Nhớ tô canh bột cá đô…

A lô, con chào mệ nội (tiếng địa phương miền Trung có nghĩa là bà nội). Mệ nội khỏe không? Mệ nội đã ăn cơm chưa?

Đầu dây bên kia, giọng của người phụ nữ đã lớn tuổi trả lời:

- Mệ nội đây. Đứa mô đó (đứa nào vậy)?

- Dạ, cháu Ken đây.

- Cu Ken đó à. Mệ ăn cơm rồi. Mấy bữa ni (nay) ngoài quê trời rét nên mệ nhức mỏi trong người. Cháu gắng học giỏi, chăm ngoan, nghỉ hè về chơi với mệ nghe (nhé).

Cứ trưa chủ nhật hàng tuần, sau buổi học ngoại ngữ ở trung tâm về là con trai tôi lại mượn điện thoại của ba để gọi hỏi thăm sức khỏe mệ nội. Con trai tôi năm nay 11 tuổi, học lớp 5. Từ khi cháu còn nhỏ, tôi đã dạy cháu một số từ địa phương của người miền Trung nên cháu có thể nghe, hiểu, nói được “giọng trọ trẹ” của quê hương mình.

Mạ (mẹ) tôi năm nay 78 tuổi. Bà sinh năm Ất Dậu (1945). Mệ () ngoại tôi sinh được ba người con, mẹ tôi là con gái út. Năm mạ tôi lên 7 tuổi, ông ngoại tôi hy sinh (ông hy sinh năm 1952, là liệt sĩ kháng chiến chống Pháp). Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, với dã tâm của Mỹ - Diệm, đất nước ta bị chia làm 2 miền. Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành nỗi đau chia cắt. Quê ngoại tôi ở xã Gio Lễ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) - nay là xã Gio Châu, huyện Gio Linh. Với vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Cồn Tiên, Dốc Miếu và chỉ cách sông Bến Hải khoảng hơn 10km nên địch đã tăng cường ở đây lực lượng dày đặc cộng với khí tài tối tân, hiện đại. Sống giữa sự kìm kẹp của chế độ ngụy quyền nhưng người dân ở đây vẫn một lòng theo cách mạng. Gia đình mệ ngoại tôi là cơ sở nuôi giấu cán bộ nằm vùng. 15 tuổi, mạ tôi làm liên lạc, rồi tham gia du kích, sau đó được cử đi học lớp y tá phục vụ chiến trường. Đầu năm 1969, bà bị thương trong một đợt oanh tạc của máy bay địch. Đơn vị đưa bà ra điều trị vết thương ở khu vực Vĩnh Linh. Sức khỏe tạm bình phục, bà tiếp tục trở lại quê nhà Gio Lễ phục vụ chiến đấu cho đến ngày tỉnh Quảng Trị được giải phóng (1-5-1972). Đất nước thống nhất, bà được phân công về làm Trưởng trạm y tế xã Gio Lễ, huyện Gio Linh.

Cuối năm 1977, ba mạ (bố mẹ) tôi nên duyên vợ chồng. Bà xin nghỉ việc ở trạm y tế xã để về sống ở quê chồng. Anh em chúng tôi chào đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mạ tôi do bị thương trong chiến tranh nên sức khỏe yếu, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương cũ lại hành hạ khiến bà đau đớn nhưng vẫn gắng gượng chịu đựng. Nhớ những bữa cơm độn, cơm ít nên dính chặt hết vào khoai, sắn trong nồi thế là mạ tôi lại cẩn thận gạt lấy từng muỗng cơm trắng dành cho anh em chúng tôi. Còn ba mạ tôi chỉ ăn uống qua loa, nhiều bữa chỉ có khoai lang luộc hoặc củ sắn (củ mì) chấm muối mè (vừng).

Đến mùa giáp hạt, bà phải cắp thúng lên làng trên xóm dưới để mượn “lúa non” mong sao cho anh em chúng tôi có bữa cơm no. Tôi vẫn còn nhớ như in kỷ niệm tôi và anh trai đi chia vịt của hợp tác xã về ăn Tết Đoan ngọ (5 tháng 5 âm lịch). Do còn quá nhỏ và chưa có “kinh nghiệm” nên mãi đến xế chiều anh em chúng tôi mới mang được 2 con vịt về đến nhà. Ngặt một nỗi là do vịt còn quá nhỏ, lại ốm nhom nên mạ tôi không đành lòng làm thịt chúng. Anh em tôi phần thì đói bụng, phần thì quá mệt nên lăn ra ngủ lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy chẳng thấy thịt vịt đâu, tôi vùng vằng định “ăn vạ”. Như đoán trước tình huống này, bà “đền” cho anh em chúng tôi mỗi đứa một tô canh bột lọc nấu với cá đô (cá lóc), cho thêm ít củ ném (hành tăm) đâm nhuyễn tao mỡ heo thơm nức mũi. Còn 2 con vịt hợp tác sẽ “bồi dưỡng” cho béo rồi làm thịt sau! Ngồi nhìn anh em tôi ăn sì sụp, bà mỉm cười đôn hậu rồi kín đáo dùng tay áo thấm vội dòng nước mắt. Dòng nước mắt của niềm hạnh phúc và tình thương yêu ba la dành cho các con.

Anh em chúng tôi nay đã lớn, có gia đình riêng. Ba tôi qua đời ở tuổi ngoài tám mươi. Còn lại mạ tôi một mình. Bà muốn ở vậy nhang khói cho chồng, không phiền đến con cháu. Bà chi tiêu rất tiết kiệm. Tiền chế độ thương binh bà để dành đến dịp tết mừng tuổi hoặc thưởng cho các cháu đạt thành tích trong học tập. Bà vẫn tham gia sinh hoạt trong chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ ở quê một cách đều đặn. Mỗi lần có dịp qua Đồng Xoài, tôi vẫn có thói quen tìm đến các quán bánh canh cá lóc của các bà, các mệ để phần nào khỏa lấp nỗi nhớ nhà. Thế nhưng, cái vị của tô canh bột lọc nấu với cá đô (cá lóc) của mạ (mẹ) ngày xưa thì không thể nào thay thế được.

* Bài viết có sử dụng một số từ địa phương miền Trung, phần chữ nghiêng phía sau là từ phổ thông.

Chính Trực

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142076/nho-to-canh-bot-ca-do