Nhớ thầy - GS. Phan Huy Lê

Cuộc họp lúc 14h00 vừa bắt đầu thì có tin nhắn từ Bệnh viện Bạch Mai báo: 'Mình mất thầy rồi'. Vào báo mạng, thấy GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN cho biết: 'GS Phan Huy Lê đã qua đời đột ngột vào khoảng 13h chiều ngày hôm nay sau một tuần nằm viện'. Chỉ trong vòng 1-2 tiếng đã thấy bao nhiêu mạng sóng truyền đi: 'GS Phan Huy Lê - 1 trong 4 cây đại thụ của nền sử học Việt Nam đương đại vừa qua đời trưa ngày 23/6 ở tuổi 84'…

Thầy Phan Huy Lê cùng vợ ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/3/2012. Ảnh: Hà Minh Hồng

Bỗng ùa về những bài giảng của thầy cho lứa đầu tiên khoa Sử - Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng. Những năm ấy (1977-1978) Giảng đường 3 và Giảng đường Mới ở Cơ sở II, Đại học Tổng hợp (số 10-12 Đinh Tiêng Hoàng, Quận 1) rộng thênh thang, nhưng mỗi khi các “Tứ trụ” Lâm-Lê-Tấn-Vượng vào giảng thì đông nghẹt; giọng Hà Tĩnh hơi nhỏ của thầy Phan Huy Lê đòi hỏi sinh viên ngồi nghe giảng phải thật yên lặng.

Nhớ buổi đầu tiên học môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại 270 tiết dành cho hệ niên chế, chính quy khoa Lịch sử, thầy Phan Huy Lê mở đầu bằng bài về Thời Bắc thuộc và nỗi nhục mất nước. Hơn 250 sinh viên lắng nghe im phăng phắc, những sinh viên cựu chiến binh còn nguyên quân phục màu xanh ngồi ở bàn đầu hỏi thầy: “Nhục mất nước ấy do các đế vương phương bắc quen thói áp chế hay do dân ta quen chịu nhục nghìn năm”? Thầy bảo: “Làm gì có ai quen chịu nhục và mấy chục đời dân ta đều không chịu nhục”; rồi thầy hỏi lại: “Nay đất nước còn đói nghèo, các bạn có chịu nhục không”? Chúng tôi thấm thía nhìn nhau.

Nhớ buổi giao lưu với sinh viên, thầy đến nói chuyện về tuổi trẻ Việt Nam trong lịch sử. Thanh niên Sài Gòn đang sống trong không khí đại thắng, ngồi nghe chuyện lịch sử mà như muốn bật dậy theo hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị tuổi 18 đôi mươi “phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân”, hoặc theo Triệu Thị Trinh tuổi 19 “cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông”.

Hình như ai cũng phấn khởi tự tin hơn khi nghe thầy kể chuyện người thành lập nước Vạn Xuân là Lý Bí, tuổi 18 đã học rộng, hiểu sâu, văn võ kiêm toàn, được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương; chuyện người anh hùng đánh thành Tống Bình (trị sở của chính quyền đô hộ) là chàng trai Phùng Hưng có sức khỏe và khí phách đặc biệt, giỏi mưu kế, quật ngã hổ ở đất Đường Lâm; chuyện Lý Thường Kiệt 20 tuổi đã ngày luyện cung kiếm bày trận đồ, đêm chong đèn đọc binh pháp, hình thành tư tưởng “Tiên phát chế nhân”; chàng thiếu niên Trần Quốc Toản chưa đủ tuổi vị thành niên đã giương cờ “Phá cường địch, báo Hoàng ân”; còn Hồ Thơm Nguyễn Huệ ở tuổi 18 đã thành đầu lĩnh, nắm một Võ phái, cùng anh em phất cờ Tây Sơn khởi nghĩa…

Những buổi thầy giảng về thời Lê Sơ thật thú vị. Thầy đọc đoạn hay nhất trong Đại Việt sử ký toàn thư về bảo vệ chủ quyền đất nước: Năm Đinh Hợi (1467), tháng 5 Vua ban sắc dụ “Quan coi giữ bờ cõi của triều đình, cố nhiên phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài là chức phận của mình”; tháng 9 Vua căn dặn quan trấn thủ “Các ngươi chức vụ đứng đầu một phương, chống giữ biên thùy nên phòng bị những sự không ngờ, để ngăn ngừa giặc ngoại xâm”, “Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Một sinh viên đứng lên thưa thầy: “Có phải tội nghiêm như thế nên thời Lê Sơ không có ngoại xâm”? Thầy bảo: “Vua Lê ban sắc dụ nhắc nhở và yêu cầu quan quân, răn đe và ngăn ngừa từ bên trong, thiết nghĩ đó là bài học thực tế của thế kỷ bình yên ấy”.

Có buổi học, thầy cho phép sinh viên tranh luận về Luật Hồi tỵ và quan điểm “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn”. Người thì so sánh Luật Hồi tỵ thời Minh Mạng còn chặt chẽ hơn thời Lê, người thì cãi Luật Hồi tỵ thời nào chẳng cần và thời nay cũng có. Thầy nghe và nêu định hướng rằng: Nay không ai nói hồi tỵ nữa, nhưng việc “một người làm quan cả họ được nhờ” có khác gì xưa đâu và vẫn cần phải có luật cấm.

Ở Đại học Tổng hợp Hà Nội hay Đại học Tổng hợp TPHCM, GS. Phan Huy Lê thường dạy môn cơ sở Lịch sử Việt Nam cổ trung đại. Nhưng ngoài phần chuyên sâu ấy, thầy quan tâm hầu hết các lĩnh vực của lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim, cả những vấn đề liên quan đến lịch sử và văn hóa, lĩnh vực nào cũng am hiểu và nghiên cứu, phân tích và luận giải rất sâu.

GS. Phan Huy Lê là thầy của những thế hệ thầy giáo dạy lịch sử suốt nửa thế kỷ nay; đặc biệt, thầy chỉ cho chúng tôi phương pháp tiếp cận bộ phận và lợi thế của cách tiếp cận ấy: Chọn lọc trong lịch sử văn hóa Việt Nam một số vấn đề cốt lõi, căn bản nhất để nghiên cứu; tiếp cận bộ phận như thế không chỉ giúp người đọc hiểu sâu bộ phận đó, mà có thể kết nối với các bộ phận còn lại để có nhận thức chung về cả hệ thống.

Thầy quan tâm đến bộ phận lịch sử phía nam và tâm sự: “Lịch sử Nam Trung Bộ chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ XVI, lịch sử Nam Bộ bắt đầu từ thế kỷ XVII. Vậy trước đó? Một khoảng trống lịch sử rất chơi vơi, cần phải được nhận thức thêm”. Thầy cho rằng: “Nhìn nhận về lịch sử phải hết sức khách quan và cái gì khách quan của lịch sử mới tồn tại lâu dài được”.

Từ sau giải phóng đến nay, bước chân của thầy đặt đến khắp mọi miền Tổ quốc từ Bắc vào Nam, từ biên giới phía bắc đến biên giới phía tây và biên giới Tây Nam, từ đất liền ra hải đảo. Chuyến lên Tây Nguyên ở tuổi 80, thầy mừng với những phát hiện mới về khảo cổ học ở Tây Sơn Thượng đạo, đem xem xét đối chiếu kỹ lưỡng rồi thầy đánh giá: Những phát hiện ấy “làm thay đổi sâu sắc những hiểu biết về lịch sử thời cổ đại của người Việt Nam, từ đó, lịch sử đã được nâng lên một tầm vóc mới”. Chuyến ra Trường Sa vừa trong tháng 5/2018 ở tuổi 84 không ngờ là chuyến điền dã sử học cuối cùng… Thầy nói trong điện thoại: “Thú vị lắm, thỏa mãn lắm”.

Từ năm 2014 đến nay, GS. Phan Huy Lê được cử làm Chủ nhiệm Ban Chủ nhiệm Đề án KHXH cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” - Bộ quốc sử mang tính quốc gia chính thống gồm 25 tập từ thời nguyên thủy đến năm 2015 và 5 tập Biên niên sự kiện. Nhưng thầy tổ chức triển khai và ráo riết đôn đốc toàn giới sử học nước nhà “vào cuộc” từ bấy lâu nay rồi; đội ngũ viết quốc sử do GS. Phan Huy Lê tập hợp đã quán triệt sâu sắc nguyên lý mới trong nhận thức toàn diện và toàn bộ về lịch sử Việt Nam: Lịch sử không chỉ là lịch sử gắn với các triều đại mà phải là lịch sử gắn với nhân dân, lịch sử của toàn bộ 54 dân tộc chứ không chỉ là lịch sử dân tộc đa số, lịch sử chống ngoại xâm dù nổi bật đến đâu cũng cần được trình bày từ nhiều phía; đã và đang thực hiện trở lại những “không gian lịch sử bị bỏ rơi”, lấp đầy những “khoảng trống lịch sử”, làm rõ những “điểm mờ” của lịch sử… Thế cho nên thầy yên tâm ra đi, như một chuyến điền dã dài lâu về với lòng đất mẹ.

Nhớ bài giảng của thầy cùng bao việc của một nhà khoa học xông xáo dám nghĩ dám làm, những thế hệ được thầy đào tạo đã và đang tiếp tục sự nghiệp nhà giáo, nhà sử học. Chắc chắn kết quả một mai sẽ đạt được như thầy tâm huyết, vì “sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.

Hà Minh Hồng

Khoa Lịch sử - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/nho-thay-gs-phan-huy-le/339733.vgp