Nhọc nhằn hành trình vượt núi tìm chữ của trẻ vùng cao

Có những khi đói bụng hoa mắt, những đứa nhỏ ngã nháo nhào, bùn đất lấm lem, nhưng những giấc mơ xa xôi ẩn hiện trước mắt về một tương lai tươi sáng nhờ con chữ lại thôi thúc những bước chân hăm hở tới trường.

Nhọc nhằn đi tìm con chữ

Những ngày này, học sinh cả nước lại bắt đầu rậm rịch hành trang để chuẩn bị bước vào năm học mới. Thế nhưng, con đường đến trường của các em nhỏ ở bản làng của thôn Giang, xã Xuân Chinh, Thường Xuân (Thanh Hóa) không chỉ có niềm vui mà còn đầy những gian nan, khốn khó.

Hành trình đến trường của các em nhỏ ở vùng cao không hề dễ dàng

Từ nhà đến trường cách xa hàng chục cây số, phải đi qua con đường núi hẻo lánh, gập ghềnh, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt chỉ còn nước vừa đi vừa bò. Hàng ngày, bất kể trời mưa hay nắng, hơn 35 học sinh của thôn Giang vẫn đều đặn vượt núi để đến trường.

3 anh em Vi Văn Chí (học sinh lớp 8), Vi Hoài Linh (lớp 5), Vi Thị Hồng (lớp 3) đều đang theo học trường cấp 1 và cấp 2 ngoài trung tâm xã Xuân Chinh. Nhà nghèo chỉ có độc một chiếc xe đạp cũ, trong khi 3 anh em lại học cùng buổi, là anh trai lớn trong nhà, Chí đành nhường xe cho hai cô em gái nhỏ, còn mình nhận phần đi bộ.

Tiếng là đi xe đạp nhưng với con đường khúc khuỷu, khi lên khi xuống dốc, thời gian dắt xe có khi còn nhiều hơn là được ngồi xe. Dù vậy, hai chị em Linh và Hồng vẫn cứ miệt mài dắt nhau qua từng đoạn đường khó nhọc, không bỏ sót một buổi học nào.

Vào mùa đông, khi cả núi rừng còn chìm trong giấc ngủ, các em đã í ới gọi nhau dậy để bắt đầu đến lớp. Sương giăng mờ lối, phải đốt đóm mới nhìn thấy đường đi, thế nhưng chẳng đứa nào thấy nản.

Những ngày trời mưa tầm tã, hành trình từ nhà đến trường và ngược lại càng trở nên gian nan hơn gấp bội. Cùng với những đứa trẻ khác trong làng, từng tốp học sinh cứ thế mò mẫm từng bước trên con đường trơn lầy lội, nhiều em chân đi không vững ngã nháo nhào, có khi dúi cả đầu vào bụi rậm, nhưng lại lồm cồm bò dậy đi tiếp, khi đến lớp thì quần áo đã lấm lem bùn đất.

Nhiều khi bụng đói, mắt hoa lên, nhưng trước mắt lại chập chờn một giấc mơ ẩn hiện xa xôi về một tương lai sáng lạn hơn nhờ con chữ, giấc mơ ấy như một sức mạnh phi thường thôi thúc những bước chân quên đi chặng đường nhọc nhằn để hăm hở đến trường.

Chuẩn bị bước vào năm học mới, không giống như những đứa trẻ ở ngoài phố thị được bố mẹ sắm sửa đủ thứ áo quần, sách vở, những đứa trẻ ở bản nghèo vùng cao này đến trường với những bộ quần áo nhàu nhĩ, cũ kĩ từ những năm trước đó.

Bữa ăn sáng khi có khi không, may thì có cơm nguội, ăn vội vàng một vài miếng lót dạ; không may thì uống tạm ngụm nước cho ruột khỏi rỗng rồi cứ thế đến lớp. Vào những ngày phải học hai buổi ở trường, các em phải cơm đùm, cơm nắm. Thức ăn có chăng cũng chỉ là những gói chẻo hay củ măng rừng, được con cá khô là ngon lắm rồi.

Em Vi Thị Hồng chia sẻ: “Đường xa nên đi học mệt lắm, có những hôm trên đường đói lả cả người, nhưng em vẫn thích đi học, không bỏ buổi học nào, mấy năm nay em đều được giấy khen”.

Những giấc mơ dang dở

Thôn Giang nhỏ bé và nghèo nàn có gần trăm nóc nhà đơn sơ nằm rải rác bên những sườn núi, là nơi sinh sống của đồng bào người dân tộc Thái. Giữa những khu rừng bạt ngàn, hẻo lánh, dân nơi đây thiếu thốn đủ thứ từ điện đến đường… Bao năm qua, đời sống của bà con vẫn trầy trật, vùng vẫy mãi cũng chưa thể thoát khỏi nghèo khó.

3 trong số 5 đứa con nhà chị Sơn đều đang ở độ tuổi đến trường

Khi miếng cơm manh áo còn chưa đủ, cuộc sống mưu sinh trở thành nỗi lắng lo hơn tất thảy thì chuyện học hành ắt trở thành thứ yếu, đó là một thực tế đáng buồn. Đa phần, học sinh cứ học hết lớp 9 là bỏ học, thay cha mẹ gồng gánh chuyện áo cơm cho gia đình.

Chị Cầm Thị Sơn ở thôn Giang, xã Xuân Chinh chia sẻ, vợ chồng chị đẻ tới 5 đứa con. Con gái lớn của gia đình là Vi Thị Trang (SN 2001), lẽ ra sẽ bước vào lớp 11 trong năm học mới này nhưng vì nhà nghèo đã phải bỏ học từ năm lớp 9, để lại một giấc mơ dở dang và đầy tiếc nuối.

“Cháu ham học và muốn được trở thành bác sĩ, thế nhưng đành phải bỏ dở vì nhà nghèo quá không có tiền nuôi cháu học tiếp. Hiện giờ, cháu đang làm thuê trong Sài Gòn, thi thoảng cũng gửi tiền về cho bố mẹ nuôi các em”, chị Sơn nói.

Ông Lương Văn Tòi, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết: “Hiện nay, xã Xuân Chinh vẫn còn 3 thôn cách xa trung tâm xã, đó là thôn Cụt Ạc, Giang và Tú Tạo. Do đường giao thông chưa có nên việc đi lại của người dân cũng như học sinh vô cùng vất vả. Đời sống của bà con cũng vì thế mà còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề”.

Ông Lâm Anh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thường Xuân chia sẻ: “Về cơ bản, cơ sở vật chất của các trường đã được Nhà nước quan tâm đầu tư đầy đủ. Các học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng đã có chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nhờ vậy, những năm gần đây, điều kiện học tập của học sinh đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, cũng vẫn còn tồn tại các điểm trường lẻ tại các địa bàn miền núi, đời sống học sinh cũng còn nhiều bất cập”.

Khi được hỏi về ước mơ sau này, có em muốn làm cô giáo, em muốn trở thành bộ đội… nhưng nhiều em chỉ biết lắc đầu ngơ ngác. Những giấc mơ nghe chừng bình dị nhưng cũng rất đỗi xa xôi, bởi cái nghèo giống như một vòng kim cô siết chặt tương lai của chúng.

Lương Thị

Nguồn ANTT: http://antt.vn/nhoc-nhan-hanh-trinh-vuot-nui-tim-chu-cua-tre-vung-cao-207489.htm