Nhớ về 'vua vận tải' năm xưa

Những chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau này còn được nhiều chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới và cả tướng lĩnh của đội quân viễn chinh Pháp khâm phục.

Hình ảnh đoàn dân công với những chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch lịch sử được các họa sĩ tái hiện lại trong bức tranh panorama Trận chiến Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhiều tư liệu lịch sử đã ghi lại: Tướng Navarre quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954 vì cho rằng khu vực này hiểm trở, cách xa hậu phương, ta sẽ khó khăn trong việc vận chuyển lương thực. Navarre tính toán, mỗi người có thể vận chuyển 10-20kg vào mặt trận, nhưng sau khi đi cả quãng đường dùng gần hết, chỉ còn từ 0,8-2kg, không đủ để phục vụ cho mặt trận. Trong khi Pháp, với cầu hàng không hiện đại, 5 tấn hàng sẽ được đáp xuống sân bay Mường Thanh chỉ sau một tiếng rưỡi.

Vậy nhưng, suy tính của Navarre đã thất bại hoàn toàn trước tinh thần chủ động, sáng tạo của quân dân Việt Nam. Trong chiến dịch này, ta đã huy động toàn bộ phương tiện từ xe cơ giới đến thô sơ, đặc biệt là xe đạp thồ để vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, đạn dược vào mặt trận. Thực dân Pháp đâu thể ngờ chiếc xe nhỏ bé thô sơ này lại có thể đánh bại cầu hàng không hiện đại mình năm đó.

Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng người dân công Phú Thọ tại Nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Tham quan Nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại TP. Điện Biên Phủ, chúng tôi vừa ngắm nhìn chiếc xe thồ đã làm nên lịch sử năm xưa, vừa lắng nghe lời người thuyết minh: Chiếc xe đạp hiệu PeuGeot của Pháp, là chiến lợi phẩm ta thu được từ những chiến dịch ở đồng bằng, được dân công của ta cải tiến để có thể di chuyển thuận lợi ở mọi địa hình, trở thành “vua vận tải” trên chiến trường. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động được 20.991 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100-150kg lương thực. Nhưng đặc biệt chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thắng người dân công Phú Thọ, ông đã sáng tạo nâng tải trọng chiếc xe lên đến 337kg trong một chuyến.

Tôi nhớ lại hôm đoàn công tác của chúng tôi dừng chân nghỉ ở đèo Pha Đin, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc hùng vĩ, giữa mây trời hòa quện, anh bạn đồng nghiệp tôi đã đọc ngay mấy câu thơ trong bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu:

“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ

Đèo Lũng Lô anh hò chị hát

Dù bom đạn xương tan thịt nát

Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”.

Ngồi cạnh tôi, nhà báo Phan Hữu Minh giới thiệu thêm: Trong kháng chiến chống Pháp, Pha Đin là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực của ta cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần cả nước ra trận, những đoàn xe đạp thồ và các loại xe thô sơ, cơ giới nối đuôi nhau băng qua đèo cao, vực thẳm vận tải cơ động phục vụ chiến trường, góp phần để ta đánh bại thực dân Pháp. Sở dĩ ta chọn xe thồ vì nó có thể vận chuyển được nhiều địa hình, kể cả đèo dốc và những địa hình xe cơ giới không đi được, mà năng suất cao hơn nhiều lần gánh bộ.

Càng những ngày cuối chiến dịch, từng đoàn xe ô tô, xe ngựa thồ, đặc biệt là hàng vạn chiếc xe đạp thồ từ các vùng tự do, vùng mới giải phóng Tây Bắc đã băng rừng, vượt suối, cung cấp nguồn hàng vô tận cho tiền tuyến lớn.

Sau này khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc, Navarre phải thừa nhận: Một trong những lý do khiến ông ta thất bại lại chính bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản thô sơ, được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh. Họ ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh ni lông trải ngay bìa rừng, nhưng lại có khả năng điều khiển những chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm kg, đánh bại các loại vũ khí tối tân như xe tăng và pháo lớn của quân đội Pháp.

Trong những ngày cả nước hướng về Điện Biên, ngày nào chúng tôi cũng cập nhật những thông tin thời sự nóng hổi về công tác chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ. Điểm nhấn trong sự kiện này là việc tái hiện lại hình ảnh những chuyến xe đạp thồ năm xưa.

Khi xem phóng sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, các chiến sĩ đang tập luyện điều khiển xe thồ chia sẻ để giữ được thăng bằng không dễ, nhất là khi chở lượng lớn hàng trên xe. Nói thế để thấy, chúng ta cảm phục biết bao khi xưa, giữa địa hình đèo dốc cao hiểm trở, các dân công của ta, trong đó có những người con của Thái Nguyên, với sức mạnh phi thường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử tải gạo, vũ khí đạn dược bằng xe đạp thồ đến chiến trường, góp công lớn vào chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tôi đọc lại tư liệu, ghi lời kể của ông Nguyễn Văn Tố, ở phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên), cách đây 10 năm. Khi đó, ông Tố ngoài 90 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, ông kể: Tháng 9-1953, Ủy ban Hành chính thị xã Thái Nguyên quyết định thành lập một trung đội xe thồ tải gạo lên Điện Biên Phủ nhằm thiết lập cầu nối giữa hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Tôi tình nguyện lên đường tham gia tải gạo, được giao nhiệm vụ Trung đội phó kiêm Chính trị viên Trung đội xe thồ của Thái Nguyên có tổng số 55 người.

Đầu năm 1954, đơn vị ông Tố được điều vào cung đoạn hỏa tuyến để vận chuyển hàng hóa. Khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt, cần chi viện một lượng lớn lương thực, mỗi xe được yêu cầu cần tăng tải trọng từ 50kg/xe ban đầu lên 70kg, rồi 120, 195, 250kg và đỉnh điểm nhiều lúc có xe chở đến 300kg lương thực…

Những chiếc xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này còn được nhiều chuyên gia quân sự hàng đầu thế giới và cả tướng lĩnh của đội quân viễn chinh Pháp khâm phục. Và mỗi người dân Việt Nam chúng ta có quyền tự hào, điều khiến cả thế giới ngưỡng mộ chính là tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân dân ta, mà sự góp sức lớn là của các dân công cả nước với những chuyến xe thồ lịch sử đã trở thành huyền thoại…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/70-nam-chien-thang-dien-bien-phu/202404/nho-ve-vua-van-tai-nam-xua-4151777/