Nhớ những mùa Trung thu cũ

Trung thu ngày xưa có gì đâu, chỉ là những đồ chơi giản dị, chỉ là một đêm tụ tập trông trăng, phá cỗ của lũ trẻ... mà gây thương nhớ mãi

Cứ mỗi độ thu sang,
Hoa cúc lại nở vàng...

Đó là bài tập chép đầu tiên của tôi khi vào lớp Một, được viết chữ nhỏ trên giấy ô li, mà tôi nhớ mãi. Trước đó, năm đầu tiên đi học, bọn trẻ chúng tôi học lớp Vỡ Lòng, tập ghép vần và tập viết chữ to. Cho nên, trang vở đầu tiên được viết chữ bé, tôi mới nắn nót làm sao. Rồi bài tập chép sau đó lại nói về các loại hoa quả mùa thu: bưởi, chuối, hồng, na, thị... và hoa cúc vàng. Bức tranh của mùa thu, hương sắc của mùa thu có lẽ lần đầu tiên đã gây ấn tượng trong tôi "bởi một sự thay đổi trong lòng" (như một nhà văn từng viết): tôi đã lớn thật rồi, đã là học sinh lớp Một!.

Sau ngày khai giảng ít hôm, thì đến Trung thu.
Chị em tôi háo hức lắm. Để chuẩn bị cho Trung thu, nhà ăn bưởi thì bọn trẻ giữ hạt lại, bóc vỏ hạt ra, lấy nhân trắng xâu vào sợi dây thép rồi phơi khô. Chuỗi hạt bưởi này sau đốt thành nến cháy rất nỏ, vì có chứa tinh dầu.

Đèn ông sao

Đèn ông sao

Mẹ tôi lên phố Hàng Mã mua cho các con cái mặt nạ giấy bồi và cái đầu sư tử, với lại đèn ông sao, đèn "mũ ông sư"... làm bằng nan tre dán giấy bóng kính màu. Mẹ tôi mua mỗi hôm một chiếc, vì chắc cũng không đủ tiền mua cùng một lúc bằng ấy thứ.

Chúng tôi lớn dần, học được bạn bè cách làm các đồ chơi Trung thu. Và luôn chuẩn bị trước cho dịp Trung thu cả tháng trời. Có năm tôi đi xin nan tre, rồi xin giấy màu gói phẩm oản mà hàng xóm ăn xong còn giữ lại, tự làm đèn ông sao.

Mẹ tôi và cha tôi được cơ quan phát cho bánh nướng, bánh dẻo cho các con; thường là mỗi đứa con được nửa chiếc mỗi loại.

Đồ chơi Trung thu cũng không có gì nhiều, tôi thấy trong sách tập đọc có hình cái đèn kéo quân, thế mà chưa bao giờ nhìn thấy ngoài đời thực, nên háo hức lắm. Nghe nói, khi thắp đèn lên, những hình người, hình thú trên đèn sẽ chuyển động!

Từ trước Trung thu vài tuần, phố Hàng Mã đã trở nên sôi động. Trống to trống nhỏ đánh thùng thình. Có cả con thỏ đánh trống làm bằng sắt tây hay vỏ lon sữa. Có cả cái tàu thủy thả trong chậu nước, cắm cờ hồng rất hiên ngang. Rồi đầu sư tử to nhỏ các loại, mặt nạ ông địa má tròn hồng hào, mặt nạ Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không... thảy đều làm bằng giấy báo bồi.

Không thể không kể đến tò he. Con tò he rất rẻ, ai cũng mua được. Người nặn tò he cứ như một thày phù thủy tài ba. Chỉ từ mấy cục bột nếp nhuộm màu, nhoáng một cái ra bao nhiêu nhân vật đẹp đẽ, trông rất có hồn, cắm trên đầu một chiếc que tre.

Đêm trung thu, lũ trẻ từng khu phố tập trung lại với nhau, cùng bày cỗ trông trăng. Hoa, quả, bánh... xếp thành mâm cỗ đẹp. Rồi mỗi đứa trẻ lần lượt lên hát hay múa một vài bài góp vui, toàn những bài hát về cung trăng, chị Hằng, chú Cuội.

"... Sáng rơi xuống đời,
Sáng leo lên cây
Sáng mỏi chân rồi,
Sáng ngồi xuống đây
Cùng trông ánh sáng cười vui
Chị em ta hãy đùa chơi....

... Mười lăm tháng tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to...

Các em thích cười
muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông trời
cho mượn cái thang..."

(Thằng Cuội- nhạc sĩ Lê Thương)

Những bài hát Trung thu đậm chất đồng dao, nghe thật dễ thương.

Tôi có đứa bạn gái khéo tay, nó bóc mấy quả bưởi, lấy múi ghép lại thành hình con cún con. Tép bưởi bông lên như lông của chú chó xù. Đôi mắt làm bằng hạt nhãn đen tròn, trông rất đáng yêu. Cũng là nó, tỉa một quả đu đủ thành mấy bông hoa hồng, nhuộm màu vàng, màu đỏ trông thật bắt mắt, cắm mấy ngày không héo.

Trẻ con hát múa một lúc lâu rồi phá cỗ, chia nhau. Cái bánh dẻo cắt mỏng tang như lưỡi mèo (vì làm gì có nhiều đâu), mỗi đứa ăn một miếng, sao mà thơm, mà ngọt. Hồi ấy cái gì cũng thiếu, nên thức gì cũng thấy ngon; đâu như bây giờ, ai cũng ngại đồ ăn ngọt.

Trung thu của ngày xưa là thế. Một dịp để lũ trẻ chờ mong, cất công chuẩn bị từ rõ lâu.

Bây giờ thì cái gì cũng sẵn. Đồ chơi đa số bằng nhựa, đẹp hơn, màu sắc sặc sỡ, lại chạy bằng pin, cử động được (tuy nhiên, cũng gây ra rác thảiđộc hại cho môi trường). Nhưng trẻ cũng cũng chơi một lúc rồi chán, vì chúng chả thiếu gì đồ chơi, lại luôn bị cuốn hút bởi những trò chơi trong điện thoại, máy tính bảng... Không ai dành quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho Trung thu như ngày cũ.

Múa rồng, múa lân vẫn còn, lại đẹp hơn ngày xưa, nhưng ít những đội đi múa cho vui, mà họ làm dịch vụ. Ở một vài địa phương, người ta còn làm những đèn Trung thu khổng lồ để rước trong đêm hội. Mùa Trung thu kéo cũng khá dài, với cơ man nào là bánh Trung thu mà có những hộp bánh giá hàng mấy triệu hay thậm chí cả chục triệu đồng.

Dạy trẻ làm đèn ông sao kiểu "ngày xưa"

Có lẽ nhiều người cũng như tôi, nhớ nhung Trung thu của những ngày xưa ấy... Người ta tổ chức các buổi chợ Trung thu, dạy trẻ làm đồ chơi Trung thu truyền thống, tuy nhiên cũng không thu hút được nhiều trẻ con tham gia.

Chị Hằng, chú Cuội góp vui liên hoan Trung thu

Mỗi thời mỗi khác. Không thể cứ níu kéo mãi những câu chuyện của ngày xưa cũ. Nhưng cứ nhớ ánh trăng vàng như cổ tích trải khắp nơi trong đêm trung thu xưa ấy bởi trăng ở thành phố bây giờ phải chen với ánh đèn màu nên không sáng như xưa. Nhớ lắm những tiếng cười trong trẻo, tiếng trổng ếch rộn ràng và tiếng hát lao xao của bọn trẻ con...

Cảo Thơm/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/doi-song/nho-nhung-mua-trung-thu-cu-953100.vov