Nhớ người 'nổi gió'

Nghệ sĩ nhân dân Huy Thành - đạo diễn đã tạo nên những tác phẩm điện ảnh kinh điển của nền điện ảnh cách mạng VN, người thầy của nhiều lứa thế hệ đạo diễn, diễn viên đã đột ngột đi xa.

Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Huy Thành - Ảnh: T.L

Những tác phẩm điện ảnh kinh điển

Nhà nghiên cứu điện ảnh Lưu Nghiệp Quỳnh nghẹn ngào khi hay tin dữ về đạo diễn gạo cội. “Đó là người đạo diễn đã có những đóng góp lớn cho nền điện ảnh cách mạng VN”, ông Lưu Nghiệp Quỳnh nhìn nhận.

Đạo diễn Huy Thành thuộc thế hệ lớp đạo diễn đầu tiên trưởng thành từ Trường Điện ảnh VN cùng với đạo diễn Hải Ninh, Trần Vũ, Bạch Diệp, Nông Ích Đạt, Vũ Phạm Từ… Ông đến với điện ảnh một cách rất tình cờ.

Lớn lên trong chiến tranh, cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, năm 1945, ông lên đường đi bộ đội. Đến năm 1955, khi nhà nước có chủ trương chuyển ngành cho cán bộ quân đội, ông được điều động về làm công tác tuyên truyền tại Ngân hàng T.Ư, sau ông về công tác tại Phòng Báo chí của Bộ Văn hóa. 4 năm sau đó, năm 1959, tình cờ thấy bạn mình thi vào lớp đạo diễn của Trường Điện ảnh VN vừa mới mở, ông cũng thử đi thi cùng. Ông không ngờ mình lại trúng tuyển và trở thành sinh viên của lớp đạo diễn đầu tiên của trường.

Bộ phim Nổi gió thực hiện vào năm 1966 không phải là bộ phim đầu tay của Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Huy Thành nhưng lại là bộ phim đầu tiên ghi dấu tên tuổi ông, đồng thời cũng là bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng VN nói về chiến tranh VN với bối cảnh miền Nam. Nổi gió được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm, dưới bàn tay của NSND Huy Thành đã trở thành một tác phẩm điện ảnh độc lập. Ông đã xây dựng một cách xuất sắc hình tượng hai nhân vật trung úy Phương (NSND Thế Anh) và chị Vân (diễn viên Thụy Vân), người em trai và người chị gái, hai người đứng ở hai đầu chiến tuyến. Nhưng sau tất cả, họ đã cùng đứng ở một phía, ở nơi có Tổ quốc, đồng bào. Nổi gió đã nhận giải thưởng Bông sen vàng năm 1970.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1977, ông rời Hãng phim Truyện VN, chuyển vào công tác tại Xí nghiệp Phim tổng hợp TP.HCM (nay là Hãng phim Giải phóng). Ông tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh. Năm 1982, ông thực hiện bộ phim Về nơi gió cát có chủ đề hậu chiến, kể câu chuyện về Lũy, một người lính trở về sau chiến tranh phải đối diện với sự thật: vợ anh đã lấy chồng mới là một người lính cộng hòa. Một năm sau đó, ông làm bộ phim Xa và gần, thể hiện sự va chạm giữa cái cũ và cái mới, giữa những thế hệ trong gia đình ở Sài Gòn sau giải phóng. Ông tiếp tục nhận giải thưởng Bông sen vàng với 2 bộ phim này.

Người thầy của nhiều nghệ sĩ

NSND Thế Anh nhiều lần phải dừng lại vì xúc động trong câu chuyện chia sẻ về NSND Huy Thành, người ông coi là thầy của mình. “Không có ông Huy Thành thì không có Nổi gió, không có trung úy Phương, và không có một Thế Anh được khán giả biết đến. Đó cũng là lý do vì sao tôi đã đặt tên cho con trai cả của mình cái tên Nguyễn Thế Phương”, NSND Thế Anh nói.

NSND Thế Anh vẫn nhớ khi quay bộ phim Nổi gió, 12 người được mời lần lượt vào vai trung úy Phương, nhưng đạo diễn Huy Thành vẫn không hài lòng, ông tiếp tục tìm kiếm diễn viên khác, cho đến khi tìm thấy Thế Anh.

Với NSND Thế Anh, đạo diễn Huy Thành là một đạo diễn chỉn chu và kỹ tính, và nhờ đó mới có những bộ phim để đời. NSND Thế Anh kể, lúc thực hiện cảnh kết của bộ phim Nổi gió, đó là khi trung úy Phương trở về với quân giải phóng, quân, dân chờ đón độc lập. Đạo diễn Huy Thành muốn có những cảnh quay trời nắng vàng rực rỡ, trung úy Phương ngồi trên con thuyền, cúi xuống sông vốc nước lên rửa mặt, mặt sông lung linh ánh nắng. “Đạo diễn yêu cầu cảnh quay nắng phải rực rỡ, nhưng khi đó, trong nhiều ngày liền, trời âm u, không có nắng. Mọi người có ý kiến gì ông Huy Thành cũng kiên định nói chờ bao lâu cũng chờ. Thế rồi, chúng tôi đã chờ rất lâu để đợi nắng lên rực rỡ và có những cảnh phim có chiều sâu như thế”. Trong mắt của nhiều nghệ sĩ đi sau, NSND Huy Thành là đạo diễn vừa có tài vừa có đức. Ông đã kèm cặp, chỉ bảo cho rất nhiều đạo diễn, diễn viên. Nhờ có ông, nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành và tạo nên tên tuổi như Thế Anh, Thụy Vân, Thanh Loan, Trần Vịnh…

“Trước khi ông đi Pháp, tôi nói chuyện với ông, ông bảo: tao thấy đang yếu dần, cái lưng đau lắm, nhưng muốn được đi thăm con, thăm cháu, rồi ông lại cười hề hề…”, NSND Thế Anh kể lại, giọng nghẹn ngào.

Ngọc An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nho-nguoi-noi-gio-966626.html