Nhớ thương nước chè cắp nách

Giống như mọi thứ quà vặt bán rong ở Hà Nội, nước chè một thời cũng cắp nách bán rong như thế.

Nói đến thú vui trà lá thường ta nghĩ đến một hiên trà nhàn hạ ngâm vịnh đối xướng của các bậc chí sĩ. Hoặc ở nơi quyền quý quan trường kẻ hầu người hạ răm rắp điếu đóm. Thường dân cũng có cách uống nước chè của mình.

Ở nông thôn thường những hàng nước chè chọn gốc đa đầu làng làm nơi dựng quán. Khách khứa là người làng và cả những khách qua đường. Đìu hiu tạm bợ mái tranh với mấy chiếc ghế gỗ dài kê vòng quanh chiếc bàn mộc mạc.

Quán nước chè là một “cửa hàng bách hóa” ăn vặt của người quê. Hà Nội từng là nhiều làng quê họp lại. Nét sinh hoạt nông dân còn ghi đậm dấu ấn trên khắp các phố phường.

Hình thức quán nước chè thôn quê như vậy còn tồn tại cho đến tận những năm 90 thế kỷ trước. Những quán nước chè gia truyền có thể đến bốn, năm đời thị dân nào cũng biết. Dân ngồi quán nước chè còn có thể thuộc tên vài đời chủ quán.

Thế nhưng nước chè cắp nách mới là đặc sản của Hà Nội. Thứ hàng quán này ở các tỉnh, thành khác chỉ có mặt ở nhà ga, bến xe mà thôi. Những năm chiến tranh bom đạn, nước chè cắp nách phổ biến khắp phố phường. Hình ảnh quen thuộc nhất của họ là một thiếu phụ trung niên ngả sang tuổi tác đội chiếc nón lá sùm sụp.

Họ mặc bộ quần áo công nhân và dứt khoát sẽ đi đôi giày ba ta bảo hộ lao động cùng màu. Thứ trang phục này không ngờ lại rất đắc dụng với những người đi bán nước chè dạo. Thực ra thì nhiều người trong số họ là công nhân ở các nhà máy xí nghiệp nhà nước tranh thủ làm thêm.

Một chiếc làn tre có quai dài đeo bên hông. Trên vành chiếc làn là vài ba cái ghế con treo lủng lẳng cùng với chiếc điếu cày lên nước sáng bóng. Nước chè được hãm trong chiếc ấm tích ủ kỹ bằng giẻ cũ cáu ám cặn chè trong làn. Cạnh nó là vài bó thuốc cuộn đựng trong lọ thủy tinh cao.

Thuốc lá vài bao giắt quanh miệng làn. Và một thứ không thể thiếu là chiếc giẻ lau chén. Bán hết ấm tích nước chè phải quay về nhà hoặc tổ phục vụ lấy nước sôi pha ấm khác cũng là lúc giặt chiếc giẻ lau chén duy nhất ấy.

Nước chè cắp nách dĩ nhiên không ngồi một chỗ dù rằng chủ nhân của nó luôn mong muốn như thế. TP quản lý rất chặt chẽ những chỗ ngồi bán nước cố định trên vỉa hè. Để mở được quán nước chè chén trên hè phố ngày ấy còn khó khăn hơn lập hẳn một công ty trách nhiệm hữu hạn bây giờ.

Lúc ấy những người Hà Nội đi kinh tế mới trên các vùng núi phía Bắc thất bại lếch thếch kéo nhau về phố khá nhiều. Vài người còn nhà cửa quay lại nhà mình. Nhiều người đã bán hết tài sản đành tá túc trong những ô gầm cầu dưới đường dẫn lên cầu Long Biên.

Dọc con phố Phùng Hưng lúc ấy khá nhiều hàng nước chè mở ra và được TP cho phép sinh nhai tạm bợ bằng cách ấy. Nước chè cắp nách không có được cái ưu ái như vậy. Họ buộc phải rong ruổi trên đường. Nhiều người khi về hưu trở thành chuyên nghiệp. Phần lớn chỉ là nghiệp dư đi bán hàng vào ngày nghỉ hoặc buổi tối. Nghiệp dư như thế nhưng cũng nhiều người tạo được hệ thống khách quen của mình.

Chỉ bằng thứ vũ khí sơ đẳng nhất của nước chè. Đó là cách pha chè và chiếc điếu cày kêu nhức óc. Khách nhiều người còn nhớ cả lịch bán hàng của từng bà chủ nước chè cắp nách. Bà ấy bà nọ bán chiều thứ Năm, thứ Bảy và tối Hai, Tư, Sáu…

Nước chè cắp nách đã không còn xuất hiện ở Hà Nội từ lâu rồi. Thảng hoặc lắm bây giờ mới thấy lại vài người bán ở những nhà ga xép tỉnh lẻ. Họ đón những chuyến tàu chạy tuyến ngắn chủ yếu về đêm. Ban ngày là không thể cạnh tranh được với hàng quán nườm nượp khắp nơi quanh đấy. Nước chè cắp nách biến mất ở Hà Nội cũng lẳng lặng như ngày nó ra đời. Chưa từng thấy ai rao bán nước chè trên phố.

Nhà văn Đỗ Phấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nho-thuong-nuoc-che-cap-nach.html