Nhọc nhằn diêm dân 'cõng nắng' trên cánh đồng trắng

Đời diêm dân bao đời nay vẫn oằn mình 'cõng nắng', bởi nắng càng to, nước càng bay hơi nhanh, sản lượng muối thu được càng nhiều. Nếu trời mưa thì công việc làm muối sẽ bị gián đoạn, thậm chí mất trắng cả ngày công.

Một ngày cùng diêm dân "cõng nắng" trên cánh đồng trắng.

Nghề làm muối gắn liền với vị mặn chát của biển cả và những diêm dân (tên gọi chung của những người sống bằng nghề làm muối). Nắng càng to, diêm dân càng cặm cụi làm việc để tạo ra những mẻ muối trắng mặn mòi. Những hạt muối đó là kết tinh hương vị của biển cả và những giọt mồ hôi của các diêm dân đổ xuống cánh đồng.

Nghề làm muối gắn liền với vị mặn chát của biển cả và những diêm dân (tên gọi chung của những người sống bằng nghề làm muối). Nắng càng to, diêm dân càng cặm cụi làm việc để tạo ra những mẻ muối trắng mặn mòi. Những hạt muối đó là kết tinh hương vị của biển cả và những giọt mồ hôi của các diêm dân đổ xuống cánh đồng.

Có mặt trên cánh đồng muối ở xã Bạch Long vào những ngày nắng như "đổ lửa" chúng ta mới cảm nhận được sự vất vả của nghề làm muối – cái nghề phải “bán mặt cho biển, bán lưng cho trời” từ sáng đến chiều để làm ra những hạt muối trắng tinh.

Cánh đồng muối xã Bạch Long từ xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi đắp thêm. Người dân từ khắp mọi nơi đổ về đây sinh sống, lập làng, lập xã. Đến nay, xã Bạch Long đã trở thành vùng đất màu mỡ với nghề chính là nghề làm muối.

Để làm ra hạt muối, người nông dân phải dậy từ sáng sớm tinh mơ. Từ phơi cát cho khô, làm sạch trước khi đưa vào chạt lọc nước, đến đưa nước vào thống trước khi đổ vào các ruộng muối.

Hàng ngày, 6 giờ sáng công việc đầu tiên của diêm dân là ngâm cát cùng nước biển và làm đất. Trên những cánh đồng muối, rất nhiều ô đất được khoanh lại theo hình chữ nhật để làm mịn bề mặt như sân đất nện, sau đó đổ cát ngấm nước phơi lên trên. Thỉnh thoảng, chủ nhân của ruộng muối lại phải tưới thêm nước biển lên sân để tăng độ mặn. Khi có nắng, sau 8 tiếng đợi nước biển bốc hơi là đã có muối kết tinh bám theo bề mặt cát.

Đổ nước vào sân phơi cũng được diêm dân tính toán kỹ càng thời điểm hấp thụ ánh nắng.

Diêm dân dùng những chiếc bầu múc nước từ thống cái đã được tinh lọc có độ mặn hơn nước biển rồi đổ lên những chiếc sân phơi bằng xi măng như những ô bàn cờ khổng lồ.

Việc đổ nước biển lên sân phơi được người dân làm hết sức thành thạo, ô nhỏ thì 2 bầu, ô lớn 3-4 bầu, lượng nước nhiều ít cũng phải tùy thuộc nắng to hay nhỏ, nếu không khéo muối sẽ bị “khê” hoặc không kết tinh được.

Thời điểm thích hợp để thu hoạch muối là 13 giờ chiều, khi bề mặt nước trên những thửa ruộng kết tinh thành hạt muối trắng nhỏ li ti. Lúc này công việc thu gom cát bắt đầu, diêm dân thu cát thành từng luống rồi xúc lên xe cút kít.

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, hình ảnh những diêm dân in bóng dài trên cánh đồng muối đang đội nắng hối hả, tất bật dùng bạt, xẻng để gom những mẻ muối trắng ngần.

Những đụn muối nhỏ trắng tinh được cào trong ruộng, lấp lánh phản chiếu dưới ánh mặt trời, đợi thương lái đến thu mua hoặc đưa vào trong kho.

Mùa làm muối của diêm dân nơi đây bắt đầu từ cuối tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 hàng năm khi mùa mưa xuất hiện. Để làm ra những hạt muối trắng tinh thì diêm dân thường bắt đầu công việc từ sáng sớm tinh mơ khi những tia nắng còn chưa xuất hiện và kết thúc vào chiều tối muộn.

Hơi biển mặn chát cùng những giọt mồ hôi thấm đẫm lưng áo nhưng diêm dân luôn vui cười, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui gánh những gánh muối trên vai. Đối với diêm dân, nghề làm muối không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà đó chính là cuộc sống của họ.

Đến cánh đồng muối Bạch Long, được chứng kiến người dân tạo ra những hạt muối trắng ngần ấy chúng ta mới hiểu, cảm nhận được phần nào những khó khăn vất vả của diêm dân chân chất thật thà nơi đây - những người ngày ngày đội nắng chắt lọc sự tinh túy của biển cho đời.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diem-dan-cong-nang-tren-canh-dong-trang-169230529153528648.htm