Nhờ sự kết nối của Báo Gia đình và Xã hội, nhiều mảnh đời bất hạnh như được hồi sinh

'Tôi cho rằng, những món quà kịp thời như vậy không chỉ làm vơi bớt đi khó khăn trước mắt mà còn giúp cho những số phận kém may mắn có thêm động lực, như được hồi sinh...', Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa An tâm sự.

Hơn 2 tháng trước, PV Báo Gia đình & Xã hội có dịp về thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) để thăm gia cảnh khốn khó, bệnh tật của vợ chồng anh Lê Đình Luyện (SN 1975) và chị Trần Thị Bất (SN 1968) cũng như tương lai mờ mịt của cháu Lê Thị Liên trước nguy cơ phải dừng học khi mẹ mắc bệnh ung thư, bố tàn tật bẩm sinh và ông nội mù 2 mắt.

Còn nhớ lần ghé thăm đó, chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước ánh mắt buồn tủi của những số phận kém may mắn đang sống lay lắt trong căn nhà cấp 4 nằm nép mình nơi cuối xóm buồn ảm đạm.

Chị Bất mắc căn bệnh ung thư vòm họng ngồi cạnh người chồng bị tàn tật bẩm sinh

Và trong suốt câu chuyện, hình ảnh về người đàn bà bất hạnh bị căn bệnh ung thư vòm họng hành hạ khiến chị Bất không nói thành lời, cổ họng gần như khản đặc cũng như ánh mắt vô hồn luôn ám ảnh chúng tôi.

Chị Bất kể, tuổi thanh xuân bản thân chị kém duyên, kém may mắn cho nên chị luôn mặc cảm với chính mình. Do đó, đến tuổi cập kê chị không xây dựng gia đình và đi làm thuê ở nhiều nơi khác nhau.

Sau khi các anh, chị em ruột đều yên bề gia thất chị mới đi tìm hạnh phúc riêng cho mình với người chồng hiện tại kém tuổi chị và bị tàn tật bẩm sinh từ nhỏ qua sự mai mối của người thân. Chính từ đây, hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo được bù đắp bằng người con gái Lê Thị Liên chào đời năm 2001. Hiện cháu vừa học xong lớp 11, trường THPT Gia Lộc.

Trước gia cảnh khốn khó, người con gái duy nhất của chị Bất có thể phải nghỉ học

“Trong cuộc sống không ai biết trước được điều gì có thể xảy ra, cách đây 5 tháng tôi đi khám tại Bệnh viện K và được bác sĩ kết luận bị ung thư vòm họng 2 bên. Kinh tế vốn đã khó khăn, chồng và bố chồng không làm được việc gì, giờ lại thêm căn bệnh hiểm nghèo mắc phải khiến tôi suy sụp.

Nếu gia đình có kinh tế thì tôi đã đi xạ trị theo pháp đồ của bệnh viện, nhưng cũng chỉ vì cái nghèo, hoàn cảnh nên tôi đành mặc cho số phận định đoạt. Chỉ thương đứa con gái khi đang tuổi ăn học trước nguy cơ phải nghỉ vì kinh tế gia đình không có”, chị Bất nghẹn ngào.

Vị trí tầng 2, trường THCS Nghĩa An - nơi cháu Quang gặp nạn

Hay trường hợp của em Đỗ Mạnh Quang (SN 2005, trú tại thôn 1, xã Tân Hương, huyện Ninh Giang, đang theo học tại trường THCS Nghĩa An) gặp tai nạn trong giờ ra chơi khi em bị ngã từ lan can tầng 2 xuống sân trường khiến Quang bị gãy 2 tay, gãy đùi phải và nhập viện cấp cứu.

Ngay thời điểm cháu Quang gặp nạn, chị Phạm Thị Hường (SN 1985, mẹ em Quang) như chết lặng bởi con trai chị bị đa chấn thương, nhưng may mắn khi phần đầu không bị ảnh hưởng.

Ngày chị kết hôn với anh Đỗ Mạnh Thắng (SN 1981) và sinh hạ được 2 người con trai thì ai cũng mừng vì nghĩ rằng: nghề đi tàu của chồng chị sẽ giúp kinh tế gia đình khấm khá. Nhưng ai biết được, toàn bộ số tiền mua tàu để chở vật liệu, chồng chị đều vay mượn khắp nơi.

Vụ tai nạn khiến em Quang bị gãy 2 tay, gãy đùi phải và được phẫu thuật trên Bệnh viện Việt Đức Hà Nội

Chỉ đến khi anh Thắng qua đời trong lần bạo bệnh vào năm 2017 thì lúc này mọi người mới vỡ lẽ. Sau khi chồng mất, cuộc sống của 3 mẹ con chị Hường lâm vào cảnh khốn khó khi chồng để lại một khoản nợ lớn trước đó vay mượn mua tàu. Thậm chí, căn nhà đang ở cũng sụt lún và sau khi hoàn tất cúng 49 ngày chồng, chị Hường cùng 2 người con về nương tựa nhà bố mẹ đẻ tại xã Nghĩa An (cùng huyện).

Câu chuyện của cháu Quang và gia đình chị Bất chỉ là 2 trong hàng trăm số phận mà Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải tại chuyên mục Vòng tay nhân ái. Tuy nhiên, sau mỗi một câu chuyện đó đều ẩn chứa tình người lan tỏa.

Các bài viết “Mẹ ung thư, bố tàn tật, ông mù lòa và lời cầu cứu của cô nữ sinh trước nguy cơ thất học” – MS 455 và bài “Giọt nước mắt tuyệt vọng của người mẹ nghèo có con bị ngã từ tầng 2 xuống sân trường học” – MS 461 được đăng tải đã lấy đi biết bao nước mắt của độc giả gần xa..

Cán bộ, giáo viên trường tiểu học Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) ủng hộ gia đình chị Bất

Cũng chính từ câu chuyện này, gia đình chị Bất và cháu Quang đã nhận được những đồng cảm, sẻ chia…cùng với đó là những món quà ý nghĩa của bạn đọc gửi về nhà riêng cũng như thông qua tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội.

Chia sẻ về những phần quà của bạn đọc, cháu Liên (con chị Bất) thông tin, từ khi bài viết nói về gia đình được đăng tải và chia sẻ rộng rãi, gia đình đã nhận được nhiều lời hỏi thăm cùng sự ủng hộ của mọi người.

Đến nay, gia đình đã nhận được hơn 130 triệu đồng tiền mặt của trên 60 cá nhân, 35 tổ chức, tập thể, cơ quan ban ngành, dân làng và 4 trường học. Đặc biệt, bản thân Liên được nhóm Otofun Hải Dương tặng sổ tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng với tổng giá trị trên 12 triệu đồng.

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng trường THPT Gia Lộc (nơi nữ sinh Liên đang theo học) cho biết: “Sau khi hoàn cảnh của gia đình em Liên được báo đăng tải, thầy cô, bạn bè và lớp học đã tổ chức quyên góp, ủng hộ.

Đặc biệt, nhiều cựu học sinh nhà trường khi về hội khóa cũng gửi tiền ủng hộ thông qua giáo viên chủ nhiệm. Đối với trường hợp này, BGH nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện có thể để giúp em Liên tiếp tục đến trường học”.

Còn chị Hường (mẹ em Quang) chia sẻ, hiện tại con trai chị đã được xuất viện về nhà và sau khi đi kiểm tra lại tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ cho biết, vết mổ ổn định và khoảng 1 tuần nữa mới có thể tháo bột và chuyển sang trị liệu phục hồi chức năng.

Cán bộ, giáo viên và học sinh trường THCS Nghĩa An (huyện Ninh Giang) phát động ủng hộ em Quang

Đại diện Quỹ Vòng tay nhân ái - Báo Gia đình & Xã hội thay mặt bạn đọc chuyển số tiền hơn 12 triệu đồng đến gia đình em Quang tại Bệnh viện Việt Đức

“Chưa khi nào tôi nghĩ gia đình mình lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn cũng như nhiều tai họa dồn xuống đến vậy. Trong lúc khó khăn và cuộc sống tù túng nhất, gia đình đã nhận được sự chia sẻ, động viên cũng như ủng hộ của mọi người. Đây là những tình cảm, tấm lòng thành mà gia đình tôi suốt đời ghi nhớ, biết ơn.

Hiện tại, gia đình tôi nhận được gần 70 triệu đồng của các tổ chức, cá nhân, trường học, bạn đọc hảo tâm gần xa cùng chính quyền địa phương, bà con xóm làng….. ủng hộ. Số tiền này, gia đình dành cho việc điều trị, bởi theo bác sĩ thì pháp đồ điều trị cũng như phục hồi cho cháu còn dài”, chị Hường cho biết.

Chia sẻ về những những việc làm thiện nguyện trên, bà Nguyễn Thị Ngơi – Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa An tâm sự: “Báo đứng ra kết nối để những nhà hảo tâm cùng các tổ chức xã hội, thiện nguyện biết đến, hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ… những gia đình có hoàn cảnh khó khăn là việc làm mang đậm tính nhân văn, tình người.

Tôi cho rằng, những món quà kịp thời như vậy không chỉ làm vơi bớt đi khó khăn trước mắt mà còn giúp cho những số phận kém may mắn có thêm động lực, như được hồi sinh. Việc làm nhân văn đó là nhịp cầu nối những bờ vui cho mọi số phận, mảnh đời hẩm hiu”.

Đức Tùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/nho-su-ket-noi-cua-bao-gia-dinh-va-xa-hoi-nhieu-manh-doi-bat-hanh-nhu-duoc-hoi-sinh-20190622104023041.htm