Nhớ thời khắc lịch sử

Chiều chủ nhật ngày 2/9/1945, trên 50 vạn nhân dân các khối phố Hà Nội và vùng lân cận tập hợp tại Vườn hoa Ba Đình. Từ trên lễ đài vừa được dựng trước đó vài tiếng đồng hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện cùng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong khoảnh khắc đó, qua loa phóng thanh, nhân dân đã chứng kiến một văn bản được đọc bằng thứ chất giọng xứ Nghệ chậm rãi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đoạn vạch trần những tộc ác của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại vài giây rồi Người bỗng hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Liền theo đó, cả biển người đang chăm chú nghe cùng đáp: "Có…" lan đi khắp không gian.

Lễ Độc lập tại Vườn hoa Ba Đình, ngày 2/9/1945

25 năm sau thời khắc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người trực tiếp tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang lên xe ra Vườn hoa Ba Đình nhớ lại trong hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" rằng, kể từ giây phút ấy Hồ Chí Minh và nhân dân đã hòa làm một.

Nếu chọn một thời khắc mang tính biểu tượng cao nhất cho cả buổi lễ Độc lập 2/9/1945 thì chắc chắn đó là giây phút ấy. Từ Lễ đài Độc lập, cách không xa Phủ toàn quyền Đông Dương, biểu trưng của chế độ thực dân, nơi mà người dân Hà Nội vẫn mỉa mai gọi là "dinh ông quan bảy" từ nay đã chứng kiến phút cáo chung của mấy mươi năm nô lệ cùng mấy mươi thế kỷ phong kiến. Khát vọng độc lập tự do và xa hơn là hội nhập với toàn thế giới của nước Việt Nam mới không còn nghi ngờ gì nữa, đã được khẳng định.

Những chính trị gia lãnh đạo nhiều nước khi ở vào những thời điểm quan trọng muốn có được tính chính danh thường có thói quen sử dụng công cụ trưng cầu ý dân với những vấn đề mệnh hệ của quốc gia. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời vấn nhân dân "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" lại có sức mạnh gấp bội phần một cuộc trưng cầu dân ý. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi ấy lời văn Tuyên ngôn độc lập có thể bị ngắt quãng nhưng điều đó không quan trọng bằng ý kiến của toàn thể nhân dân. Dù không nằm trong nội dung bản Tuyên ngôn, nhưng câu hỏi vô cùng mộc mạc, giản dị vừa thể hiện sự gần gũi của vị Chủ tịch nước đối với nhân dân, vừa mang tính nhân văn cao cả của một nhà văn hóa kiệt xuất, nhân cách lớn...

Nhiều người băn khoăn là trong thước phim quay về ngày lễ Độc lập 2/9/1945 được công chiếu lâu nay không thấy ghi giây phút lịch sử trên. Thực tế, bản phim gốc được quay cũng không có lời văn Tuyên ngôn độc lập. Theo tư liệu của ông Trần Lâm - Tổng giám đốc đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam - khi đó, điều kiện kỹ thuật không cho phép ghi lại lời Tuyên ngôn độc lập. Sau năm 1954, khi Đài Tiếng nói Việt Nam được tăng cường cơ sở kỹ thuật, trong một lần gặp Bác, ông Trần Lâm đã mạnh dạn đề nghị với Bác đọc lại bản Tuyên ngôn độc lập để ghi âm và được Bác đồng ý. Ca khúc "Ba Đình nắng" do nhạc sĩ Bùi Công Kỳ phổ thơ Vũ Hoàng Địch được các tác giả viết gần như ngay sau ngày lễ Độc lập 2/9/1945 qua hơn 7 thập kỷ vẫn là ca khúc "độc nhất vô nhị" vì đưa được lời nói thân thương, gần gũi mà rất hào sảng của Bác Hồ trong ngày lễ ra mắt quốc dân đồng bào giữa Ba Đình lịch sử: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?". Câu nói ấy được lồng vào giai điệu với 7 nốt nhạc, vừa tự nhiên mà nghe thật tình cảm, làm xúc động hàng triệu triệu tấm lòng đồng bào cả nước!

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/nho-thoi-khac-lich-su-108084.html