còn nhớ những lần đến trận địa pháo Lai Cách (Cẩm Giàng), Liên Hồng (TP Hải Dương), Lai Vu (Kim Thành)... đưa tin chiến đấu với địch; nhớ cô Dung ở Vĩnh Tuy (Bình Giang) vừa dạy mầm non vừa tham gia du kích, nhớ người chỉ huy tên Thi mưu trí, dũng cảm ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng), cô Nở, cô Nhân ở Trung đội du kích Long Xuyên (Bình Giang)...

Sau này, ông Tảo chuyển công tác sang ngành thông tin-văn hóa rồi nghỉ hưu từ năm 1981. Thời gian làm báo không dài nhưng những tháng ngày sôi nổi tuổi trẻ, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy thời chiến để cùng các đồng nghiệp ở Báo Hải Dương mới hoàn thành trọng trách người chiến sĩ trên mặt trận thông tin mãi không phai đối với ông Tảo.

HOÀNG BIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nho-ngay-lam-bao-thoi-chien-206806