Nhọc nhằn khai trường mùa lũ

Ngày khai giảng 5/9 năm nay, nhiều địa phương vẫn còn ngập chìm trong lũ khiến con đường tới trường của các em vô cùng gian nan, thậm chí có nơi phải lùi ngày khai trường chờ nước rút, khắc phục hậu quả.

An Giang: Băng đồng tới trường

Ngày 5/9, bà Nguyễn Thị Kim Ba ở ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông (An Phú, An Giang) chở 3 đứa cháu nội và ngoại đến trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông dự khai giảng. Trong lúc ngồi chờ cháu, bà cho biết, nhà cách trường gần 4 km nhưng ngập lênh láng, nhìn xung quanh toàn trắng xóa. Con đường đến trường hằng ngày cũng đã ngập chìm trong nước khiến cho con em không thể đến trường như bình thường. “Cha mẹ các cháu đi làm thuê ở Bình Dương để lại 3 đứa cho vợ chồng tôi chăm sóc, ăn học. Bây giờ nước ngập sâu, đi lại khó khăn nên lúc nào cũng đi theo, đưa đi học và giữ cháu”, bà Kim Ba nói.

Ông Huỳnh Công Phương, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông cho biết, Vĩnh Hội Đông là xã biên giới đầu nguồn của huyện An Phú. Hiện tại, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn xã đã bị nước lũ cô lập khiến học sinh không thể đến trường. Năm nay, địa phương vận động xã hội hóa và một phần sử dụng ngân sách thuê chủ phương tiện đưa đón học sinh để phụ huynh yên tâm cho con đi học.

Học sinh vùng lũ An Giang trong ngày khai giảng ẢNH: HÒA HỘI

Ngồi trên vỏ lãi đường về nhà, em Nguyễn Lưu Nhi, học sinh lớp 3A trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông nói: “Nếu không có vỏ lãi của nhà trường chở miễn phí thì con không đi học được vì cha suốt ngày làm thợ mộc, còn mẹ đi làm thuê để nuôi gia đình”.

Thầy Hà Minh Phương, Phó hiệu trưởng trường tiểu học B Vĩnh Hội Đông cho biết, khu vực này thấp, giáp biên giới nên hằng năm đến mùa lũ đều ngập. Vì thế, khi nước dâng cao, địa phương đã tổ chức 5 tuyến đón rước 151/552 em học sinh đến trường an toàn.

Thanh Hóa: Nhiều trường lùi ngày khai giảng

Sáng 5/9, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) vẫn đang bị chia cắt sau lũ, có nhiều trường phải lùi ngày khai giảng. Tại các xã bị thiệt hại lớn do lũ, ngành chức năng cũng như huyện Mường Lát đã tổ chức khai giảng tập trung tại một điểm trường của cả ba bậc học mầm non, tiểu học và THCS.

Tuy nhiên theo ghi nhận tại các xã Pù Nhi, Tam Chung thì số lượng học sinh đến tham gia khai giảng rất ít. Cụ thể như học sinh 3 bậc học của xã Pù Nhi khoảng 1.500 học sinh, nhưng chỉ đến dự khai giảng khoảng vài trăm học sinh. Nguyên nhân là do nhiều gia đình học sinh đang phải đi ở nhờ, ở tạm do nhà bị mưa lũ vùi lấp, cuốn trôi hoặc nhiều gia đình đang phải tập trung khắc phục sau lũ, không thể đưa con, em đến trường. Ngoài ra, giao thông đi lại khó khăn, nguy hiểm cũng khiến nhiều học sinh không thể đến tham dự lễ khai giảng.

Trong khi đó, đường dẫn vào trường tiểu học xã Tam Chung (xã Tam Chung) vẫn ngổn ngang bùn đất. Nhưng từ sáng sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con, em vượt suối, đến trường để dự ngày khai giảng năm học mới.

Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Lát cho biết: Lũ lụt khiến các tuyến đường trên địa bàn xã Mường Chanh bị chia cắt, nhà cửa bị hư hại, điện lưới quốc gia cũng mất, sóng điện thoại bị cắt đứt và đặc biệt hệ thống giao thông nối các bản về trung tâm xã Mường Chanh gần như bị tê liệt… Do đó, việc tổ chức khai giảng vào ngày hôm nay ở các trường của xã Mường Chanh đã không thể thực hiện được. Dự kiến, ngày tựu trường của học sinh xã Mường Chanh sẽ được dời đến ngày 8/9. Phương án này đã được UBND huyện Mường Lát và phòng Giáo dục huyện báo cáo Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa.

Nghệ An: Chồng chất khó khăn ngày khai giảng

Huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Cơ sở vật chất của các trường bị lũ tàn phá, hư hỏng. Để học sinh được đón năm học mới, ngành giáo dục Nghệ An phải nỗ lực vượt qua khó khăn. Ngày 5/9, tỉnh Nghệ An có 783.000 học sinh và 53.000 giáo viên tham gia lễ khai giảng năm học mới.

Tại huyện Kỳ Sơn, hơn 21 nghìn học sinh vừa trải qua những trận lũ lụt kinh hoàng. Lũ chồng lũ khiến hệ thống bờ rào lưới, bể nhà vệ sinh khu nhà ở bán trú của trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Típ bị cuốn trôi. Trong ngày khai giảng, trường vẫn không có điện, đường nước bị hư hỏng, đường giao thông bị chia cắt bởi khối lượng lớn đất đá sạt lở chắn ngang con đường dẫn vào trường. Máy móc không thể vào bởi con đường độc đạo đi xã Mường Típ, Mường Ải bị lũ tàn phá. Công tác khai thông đường chỉ mới xã Tà Cạ.

Trước tình hình này, thầy cô và phụ huynh buộc phải mở con đường nhỏ cho các em học sinh vào trường. Giáo viên ở trung tâm thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) tới trường phải vượt hành trình 100km đường rừng, di chuyển bằng ô tô, xe máy và cuối cùng đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được. Giao thông tê liệt cũng khiến việc cứu trợ, từ thiện, vận chuyển lương thực thực phẩm đến 380 em học sinh và giáo viên rất khó khăn.

Tại huyện Con Cuông, trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Con Cuông không thể tổ chức khai giảng như kế hoạch và phải di dời lại 1 tuần. Sau trận bão số 4, trường ngập sâu đến gần 1m, bùn đất dày đặc ở các dãy phòng học tầng 1 và khu nhà ở nội trú của học sinh.

Quang Long - Cảnh Huệ - Hoàng Lam - Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/nhoc-nhan-khai-truong-mua-lu-1320768.tpo