Nhọc nhằn đường đến bục giảng

SGTT - Cường bảo, chắc chắn anh không thể đứng trên bục giảng như ngày hôm nay nếu không có sự cưu mang của một người thầy. Với anh, người đó, gọi bằng thầy thôi chưa đủ. Đó còn là một người cha, một người anh, một người ơn…

Tiếp sức người thầy Thầy Cường hướng dẫn học sinh làm vật dụng tuyên truyền, dự thi Học trong gian khó Ở vùng Ngọc Hiển, Năm Căn của đất Cà Mau ngày ấy, chuyện con người sinh ra, lớn lên và chết đi mà chưa một lần bước chân ra khỏi những cánh rừng đước vốn là chuyện bình thường. Nên mười mấy năm trước, Đồng Minh Cường vượt sông đi học trong sự nghèo nàn, thiếu đói đến cùng cực là chuyện lạ ở mảnh đất cuối trời Nam. Đã có lúc Cường nghĩ mình không thể vượt qua con sông dài trước ngõ cũng như không thể vượt lên chính số phận của ba mẹ, của bà con nơi đây bởi thời ấy, nhà anh có hôm không còn gạo để nấu cơm. Mười anh em Cường nhọc nhằn lớn lên nhờ mấy công ruộng ngập mặn ba mẹ khai hoang. Rồi mẹ bị tai nạn, ba anh bán hết đất để chạy chữa cho bà. Không còn một tấc đất, ba Cường dựng lên căn nhà sàn bằng gỗ tạp, nhỏ bé, cheo leo trong rừng đước để các con có chỗ trú thân. Mẹ Cường thoát chết trở về nhưng tinh thần không còn ổn định và thường xuyên đau ốm. Các anh chị Cường lần lượt lập gia đình rồi làm mướn, làm thuê mà vẫn bữa đói bữa no. Chuyện học hành của Cường càng ngày càng khó bởi trường học quá xa, phải vượt qua một đoạn sông dài từ Ngọc Hiển sang Năm Căn mà ba mẹ thì không còn khả năng nuôi anh ăn học, dẫu anh là đứa con duy nhất của ông bà theo học đến cấp ba. Chúng tôi rất mong nhận được những tấm lòng hảo tâm của quý bạn đọc dành cho gia đình thầy giáo Đồng Minh Cường, giáo viên trường tiểu học II, thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Mọi đóng góp xin vui lòng gởi về: báo SGTT, 25 Ngô Thời Nhiệm, P.6, Q.3, TP.HCM, 39307825, email: tiepsucnguoithay@sgtt.com.vn hoặc gởi vào tài khoản của chương trình Tiếp sức người thầy: tên tài khoản: quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục – EDF, số tài khoản: 001234230001 (VND) hoặc 001234230002 (USD) tại ngân hàng Đông Á – chi nhánh Q.3. Mời quý khán giả, quý bạn đọc đón theo dõi câu chuyện của thầy giáo Đồng Minh Cường vào lúc 21g40 ngày 2.3 trên kênh HTV9 qua chương trình Tiếp sức người thầy hoặc xem lại tại website: sgtt.com.vn/media sau ngày 2.3. Khi không còn chút hy vọng nào để có thể tiếp tục đến trường, Cường đã chuẩn bị cho việc về nhà làm thuê kiếm sống thì thầy Lê Văn Đức dang tay đùm bọc cho anh. Khi đó, thầy là hiệu trưởng trẻ tuổi của trường tiểu học II, thị trấn Năm Căn, cuộc sống bằng đồng lương giáo viên của thầy ngày ấy cũng không hề dư dả. Thầy đã gọi anh đến, cho anh ở cùng trong nhà tập thể, nuôi anh ăn học và hướng anh vào ngành sư phạm. Bây giờ, dẫu thầy Đức đã chuyển sang công tác ở một đơn vị khác nhưng với Cường, thầy Đức không chỉ là một người thầy, dẫn lối cho anh vào nghề, giúp anh có một nơi công tác mà còn như một người ơn. Tiếng đám học trò nhỏ lao nhao chờ thầy Cường hướng dẫn trò chơi đã cắt ngang câu chuyện của chúng tôi, thầy giáo tổng phụ trách ấy lại tất bật với công việc của mình. Anh ra sân, hướng dẫn các em tập nghi thức, chơi trò chơi rồi lại vào phòng, chuẩn bị nội dung cho buổi sinh hoạt kể chuyện truyền thống. Cường kể, anh thi vào trung học Sư phạm Cà Mau khi đang học lớp 11, ra trường đứng lớp được năm năm thì trường thiếu giáo viên tổng phụ trách, thấy anh năng nổ, nhiệt tình, ban giám hiệu đã đề nghị anh đảm nhiệm công việc này. Mười năm gắn bó với các em thiếu nhi và các hoạt động phong trào, dù bận rộn anh vẫn không ngừng tự nâng cao trình độ. Bởi, anh hiểu, khi anh nhiều tuổi hơn, anh sẽ không đảm nhiệm công việc này tốt bằng các đồng nghiệp trẻ. Anh đã dành nhiều thời gian để học và tốt nghiệp chương trình đại học hệ đào tạo từ xa, chuẩn bị cho việc trở lại đứng lớp. Anh học để gắn bó với nghề lâu dài, để còn bảo bọc vợ con, phụng dưỡng mẹ cha… Chưa dứt nỗi lo Sau giờ lên lớp, thầy cùng vợ đan vỉ tre kiếm thêm thu nhập Anh đưa chúng tôi về thăm nhà. Đó là căn nhà mái tôn nhỏ gọn, không có thứ đồ dùng nào đáng giá được cất nhờ trên đất của ủy ban. Anh bảo, anh mới “làm lại nhà”, hỏi ra mới biết, anh vừa vay tiền mua ít cây gỗ chống đỡ lại nhà sau lần bị gió giật sập hơn một năm trước. Ngoài sân, vợ Cường miệt mài đan những tấm vỉ tre bán cho các cơ sở trong vùng. Mua tre về chẻ, đan hoàn chỉnh một tấm vỉ, chị được trả công 700 đồng. Chị cứ xuýt xoa: “Ước chi vợ chồng em có vài triệu đồng làm vốn, em mua tre về đan rổ rá, cần xé bán thì chắc cuộc sống đỡ hơn, tụi em có tiền lo cho ba mẹ và trị bệnh cho con…” Đứa con gái nhỏ của Cường học đến lớp hai mà vẫn bé như chiếc kẹo. Chỉ cần sốt ho, mỏi mệt là cháu lại lên cơn động kinh, co giật, ngã vật ra bất cứ lúc nào. Từ ngày bé ra đời, chưa có tháng nào anh không phải đưa con vào bệnh viện, cũng chưa đêm nào hai vợ chồng dám ngủ thẳng giấc vì luôn phải trông chừng con. Chỉ vài triệu đồng thôi để làm vốn vậy mà lâu lắm rồi, hai vợ chồng xoay mãi cũng không được. Mắt Cường xa xăm hướng về bên Ngọc Hiển… Nhà ba mẹ anh cách đó một đoạn sông dài. Vẫn rách rưới, xác xơ trong khu rừng đước. Hai con người đã ở tuổi 70, một ốm đau, nghễnh ngãng; một vừa nằm viện về thui thủi sống với nhau. Bác sĩ chẩn đoán ba Cường có khối u ở bàng quang, đang theo dõi để chờ phẫu thuật. Nhà neo người, ông lão 70 tuổi vừa từ bệnh viện về ấy đã lội xuống sông, đào đất, dộng mấy cây cột đước để làm cái chuồng heo cũng trên những thân cây đước… Ông bảo còn sống đến đâu, ông ráng lo đến đó. Không lo sao được khi mà ở tuổi gần đất xa trời, được xét cấp nhà tình thương, ông cũng không có một mảnh đất làm nền nhà? Ngày trước, chưa có gia đình, Cường dùng tiền lương của mình nuôi cháu đi học, phụng dưỡng mẹ cha. Giờ đây, con bệnh, cha đau, nợ vay chưa trả được, anh chỉ có thể dành ra một phần, hàng tháng mua ít đồ ăn mang về cho ba mẹ. Ca mổ sắp tới của cha, có lẽ anh không thể nào kham nổi… bài và ảnh Bích Uyên

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail95.aspx?columnid=95&fld=htmg/2010/0228/63531&newsid=63531