Nhọc nhằn phận nữ bốc gạch thuê

Dậy từ 5 giờ sáng để đi làm, mỗi ngày bốc xếp hàng ngàn viên gạch, sơ sểnh là gãy tay, dập chân, nhưng nhiều phụ nữ ở ngoại thành Hà Nội vẫn cắn răng bám trụ với nghề vì miếng cơm manh áo.

Công việc nặng nhọc với mức lương thấp song đây là kế sinh nhai của những phụ nữ bốc gạch thuê - Ảnh Mai Liên

Sơ sểnh một chút là gãy tay, gãy chân

5 giờ sáng. Chị Phạm Thị Hiền (31 tuổi, ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã phải dậy để chuẩn bị ra lò gạch, bắt đầu một ngày mưu sinh vất vả khi bụng còn đói meo. Chị Hiền cho biết, làm nghề bốc xếp gạch thuê đã được 4 năm nay, kể từ ngày chị vẫn còn phải dùng quang gánh để gánh gạch. Ngày nào cũng như ngày nào, chị đều dậy từ 5 giờ sáng để kịp 6 giờ có mặt ở lò gạch làm thuê. "Nghề này cực lắm. Làm quần quật cả ngày được 300.000 đồng/ngày, trừ tiền ăn, xăng xe, còn dư ra được 200.000 đồng mang về nuôi con. Nhưng làm cái việc bốc xếp gạch này nhanh mất sức lắm, nay ốm mai đau, làm được ngày nào chỉ biết ngày ấy", chị Hiền chia sẻ.

Không chỉ hay đau yếu do mang vác nặng, quá sức, chị Hiền cho biết làm việc trong môi trường lò gạch, bụi và nóng bức là thứ đáng sợ nhất. "Để ngăn hít phải nhiều bụi, chúng tôi thường gập khăn làm nhiều lần, thấm nước rồi bịt mặt, mũi, nhưng không ăn thua. Tối về nhà bỏ khăn ra, xỉ (bụi gạch) vẫn dính đầy trong mũi”, chị Hiền kể.

Không riêng chị Hiền, nhiều phụ nữ bốc xếp gạch thuê cho các lò gạch thủ công tại các cánh đồng giữa núi thuộc thôn Bình Lạng (xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đều mưu sinh trong tình cảnh cực nhọc tương tự.

Chị Bùi Thị Ngoan (39 tuổi, ở thôn Trung, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức) làm nghề bốc xếp gạch đã 8 năm nay, cho biết nhiều lần chị tận mắt chứng kiến những vụ tai nạn lao động trong lò gạch. “Làm trong lò gạch, không cẩn thận là gạch đổ đè cả lên người, gãy chân, gãy tay là chuyện thường. Có rất nhiều trường hợp bị như thế, nhưng cũng chỉ vì tiền trang trải cuộc sống gia đình mà phải cố thôi", chị Ngoan thở dài, và cho biết, chị và nhiều phụ nữ cùng nghề đều đi bốc gạch thuê bất kể giờ nào, mùa hè đến thì phải làm đêm để tránh cái nóng khủng khiếp, còn mùa đông, khi mọi người đang cuộn trong chăn ấm, họ đã phải đến lò gạch mưu sinh.

Vất vả cũng quen rồi, tất cả vì miếng cơm manh áo"

Nghề bốc xếp gạch nặng nhọc, nguy hiểm, chỉ phù hợp với đàn ông, nhưng ở thôn Bình Lạng, số phụ nữ theo nghề này lại đông hơn cả nam giới. Nhiều người cho biết họ chấp nhận đi bốc xếp gạch thuê để có thu nhập, dù rất nặng nhọc, nhưng vì làm nông nghiệp thất thu, nông sản rớt giá, lại thêm phải trông nom con cái ở gần, nên họ không chọn việc ra thành thị làm thuê.

Chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết chị nghỉ học sớm và lập gia đình từ năm 18 tuổi. Sinh nhiều con, chị phải làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con. Mới đây, chị Lan bỏ làm ruộng vì không có thu nhập, rồi lặn lội hàng chục ki lô mét để vào lò xin bốc xếp gạch thuê. “Ở nông thôn thì đâu có việc nhẹ lương cao. Tôi có bằng cấp gì đâu nên chấp nhận lao động chân tay, vất vả cũng quen rồi, tất cả vì miếng cơm manh áo", chị Lan ngừng tay lau mồ hôi, nói vội.

Cô Mai Thị Năm (52 tuổi, ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức), người nhiều tuổi nhất trong số các phụ nữ bốc xếp gạch tại thôn này, cho biết cô làm nghề bốc xếp gạch đã 15 năm, sức khỏe ngày càng yếu nhưng cô vẫn phải bám trụ nghề khó nhọc này vì thu nhập từ nghề nông không đủ trang trải cuộc sống gia đình, hằng năm chỉ cấy vài sào lúa để ăn, đất lại không canh tác được hoa màu nên càng khó. "Biết nghề này làm việc trong môi trường độc hại, lưng đau quặn suốt năm, suốt tháng, phải uống thuốc, đi tiêm, nhưng vẫn phải cố gắng đi làm, nếu không thì làm gì có tiền tiêu", cô Năm chia sẻ.

Khi hỏi vì sao cô không đi trông trẻ cho các gia đình ngoài thành thị, lương tháng cũng cao lại không phải lao lực, cô Năm lắc đầu: “Làm nghề này tôi cũng quen rồi, biết ra thành thị người ta có mướn không, lại còn gia đình nữa, không đi xa được".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi ngày, mỗi lao động nữ tại đây bốc xếp và chở được 14 xe gạch ra bãi chứa, mỗi xe chứa khoảng 300 viên, tính tổng cộng 4.200 viên/ngày. Làm trong lò gạch, lương được tính theo sản phẩm, cứ 1.000 viên gạch được bốc xếp và chở ra bãi được 40.000 đồng, chủ yếu là làm việc theo nhóm, mỗi nhóm có 5 hoặc 6 người, nhóm nào làm nhiều sẽ được nhiều tiền, và ngược lại.

Theo cô Năm, khi vào lò để bốc xếp gạch, phải thường xuyên đứng trên những đống gạch chất cao, hòn gạch còn nóng ran, ai không đi dép, đeo bít tất sẽ bị bỏng chân như chơi.

Làm trong lò gạch, công nhân không được nuôi cơm, nên khi đến bữa trưa, những người nhà gần nơi làm việc sẽ về ăn vội rồi lại đến làm. Những người nhà xa sẽ góp gạo thổi cơm chung, ăn trưa tại túp lều tạm bợ được dựng sát nơi làm việc. Mỗi trưa như thế có 30 phút ăn uống và nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Quang Tú, Trưởng thôn Bình Lạng, xã Hồng Sơn, cho biết hiện tại trong thôn có 8 lò sản xuất gạch đang hoạt động, trung bình mỗi lò gạch có 300 lao động, trong số đó, đa số là nữ.

Dưới đây là hình ảnh về những phụ nữ làm nghề bốc xếp gạch thuê tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội:

Dưới cái nắng chói chang, những người phụ nữ này vẫn cần mẫn bốc xếp gạch lên xe - Ảnh Mai Liên

Chị Đoàn Thị Thu (39 tuổi, ở xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) suốt 4 năm nay bốc xếp gạch thuê để có tiền nuôi 2 con học đại học. Ngày làm cật lực, chị kiếm được 300.000 đồng, trừ tiền ăn, xăng xe, còn dư 200.000 đồng - Ảnh Mai Liên

Bốc xếp gạch từ đống gạch chất cao, rủi ro luôn rình rập... - Ảnh Mai Liên

Đứng trên những hàng gạch chênh vênh, nếu không cẩn thận là ngã gãy chân, tay - Ảnh Mai Liên

Với những người phụ nữ mới vào làm, rất khó để điều khiển được những xe gạch đầy như những nhân công đã thành thạo - Ảnh Mai Liên

Quảng cáo

Chị Nguyễn Thị Lan (35 tuổi, ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nghỉ học sớm và lập gia đình từ năm 18 tuổi. Sinh con đông, chị làm đủ thứ việc để có tiền nuôi con. Mới đây, chị Lan bỏ làm ruộng vì thu nhập không đủ sống, rồi lặn lội hàng chục ki lô mét để vào lò gạch xin làm bốc xếp thuê - Ảnh Mai Liên

Đã quá trưa, nhưng bà Nguyễn Thị Dự (51 tuổi, ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn cùng gạch “phơi” mình dưới nắng. - Ảnh Mai Liên

Những phụ nữ nhà ở xa góp gạo thổi cơm chung, cùng ăn trưa chóng vánh để làm tiếp ca chiều - Ảnh Mai Liên

Được đặt lưng nghỉ ngơi trong túp lều tạm với họ cũng rất quý - Ảnh Mai Liên

Mai Liên

Mai Liên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nhoc-nhan-phan-nu-boc-gach-thue-954343.html