Nhờ người khác mang thai hộ sao cho đúng luật

Do hoàn cảnh cá nhân, một số cặp vợ chồng có nhu cầu thực hiện thủ tục mang thai hộ nhưng còn e ngại vì chưa nắm rõ các quy định pháp luật liên quan. Người mang thai hộ và phía người nhờ mang thai hộ phải đáp ứng được các quy định cụ thể nào, nên làm gì để tránh rắc rối phát sinh về sau.

Việc phát triển kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con nhờ hình thức mang thai hộ. Trong ảnh: Nhân viên Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện một trong những công đoạn thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Việc phát triển kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con nhờ hình thức mang thai hộ. Trong ảnh: Nhân viên Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện một trong những công đoạn thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho hay, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP ngày 28-1-2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (Nghị định số 10) quy định chỉ cho phép mang thai hộ với mục đích nhân đạo.

* Trường hợp đủ điều kiện nhờ mang thai hộ

Theo quy định của pháp luật, những cặp vợ chồng không thể sinh con mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp hỗ trợ sinh sản thì có thể có con bằng hình thức nhờ người khác mang thai hộ. Để đảm bảo việc này được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên được pháp luật bảo vệ thì những người có nhu cầu nên tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật trước khi thực hiện thủ tục này.

Chị N. (ngụ TP.Biên Hòa) chia sẻ, do chị bị dị tật tử cung nên rất khó mang thai. Nhiều năm qua, chị đã chạy chữa khắp nơi, làm thụ tinh trong ống nghiệm tới 4 lần nhưng đều thất bại. Bác sĩ khuyên chị tìm người mang thai hộ nhưng với chị việc này không dễ dàng thực hiện. Chị N. lo lắng nếu người mang thai hộ phát sinh tình cảm với đứa con trong bụng rồi không chịu giao con thì phải ứng xử thế nào để vừa không để mất tình cảm lại vừa đúng luật.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Hành trình tìm con của vợ chồng chị M. (ngụ H.Tân Phú) cũng gian nan không kém, sau 10 năm kết hôn, dù đã dùng đủ mọi phương pháp can thiệp tự Tây y đến Đông y, thậm chí nghe ai mách đi cầu tự ở đâu hai vợ chồng cũng lặn lội tìm đến nhưng kết quả vẫn chưa như ý nguyện.

Chị M. cho biết, đã từng tính tới phương án ra nước ngoài để “thuê” người mang thai hộ. Tuy nhiên, mức chi phí phải trả cho dịch vụ này khá cao, vượt quá khả năng tài chính của hai vợ chồng. Còn phương án nhờ người mang thai hộ ở Việt Nam, vợ chồng chị đã nghĩ đến nhưng không biết thủ tục như thế nào và không muốn cho người khác biết được việc đứa con không phải do mình sinh ra. Chị ngại dư luận không hiểu chuyện, đàm tiếu gây ảnh hưởng đến những người liên quan vì đây là việc tế nhị …

Theo luật sư Định, 2 trường hợp cụ thể nêu trên đều có đủ điều kiện nhờ người mang thai hộ nhưng cần có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung.

* Chấp hành pháp luật để tránh rắc rối

Luật sư Định cho rằng, trước khi quyết định thực hiện hình thức mang thai hộ, các cặp vợ chồng cần tìm hiểu và nắm chắc các vấn đề pháp lý liên quan, chấp hành nghiêm các quy định pháp luật để tránh những rắc rối có thể phát sinh.

Điều 14, Nghị định số 10 quy định, hồ sơ gồm 12 loại giấy tờ, hồ sơ hợp lệ được gửi cho cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ngoài hồ sơ hợp lệ, các bên cần nhờ người có chuyên môn tư vấn cả về y tế, tâm lý, pháp lý theo quy định. Để tránh những rắc rối phát sinh (như: sau khi sinh con người mang thai hộ không trả con...) các bên phải lập hợp đồng dân sự ghi nhận rõ về quyền lợi và nghĩa vụ hai bên: việc trả con ngay sau sinh, khám thai trong suốt thời gian thai kỳ...

Luật sư Định phân tích, theo quy định thì người nhận mang thai hộ phải đảm bảo các điều kiện: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

“Người mang thai hộ phải có xác nhận mối quan hệ thân thích cùng hàng, được hiểu là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng của người nhờ mang thai hộ bao gồm: anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ. Pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc nhờ dịch vụ “đẻ thuê” là bị cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự” - luật sư Định giải thích.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202010/nho-nguoi-khac-mang-thai-ho-sao-cho-dung-luat-3026687/