Nhờ Trung Quốc, cổ phiếu thép thế giới 'bốc đầu'

Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng và chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp giá thép thế giới phục hồi mạnh mẽ.

Cổ phiếu các công ty thép đang được giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2011 phần lớn là do sản lượng của Trung Quốc bị cắt giảm.

Nhu cầu thép của Trung Quốc - quốc gia sản xuất tới một nửa lượng thép trên toàn thế giới, tăng mạnh trong năm nay. Trong khi đó, chính phủ thực hiện một loạt các chương trình giảm trữ lượng và sản lượng thép trong nước, điển hình như đóng cửa các nhà máy hoạt động kém hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng thừa thép trên thị trường và ô nhiễm không khí.

Trung Quốc cắt giảm khoảng 120 triệu tấn thép chất lượng thấp trong nửa đầu năm nay nhằm giải quyết tình trạng thừa sản lượng, đồng thời đối phó với ô nhiễm môi trường.

Riêng tỉnh Hà Bắc - nơi được mệnh danh là thủ phủ ngành thép, có tới 104 nhà máy chiếm 1/4 sản lượng Trung Quốc. Tỉnh này cam kết cắt giảm sản lượng tới 31,17 triệu tấn đến hết năm 2017 và 49,13 triệu tấn vào năm 2020. Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ nhà máy thép tại thành phố Langfang và Zhangjiakou.

Đầu tháng 7, cơ quan giám sát chất lượng của Trung Quốc cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thành lập các đội kiểm tra và chọn ngẫu nhiên 100 nhà máy thép để kiểm tra chất lượng. Tổng cục Giám sát và Kiểm tra Chất lượng và Kiểm dịch cho biết đối với các nhà máy bị phát hiện sản xuất thép chất lượng thấp có thể sẽ bị tước giấy phép sản xuất nếu không cải thiện chất lượng sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định. Kết quả cuộc điều tra sẽ được đưa ra trong tháng 8 tới.

Nhu cầu tăng, sản lượng giảm đã khiến "ông lớn" ngành thép trên thế giới phải thắt chặt xuất khẩu. Tất cả những yếu tố cộng hưởng này cùng lúc khiến giá thép phục hồi mạnh trở lại và giúp thước đo về nhóm cổ phiếu thép toàn cầu của Bloomberg tăng vọt 45% trong năm vừa qua.

Nhiều chính trị gia trên thế giới trong đó có tổng thống Donald Trump trong những năm gần đây liên tục cáo buộc Trung Quốc đã làm giá thép giảm, gây thiệt hại đến ngành thép trong nước. Tổng thống Donad Trump cho rằng ngành thép của Mỹ bị tổn thương nghiêm trọng do thép giá rẻ của Trung Quốc. Hàng loạt các nước từ Mỹ đến Ukraine đề ra hơn 100 biện pháp hạn chế thương mại áp đặt lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước thép giá rẻ của quốc gia này.

Cùng lúc đó, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ đã kích thích nhu cầu thép trong nước. Các cơ quan chức năng liên tục đẩy mạnh chiến dịch càn quét nhà máy thép kém chất lượng. Những yếu tố này đã khiến xuất khẩu thép của nước này giảm tới 28%.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu thép Trung Quốc giảm 2,4% so với tháng trước xuống còn 6,81 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ông Lee McMillan, chuyên gia đến từ Clarksons Platou Securities ở New York, cho rằng vẫn chưa nên vội mừng khi sản lượng thép của Trung Quốc có thể tăng trở lại. "Biên lợi nhuận thép càng tăng thì càng khuyến khích các công ty sản xuất thép chất lượng cao tăng cường sản lượng. Thế nhưng, dù vậy giá thép vẫn cao nhờ nhu cầu thép ở nước này vẫn đang tăng".

Việc Trung Quốc thắt chặt sản lượng thép đã đẩy giá tại thị trường châu Âu và Mỹ tăng vọt khoảng 75% trong vòng 18 tháng qua. Đợt phục hồi giá này được thúc đẩy bởi nhu cầu bền vững, và công ty sản xuất thép hàng đầu ArcelorMittal kỳ vọng mức tiêu thụ của Mỹ sẽ tăng 4% trong năm nay. Các chuyên gia ngành tại châu Âu nâng mức dự báo tăng trưởng nhu cầu thép tại khu vực này lên 1,9%.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia hy vọng Bộ Thương mại Mỹ điều tra lượng thép nhập khẩu theo điều 232 có thể khiến các quốc gia khác áp dụng nhiều hơn nữa các biện pháp hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Trong khi chỉ có 1 khối lượng nhỏ thép của Trung Quốc được nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ thì các công ty của Mỹ vẫn có thể mua thép của Trung Qquốc thông qua một số nước khác điển hình là các nước khu vực Đông Nam Á.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nho-trung-quoc-co-phieu-thep-the-gioi-boc-dau--2017072403444527p4c146.news