Nhọc nhằn mưu sinh giữa đại dịch

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân, nhất là với những lao động ngoại tỉnh. Vì mưu sinh, vì cơm, áo, gạo tiền họ buộc phải bôn ba khắp chốn, để rồi bị 'kẹt' lại nơi đất khách, quê người khi thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch. Lúc này, cuộc sống của họ càng khó khăn hơn.

Khi mà không thể đi làm, không có thu nhập, cũng không thể trở về quê, đối với những người làm nghề cắt củi thuê giữa đại dịch, ngay cả bữa ăn hằng ngày cũng chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhà hảo tâm.

Ăn rừng, ngủ lán

Giữa bạt ngàn cao su ở ấp 8, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, những căn chòi tạm được dựng lên từ hơn 2 tháng trước. Đây là nơi ở của nhóm lao động chuyên cưa cây, chặt củi thuê. Dù đã quá quen với cuộc sống nay đây, mai đó, ăn, ngủ giữa rừng, trải qua biết bao đợt mưa dông, gió lốc, nhưng khi dịch Covid-19 ập đến, họ vẫn trở tay không kịp. Không có việc làm đồng nghĩa với thu nhập bằng 0, cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Với họ, giờ đây lo được bữa ăn hằng ngày cũng là điều không dễ.

Cuộc sống tạm bợ và khó khăn của lao động tự do bị “kẹt” lại tại ấp 8, xã Tân Lập

Bà Thị Ty Má, người làm thuê đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết, bản thân nhiều năm làm nghề cắt củi thuê, rong ruổi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ nhưng chưa từng trải qua thời kỳ khó khăn như lúc này. Nhìn các cháu nhỏ ăn uống đạm bạc cũng thương lắm, nhưng không biết làm sao, phải cố gắng chấp nhận, chỉ mong dịch qua mau để đi làm, có thu nhập. Mấy ngày trước chính quyền xã cũng vào thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm nhưng không thể trông chờ mãi được.

Theo tìm hiểu, nhóm lao động này có khoảng 200 người, đều là người tứ xứ đến làm thuê cho các chủ vườn ở Bình Dương. Thường ngày, chủ vườn chuẩn bị lương thực, thực phẩm hoặc cho họ ứng tiền công để đi chợ. Tuy nhiên, từ khi thực hiện giãn cách xã hội, chủ vườn không thể vào Bình Phước nên cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Với tinh thần “tương thân tương ái”, không để ai thiếu ăn trong dịch bệnh và để mọi người dân không di chuyển ra ngoài địa bàn trong thời gian giãn cách xã hội, chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể, tổ chức đã phối hợp giúp đỡ kịp thời bằng những món quà thiết thực. Ông Hồ Hùng Phi, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập cho biết: Qua khảo sát thực tế địa bàn cũng như thăm nắm từ các ấp, đa số lao động tự do ở đây có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vì vậy, địa phương rất quan tâm nhóm đối tượng này, chúng tôi đã giao MTTQ và Ban CHQS xã thường xuyên vận động các nguồn lực để hỗ trợ.

Cũng theo lãnh đạo xã Tân Lập, trong nhóm lao động cắt củi thuê ở đây, khó khăn nhất là nhóm chặt cành, vì tất cả là người dân tộc Chăm và Khmer. Khi đến Bình Phước, họ dẫn theo cả gia đình. Nhóm lao động này có 40 người, tá túc tại 12 chòi, trong đó có khá nhiều trẻ em. Chính vì vậy, xã đã tập trung hỗ trợ tối đa để đảm bảo họ đủ sống trong những ngày giãn cách.

Cháu Nguyễn Thị Hà Vy đến từ tỉnh Tây Ninh mong muốn: Được nghỉ hè nên con cùng gia đình đến đây đã hơn 2 tháng rồi. Chuẩn bị đến năm học mới con rất muốn về nhà với ông bà ngoại để được đi học, gặp lại bạn bè, thầy cô.

Thông thường, cứ khoảng 1 tuần các hội, đoàn thể của xã sẽ gom nhu yếu phẩm rồi đem đến hỗ trợ các hộ dân này. Tới đây, chúng tôi cũng giao Trạm Y tế xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đối với nhóm đối tượng này. đồng thời thường xuyên nắm bắt nhu cầu đời sống, không để ai bị thiếu ăn, đói bữa.

Ông Hồ Hùng Phi , Bí thư Đảng ủy xã Tân Lập

Cùng với hỗ trợ lương thực, thực phẩm, xã Tân Lập cũng chỉ đạo MTTQ và các hội, đoàn thể thường xuyên đến tuyên truyền, nhắc nhở mọi người chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Các chốt kiểm dịch cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, không để ai ra ngoài nhằm đảm bảo phòng, chống dịch.

Ông Thạch Thanh, người làm thuê đến từ tỉnh Tây Ninh cho biết: Chúng tôi rất cảm ơn các mạnh thường quân và chính quyền địa phương nơi đây. Những phần quà này thực sự rất ý nghĩa với người lao động tự do lâm vào hoàn cảnh khó khăn, giúp chúng tôi an tâm ở lại. Mong muốn lớn nhất của tôi là các tỉnh nhanh chóng kiểm soát tốt dịch bệnh, để mọi người được đi làm, có thu nhập trang trải cuộc sống.

“Nghề cắt cây bạc lắm”! đó là câu đúc kết của những thợ lâu năm. Họ giải thích: Bạc bởi nhiều người đã phải đổ máu từ chính lưỡi cưa, lưỡi dao của mình, thậm chí có người phải bỏ mạng vì cây đổ trúng. Cây cho họ một nghề, nhưng cũng có thể lấy đi của họ tất cả. Vậy vì sao bạc và rủi ro như thế mà vẫn làm? Câu hỏi này chỉ những người trong nghề như họ mới có thể trả lời.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/126497/nhoc-nhan-muu-sinh-giua-dai-dich